Covid-19 thách thức ngành công nghiệp quốc phòng Pháp

Nghe đọc bài

Pháp là một trong ba nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự hàng đầu trên thế giới. Virus corona có thể đe dọa lĩnh vực công nghệ mũi nhọn này của Pháp hay không ? Giới trong ngành lo ngại các khách hàng quan trọng nhất cắt giảm ngân sách phòng thủ và nhất là đơn đặt hàng của ngay cả chính phủ Pháp cũng bị sụt giảm.

Theo báo cáo công bố tháng 3/2020 của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, với 7,9 % thị phần trong giai đoạn 2015-2019, Pháp là quốc gia cung cấp vũ khí lớn thư ba trên thế giới. Đây cũng là thời điểm các vụ xung đột trên thế giới tăng gấp đôi so với hồi năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự của Pháp tăng thêm 72 % so với giai đoạn 2010 -2014. 

Năm 2018 chẳng hạn chi tiêu quân sự của các quốc gia trên thế giới tăng 13 % so với 10 năm trước đó.

Dù không ngừng gặm nhấm được thêm thị phần quốc tế, nhưng Pháp vẫn bị Mỹ và Nga bỏ xa lại phía sau. Trên thị trường này, Mỹ vẫn dẫn đầu bảng với 36 % thị phần trên thế giới và Nga là 21 %. Các khách hàng quan trọng nhất của Pháp thuộc khu vực Trung Đông, đứng đầu là Ả rập Xê Út và Qatar. Vẫn viện SIPRI trong báo cáo hồi mua xuân vừa qua tin tưởng rằng « với những thành tích rực rỡ trong 5 năm vừa qua, Pháp tiếp tục duy trì vị trí khá cao ít nhất là trong 5 năm sắp tới », nhưng đó là chưa kể hiệu ứng virus corona. 

Covid-19 đe dọa xuất khẩu vũ khí ?

Lo ngại thứ nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tuột dốc vì Covid-19, ngân sách quốc phòng bị bào mỏng vì những ưu tiên cấp bách hơn. Liệu rằng 6 tập đoàn cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự hàng đầu của Pháp có thể tiếp tục trông cậy vào những khách hàng như Ả Rập Xê Út, Ai Cập hay Ấn Độ nữa hay không khi mà từ Cairo đến New Delhi và cả Riyad đã liên tục phải điều chỉnh ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả kinh tế do virus corona gây nên, và kèm theo đó là hàng chục triệu người thất nghiệp, hàng trăm triệu người bị nạn đói đe dọa hay có nguy cơ đẩy vào cảnh bần cùng ?

Theo thứ tự, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Ai Cập là ba trong số 5 nguồn nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Úc đứng hạng tư và Trung Quốc hạng 5.

Gần với Pháp hơn về mặt địa lý là Liên Hiệp Châu Âu : các nhà sản xuất đang lo rằng, GDP của Liên Âu đang sụt giảm gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với hồi khủng hoảng tài chính 2008, một lần nữa chi tiêu quốc phòng có thể không còn là một ưu tiên của các chính phủ trong khối. Cụ thể hơn là các dự án trang bị vũ khí, các chương trình đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng bị đình chỉ. Trong khi đó Liên Âu đang chuẩn bị cho ra đời « chiến đấu cơ, xe tăng và tàu chiến thuộc thế hệ mới »  

Cạnh tranh ngành càng gắt gao

Cùng lúc với đại dịch Covid-19 thì hiểm họa thứ nhì là vị trí số 3 của Pháp có thể bị hai quốc gia đứng kế theo sau là Đức và Trung Quốc đe dọa. Vẫn theo báo cáo của SIPRI, Đức chiếm 5,8 % thị phần quốc tế, Trung Quốc là 5,5%. Nhưng đồng thời trong vỏn vẹn 5 năm, danh sách các khách hàng mua vũ khí của Trung Quốc đang từ 40 đã tăng vọt lên thành 53 nước. Đại diện của ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc rất năng động và hiện diện « khắp nơi, từ châu Phi đến Pakistan », như ghi nhận của chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Naval Group Hervé Guillou.

Nhìn từ phía các nhà sản xuất Pháp thì sao ?

Ngay trong những tuần lễ đầu nước Pháp bị phong tỏa, bộ Quân Lực đã yêu cầu các nhà sản xuất « duy trì các hoạt động cần thiết » nhằm cho phép quân đội tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ở trong nước và hải ngoại. Tuy nhiên như tất cả các ngành nghề khác, các nhà máy sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự tại Pháp đã phải hoạt động cầm chừng. Các dịch vụ chào hàng đã bị đình chỉ, lịch giao hàng đã bị xáo trộn. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn Dassault đã vội vã thông báo cho bộ Quốc Phòng Ấn Độ là Covid-19 khiến tập đoàn này không thể giao 4 trong số 36 chiến đấu cơ Rafale đúng thời hạn.

Dịch bệnh đã buộc nhiều đơn vị sản xuất hoạt động chậm lại kèm theo đó là mối lo chiến lược phòng thủ không còn là ưu tiên tại trong các kế hoạch kích cầu của các quốc gia đang phải bơm vào hàng chục hàng trăm và thậm chí là cả ngàn tỷ đô la để khắc phục tác động về kinh tế và xã hội do virus corona gây ra.

Chỉ riêng tại Pháp, công nghệ quốc phòng bảo đảm việc làm cho 165.000 người lao động. Đại diện của ngành công nghiệp hàng không, hàng hải và các nhà sản xuất vũ khí cho bộ binh đồng loạt kêu gọi chính phủ nhanh chóng can thiệp. Eric Trappier chủ tịch nghiệp đoàn các nhà sản xuất trang thiết bị quân sự cho bộ binh lưu ý toàn bộ các cơ sở sản xuất đều được đặt tại Pháp, do vậy « đầu tư của chính phủ trực tiếp nhằm hỗ trợ thị trường lao động Pháp ».

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Julien Malizard phó giám đốc khoa Kinh Tế -Quốc Phòng tại Viện Cao Đẳng Quốc Gia về Quốc Phòng IHEDN giải thích về vai trò chủ chốt của chính phủ trong lĩnh vực này và điều quan trọng nhất là Paris không cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong những năm săp tới : « Theo các thống kê gần đây của INSEE hoạt động kinh tế giảm đi mất 40 % dưới tác động của lệnh phong tỏa. Đối với ngành công nghiệp quốc phòng, bài toán phức tạp hơn một chút. Nhà nước là khách hàng quan trọng nhất và tới nay các đơn đặt hàng vẫn được duy trì. Ngược lại các đơn vị sản xuất đã khởi động lại một cách chậm chạp. Điều quan trọng là trong giai đoạn hậu khủng hoảng, chính phủ có những biện pháp nào để giúp đỡ các công ty lớn và nhỏ trong ngành tùy theo tầm mức chiến lược của các thực thể đó ».

Vậy đến giờ chính phủ Pháp có dấu hiệu cắt giảm sách quốc phòng, dồn nỗ lực cho việc tái thiết kinh tế sau đại dịch Covid-19 hay chưa ? Theo chuyên gia Julien Malizard kịch bản này ít có khả năng xảy ra :

« Cho đến giờ phút này, chính phủ điều chỉnh luật tài chính nhưng ngân sách quốc phòng không bị cắt giảm. Nếu như chúng ta nhìn lại khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, thì thấy ngay là khi đó Nhà nước đã ban hành một kế hoạch vực dậy công nghiệp quốc phòng, nhưng kế tới, các biện pháp cắt giảm chi tiêu đã đè nặng lên bên quân đội. Theo logic này, có khả năng ngân sách chi tiêu quốc phòng sẽ bị tác động. Tuy nhiên từ năm 2015 nhìn chung ngân sách phòng thủ của Pháp khá nhất quán và đặc biệt là tổng thống Macron chủ trương xem an ninh, quốc phòng là một ưu tiên. Không có dấu hiệu cho thấy Paris sẽ thay đổi lập trường trên hồ sơ này ».

Tham mưu trưởng quân đội Pháp François Lecointre cũng tin tưởng rằng, đành là khủng hoảng buộc chính phủ Pháp phải dành ưu tiên khắc phục hậu quả về kinh tế và xã hội, thế nhưng chi tiêu quốc phòng sẽ không bị bào mỏng. Đồng thời ông quan niệm rằng, không nên gắn liền ngân sách phòng thủ với tỷ lệ tăng trưởng nhât là trong trường hợp GDP sụt giảm.

Về mặt cơ bản, Pháp từ nhiều năm qua đã chủ trương tăng cường vế công nghiệp quốc phòng. Phát biểu trong khuôn khổ bảo vệ đạo luật phòng thủ của Pháp năm 2013 bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian từng khẳng định chính phủ « luôn là một nhà đầu tư và khách hàng quan trọng nhất » trong lĩnh vực này.

Từ công nghiệp quốc phòng đến công nghệ phòng thủ

Sau cùng, một số nhà quan sát cho rằng, dịch Covid-19 càng đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng khó khăn, « các cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia càng gay gắt và vế chiến lược ngày càng gắn liền với kinh tế » . Trả lời trên đài truyền hình Pháp France 24, tướng Eric Bucquet, giám đốc Cục Tình Báo An Ninh Quốc Phòng –DRSD của Pháp nêu lên một lý do khác cho thấy khó có thể giảm thiểu ngân sách quốc phòng trong thời đại công nghệ số hiện nay

« Không gian tin học là một trong những mối quan tâm hàng đầu, vì bao gồm từ các vụ dọ thám đến các hoạt động tội phạm trên mạng và kể cả những hành vi phá hoại qua mạng internet. Tất cả mọi người đều quan tâp đến các tập đoàn của Pháp bởi đó là những thực thế nắm giữ những công nghệ then chốt, với chuyên môn cao và có sức thu hút rất lớn. Điều này lại càng khiến các doanh nghiệp Pháp bị theo dõi và nguy cơ bị xâm nhập, bị tấn công càng lớn. Chúng ta cần can thiệp để giảm thiểu rủi ro đó (…) Có 4000 doanh nghiệp cần được bảo vệ trong các lĩnh vực bao gồm từ công nghệ không gian đến hàng không, hàng hải, thông minh nhân tạo, những hệ thống kết hợp quang học và công nghệ điện tử …Trong tất cả những lĩnh vực này Pháp trên tuyến đầu và các công ty Pháp được cả những đối tác lẫn đối thủ của Paris quan tâm ».

Nói cách khác, theo giám đốc Cục Tình Báo An Ninh Quốc Phòng, tướng Eric Bucquet, Covid-19 khiến quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng « thêm căng thẳng », các hoạt động tội phạm không gian mạng ngày càng nhiều do vậy các doanh nghiệp Pháp càng phải chuẩn bị, và nâng cao khả năng phòng thủ :

« Kinh tế ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trên bàn cờ địa chính trị và điều được thấy rõ trong quan hệ Mỹ- Trung hiện nay. Trong bối cảnh đó chúng ta càng cần đề cao cảnh giác để bảo vệ các doanh nghiệp Pháp. Tổng thống Emmanuel Macrond đã đưa ra lập trường rất rõ ràng về điểm này khi ông nhấn mạnh đến « chủ quyền quốc gia » qua những phát biểu trong mùa dịch Covid-19 (…) Chiến tranh kinh tế là có thực với những đối thủ thực sự. Một cuộc đọ sức đang mở ra mà ở đó một số tác nhân trong cuộc muốn nhanh chóng tước đoạt những công nghệ mà hiện thời họ chưa có (…) Theo tôi tình hình có khuynh hướng xấu đi thêm, bang giao quốc tế ngày càng căng thẳng. Chúng ta phải sẵn sàng, phải nâng cấp các phương tiện an toàn để bảo vệ các doanh nghiệp trước nguy cơ bị tấn công tin học. Các công ty Pháp ý thức rõ và rất lo ngại về mối rủi ro này ».

Theo tất cả các phân tích vừa nêu, cắt giảm  ngân sách quốc phòng vì Covid-19 sẽ là một sai lầm và trước mắt các quốc gia là những khách hàng nặng ký nhất của Pháp hay chính bản thân nước Pháp dường như muốn tránh kịch bản đó. Thậm chí một tập hợp bao gồm khoảng 30 nhà nghiên cứu Pháp mang tên Nhóm Mars còn cho rằng, công nghiệp và công nghệ quốc phòng phải là một trong những ưu tiên trong kế hoạch tái thiết kinh tế sau đại dịch của chính phủ vì đây là lĩnh vực cho phép « trực tiếp tạo thêm việc làm cho người Pháp, trên đất Pháp ». Trong nghiên cứu công bố cuối tháng 4/2020 nhóm chuyên gia này kết luận « đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng cho phép đem về nhiều lợi ích hơn so với số vốn bỏ ra ban đầu ».

Theo RFI