Covid-19 tại châu Âu: Ý bất ngờ chặn được làn sóng thứ hai ?

Vào lúc làn sóng Covid-19 thứ hai nổi lên tại châu Âu, bắt đầu đánh vào nhiều nước như Anh, Pháp hay Tây Ban Nha, quốc gia bị dịch bệnh đầu tiên và nặng nề nhất trong đợt 1 là Ý thì đang gây ngạc nhiên với số ca lây nhiễm ít hơn hẳn các láng giềng

Trường hợp của Ý đặc biệt đến mức mà hôm 25/09/2020 vừa qua, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) đã phải lên tiếng khen ngợi. Giới quan sát dĩ nhiên đã lao vào tìm hiểu nhờ đâu lần này Ý lại có vẻ như tai qua nạn khỏi.

Các số liệu thống kê chính thức không thể chối cãi. Chỉ riêng hôm qua, 27/09, Pháp ghi nhận hơn 11 ngàn ca nhiễm, chính xác là 11.1123 ca trong vòng 24 giờ, một con số đã giảm đôi chút so với 14.412 ca ngày 26/09, 15.797 ca ngày 25/09 và kỷ lục 16.096 ca lây nhiễm mới ngày 24/09.

Tây Ban Nha có vẻ bị nhẹ hơn Pháp, nhưng cũng ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong một tuần lễ gần đây, sau một thời gian bị đến hơn 10 ngàn ca. Anh Quốc cũng không kém, với hơn 6000 ca mỗi ngày từ gần một tuần nay

Còn tại Ý thì từ cuối tháng Tư đến nay, chưa bao giờ số ca nhiễm mới trong ngày vượt mức 2000 trường hợp (27/09: 1.766 ca; 26/09: 1.869 ca; 25/09: 1.912 ca; 24/09: 1786 ca)

Người Ý thận trọng và có kỷ luật hơn ?

Giải thích thế nào trường hợp có thể xem là ngoại lệ của Ý ? Trả lời hãng tin Pháp AFP, giáo sư Massimo Andreoni, chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Tor Vergata ở Roma, đã nêu lên “nhiều nguyên nhân”.

Trước hết, là quốc gia châu Âu bị Covid-19 tấn công sớm nhất, chính quyền Ý đã khẩn cấp đưa ra ngay một kế hoạch phòng chống rất nghiêm khắc với việc phong tỏa toàn bộ đất nước kéo dài nhiều tuần lễ. Việc dỡ bỏ phong tỏa sau đó chỉ được thực hiện dần dần và rất chậm, và hiện nay vẫn chưa chấm dứt.

Giáo sư Andreoni ghi nhận là hiện thời “các sân vận động vẫn phải đóng cửa, các hộp đêm cũng vây, một số trường học vẫn chưa mở lại trong lúc mà ngày nhập học chính thức bắt đầu từ 14/09”

Phong tỏa và ban hành các biện pháp phòng ngừa khác là một chuyện, nhưng việc người dân chấp hành lại là chuyện khác. Trên vấn đề này, giáo sư Andreoni không che giấu thái độ hài lòng: “Người Ý tôn trọng khá tốt các quy định. Khi xem hình ảnh tại các thành phố châu Âu khác, tôi thấy có nhiều người không đeo khẩu trang hơn là ở Ý. Tại Ý những biện pháp phòng chống khá được tôn trọng.”

Cảm nhận của du khách nước ngoài cũng như vậy. Một người Mỹ đến từ New York, mà phóng viên AFP gặp tại Roma, đã nhận xét: “Ở đây, mọi người đều đeo khẩu trang, và cảnh sát luôn nhắc nhở. Điều này rất quan trọng”. Một du khách khác người Thụy Điễn cũng cho rằng: “Tôi cảm thấy rất yên tâm ở Ý. Ở Thụy Điển không có những quy định về việc đeo khẩu trang”.

Theo AFP, người Ý thường bị chế nhạo là vô kỷ luật, với lề lối tổ chức bị đánh giá là rất lộn xộn và bộ máy hành chánh rất quan liêu. Thế nhưng trong đợt dịch đang diễn ra, họ đã cho thấy ý thức kỷ luật cao bất ngờ, giúp chính quyền kềm chế được việc virus lây lan.

Phi trường Roma -Fiumicino chẳng hạn, là phi trường đầu tiên trên thế giới được điểm tối đa 5 sao của cơ quan thẩm định Skytrax về cách thức ngăn ngừa dịch Covid-19.

Thủ đô Roma của Ý rất được hoan nghênh về việc kiểm tra thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang, phục vụ dung dịch sát trùng để rửa tay, yêu cầu tôn trọng các biện pháp giãn cách xã hội cũng như khống chế lượng người vào các cửa hàng.

Giacomo Rech, chủ nhà hàng Green Tea, ở ngay trung tâm Roma và phục vụ các món ăn Trung Hoa, giải thích với AFP: “Tôi nghĩ là người Ý cố gắng tôn trọng các quy định. Bên trong nhà hàng của chúng tôi, chúng tôi lấy nhiệt độ của mỗi khách hàng khi họ đến, họ phải rửa tay trước và để lại họ tên, địa chỉ, điện thoại để có thể liên lạc khi cần thiết. Khoảng cách an toàn giữa các bàn ăn được giữ kỹ và thục đơn bọc plastic được khử trùng sau mỗi khách hàng”.

Báo chí Ý: Cú sốc từ đợt 1

Báo chí Ý trong thời gian qua cũng thắc mắc về số liệu thấp “bất thường” của dịch Covid-19 tại nước họ so với châu Âu và tự hỏi là phải chăng trước con số hơn 35 ngàn người chết vì dịch bệnh mà người dân trở nên thận trọng hơn.

Theo ghi nhận của Alban Mikoczy, thông tín viên đài truyền hình Pháp France Télévisions tại Roma, người Ý nghiêm túc trong vấn đề đeo khẩu trang đến mức đáng ngạc nhiên, ở những nơi công cộng khép cũng như mở.

Một dấu hiệu rõ ràng được nhà báo Pháp ghi nhận là trái với Đức hay Pháp, thông điệp của phong trào chống đeo khẩu trang không có tác dụng tại Ý. Ngoài vấn đề đeo khẩu trang, ở mọi nơi, ở ngoài đường hay trong nhà ga, tại sân bay…, người Ý có một cố gắng thật sự tôn trọng giản cách xã hội.

Bà Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu tại viện Inserm (Pháp), đồng thời là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận xét: “Cho dù không có dữ liệu cụ thể nào trên vấn đề này, nhưng trải nghiệm vừa qua của người Ý về dịch bệnh đã ghi đậm dấu ấn, kể cả trong cách hành xử của người Ý”.

Đối với bà Colizza việc nước Ý ít bị dịch Covid-19 ảnh hưởng vào lúc này có thể là hệ quả nhiều biện pháp phối hợp, những biện pháp mà tất cả các nước châu Âu đều áp dụng, từ việc thực hiện các động tác ngăn ngừa lây nhiễm, đeo khẩu trang cho đến xét nghiệm, truy tìm người nhiễm virus…, nhưng mỗi nước một kiểu.

Tại Ý, một số người trong giới y tế, như ông Fabrizio Pregliasco, giám đốc cơ quan y tế Irccs Galeazzi tại Milano, cho rằng “Ý đã có phản ứng tốt trước đây và nay gặt hái kết quả của sự chọn lựa trong quá khứ”. Trong thời kỳ phong tỏa, các biện pháp áp dụng rất cứng rắn, nên hữu hiệu trong việc làm giảm đà lây lan dịch bệnh. Tại những vùng bị nặng nhất trong đợt đầu, như Lombardia chẳng hạn, một số thói quen vẫn tồn tại đến giờ.

Liệu còn ngăn chặn được lâu ?

Tình hình Ý rất khả quan, nhưng giới chuyên gia vẫn dè dặt trước sự gia tăng của các sinh hoạt tập hợp đông người trong bối cảnh dịch bệnh đang trỗi dậy tại các nước khác.

Theo giáo sư Andreoni: “Cần phải chờ xem tình hình ra sao trong 2 hay 4 tuần lễ tới đây, khi tất cả các trường học mở lại… Lúc đó mới biết được nước Ý có thể tiếp tục duy trì mức độ lây nhiễm thấp như hiện nay hay không, hay là lại bắt kịp Pháp và Tây Ban Nha.”

Một sự kiện khác có thể ảnh hưởng đến các số liệu khả quan hiện nay của Ý là các cuộc bầu cử tại 7 vùng, tức 20 triệu dân, trong 2 ngày 19 và 20/09 vừa qua. Một số nhân viên phòng phiếu ngay sau đó đã bị dương tính với virus corona.

Đó là chưa kể đến khả năng Covid-19 từ nước ngoài thâm nhập vào Ý trong bối cảnh dịch bệnh lan mạnh trở lại ở các láng giềng châu Âu.

Theo RFI