CSVN ‘xin tiền dân hết lần này đến lần khác’

Theo giới quan sát, việc thu tiền đóng góp “trên lý thuyết là tùy tâm nhưng thực tế gần như cưỡng bức, nhất là ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước”. Courtesy of Zing

Trong lúc báo đảng tung hô việc nhà cầm quyền kêu gọi dân góp Quỹ Vaccine, giới kinh tế gia nhận định đây là đây là biểu hiện của “thất bại chính phủ” về mặt ngân sách.

Hiện tại, theo lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương, truyền thông nhà nước chỉ đăng bài tuyên truyền, nhấn mạnh “sự đoàn kết, chung lòng của người dân với chính phủ” khi đưa tin về Quỹ vaccine ngừa COVID-19.

Các báo liên tục cập nhật những con số mới nhất để thể hiện “tấm lòng” của dân chúng đối với chính phủ.

Tất nhiên, báo đảng không được đặt câu hỏi về tính minh bạch của quỹ này và tại sao chính quyền thu thuế của dân quanh năm mà nay còn đòi người dân phải góp thêm tiền khi xảy ra dịch bệnh.

Người dân chỉ được góp tiền, không được thắc mắc về tính minh bạch của Quỹ Vaccine nếu không muốn bị chụp mũ là “phản động”. Courtesy of Tuoi Tre

“Tránh đi vào vết xe đổ của việc mua sắm máy trợ thở”

Hôm 8/6/2021, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định: “Trong các xã hội hiện đại, nhà nước có vai trò đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân, và hiển nhiên trong bối cảnh đại dịch, vai trò này của nhà nước cần kíp hơn bao giờ hết.

Từ góc nhìn này, việc Chính phủ thành lập Quỹ vaccine ngừa COVID-19 là một sự thừa nhận rằng ngân sách quốc gia hiện nay không đủ để trang trải chi phí mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vaccine. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, đây là biểu hiện của “thất bại chính phủ” về mặt ngân sách.”

Theo vị chuyên gia kinh tế, lẽ ra nhà cầm quyền CSSVN phải chuẩn bị trước ngân sách để có thể chủ động triển khai kế hoạch vaccine. Đáng tiếc là trong dự toán ngân sách nhà nước 2021, không hề có khoản nào dành cho vaccine. Cũng cần nói thêm là trong dự toán ngân sách 2021 có 20.611 tỷ đồng dành cho chi thường xuyên các lĩnh vực y tế, dân số và gia đình, nhưng theo luật, không thể lấy ngân sách này để mua hay sản xuất vaccine được.

Ông Tự Anh cho biết thêm: “Việc thành lập Quỹ vaccine ngừa COVID-19 là nỗ lực sửa chữa thất bại ngân sách bằng phương thức xã hội hóa. Việc hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giúp Chính phủ “rộng tay” mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vaccine với tốc độ nhanh nhất. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa nhiều rủi ro, vì vậy cần phải được thực hiện với đầy đủ sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để tránh đi vào vết xe đổ của việc mua sắm máy trợ thở trước đây.”

Báo đảng đăng hình lãnh đạo CSVN “nhắn tin SMS ủng hộ tiền” để “làm gương” cho dân chúng làm theo. Courtesy of Zing

“Chính phủ xin tiền dân hết lần này đến lần khác”

Cùng thời điểm, ông Dương Quốc Chính, một nhà quan sát từ Hà Nội, phân tích: “Nhà nước vận hành được dựa trên các loại thuế, phí thu từ dân và từ tiền có được từ khai thác tài nguyên, khoáng sản. Các loại thuế và phí này đều phải dựa trên luật để thu chứ không phải thu tùy thích. Đây là nguyên tắc chung của hầu hết các nhà nước trên thế giới. Không có nhà nước nào có kiểu thu tiền từ dân thông qua kêu gọi đóng góp. 

Việc quyên góp trợ giúp người dân chịu thiệt hại nặng trong thiên tai, dịch bệnh là cần thiết và luôn có ở tất cả các nước. Nhưng thường do các tổ chức tư nhân hoặc phi chính phủ đứng ra vận động và phân phát đồ cứu trợ. Chính phủ không nên đứng ra nhận quyên góp, kêu gọi cứu trợ từ chính người dân mà chỉ có thể kêu gọi quốc tế trợ giúp.

Bởi vì nếu chính phủ kêu gọi (bản chất là xin) trợ giúp từ dân thì chính phủ sẽ bị chồng chéo vai trò và trách nhiệm. Rõ ràng chính phủ đã có trách nhiệm cứu trợ từ tiền thuế của dân nay lại có thêm vai trò tiêu tiền chùa (tiền xin của dân) để cứu trợ. Vậy lấy đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương? 

Việc chính phủ kêu gọi dân đóng góp Quỹ Vaccine bản chất y hệt như dân làm từ thiện cho chính phủ! Trong khi bộ máy tuyên truyền lại bẻ lái là người dân “sẻ chia” cho người nghèo hơn giống như người dân cứu trợ đồng bào bão lụt vậy! Việc kêu gọi đóng góp này hiện không có luật nào ràng buộc, chính phủ thu tiền bừa bãi từ đủ loại thành phần, thu cả của người nghèo, người không có thu nhập. Còn tiền thuế hay phí đều phải có luật rất chi tiết và nói chung đều theo nguyên tắc người giàu hơn thì đóng nhiều hơn.” 

Ông Chính nhận định rằng việc thu tiền đóng góp “trên lý thuyết là tùy tâm nhưng thực tế gần như cưỡng bức, nhất là ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước”. 

Nhà quan sát chỉ trích: “Chính phủ đốt nhiều ngân sách chống dịch và cách ly cực đoan làm thiệt hại kinh tế như vậy nhưng lại không hề nao núng vì có thể xin được tiền dân hết lần này đến lần khác (đây là lần thứ hai trong dịch COVID-19 và không dám chắc là không có lần thứ ba, tư). Khi người ta dễ dàng xin tiền thì người ta cũng dễ dàng tiêu tiền hoang phí. Trong khi chính phủ còn có trách nhiệm nữa là giảm thuế và trợ giúp tiền cho dân để kích cầu tiêu dùng chống giảm phát. Các nước tư bản thì phát tiền cho dân dân để kích cầu, còn Việt Nam kích cầu bằng đầu tư công, chi tiêu công. 

Tóm lại là dịch bệnh, thiên tai càng kéo dài thì toàn dân thiệt hại, chính phủ cũng thiệt hại, nhưng chính phủ lại xin tiền dân mà không phải ngược lại. Thiên tai và dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn tới càng tăng chi tiêu công và tăng cơ hội tuyên truyền vai trò của chính phủ, nhưng cũng tăng cơ hội tham nhũng.” 

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn