Covid-19: Sắp có vac-xin, dân Châu Âu lại e ngại tiêm chủng

Được chờ đợi lâu nay, giờ liều thuốc hy vọng vac-xin phòng Covid-19 sắp được lưu hành cho phép thế giới trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng không phải tất cả đều gửi gắm niềm tin vào các loại vac-xin phòng Covid, đặc biệt ở các nước châu Âu, nơi các chính phủ liên tục trấn an về độ an toàn của vac-xin và quảng bá cho chiến dịch tiêm chủng sắp tới.

Có tiêm chủng phòng Covid-19 hay không ? Câu trả lời ở châu Âu mỗi nước một khác. Có những nước đa số người dân trả lời có, nhưng cũng có những nước người dân lại hoài nghi, cho dù kế hoạch của chính phủ các nước chuẩn bị hầu hết đều giống nhau ở 2 điểm chủ chốt: Một mặt, không bắt buộc tiêm vac-xin; mặt khác trong giai đoạn đầu ưu tiên cho những người có nguy cơ nhiễm cao như người cao tuổi, mắc bệnh kinh niên và nhân viên y tế.

Theo một nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Viện thăm dò Ipsos (Pháp) thực hiện hồi tháng 9, trên 20 nghìn người trưởng thành tại 27 nước trên thế giới, Anh là quốc gia ở Châu Âu có tỷ lệ dân chúng sẵn sàng tham gia tiêm chủng phòng Covid-19 cao nhất, với tỷ lệ 85%, trong đó 52% cho biết không có do dự gì.

Trong nhiều năm nay, dân Anh vẫn tin vào tiêm chủng, nhưng lần này dư luận ngờ vực do một số thông tin sai lệch lan truyền trên mạng internet. Hôm 13/11, ủy ban y tế của hội đồng thành phố Luân Đôn đã công bố một nghiên cứu ghi nhận một phần tư dân thủ đô Anh không “hề muốn” hoặc “ có thể sẽ không” tiêm chủng . Ủy ban này đã báo động chính quyền thành phố phải có chiến dịch trấn an và quảng bá tiêm chủng khi mà ngay ngày đầu tháng 12 này, cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đã cấp phép cho vac-xin của Pfizer-BioNTech và chính phủ  hy vọng bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 7/12.

Đẩy mạnh tuyên truyền tiêm chủng đại trà

Tại Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Châu Âu (95%) mặc dù vẫn không bắt buộc tiêm phòng đối với bất kỳ loại vac-xin nào. Một thăm dò dư luận do viện y tế Carlos-III thực hiện hồi tháng 9 cho thấy 70% dân Tây Ban Nha sẵn sàng tiêm phòng Covid-19. Cho dù phong trào chống tiêm chủng ở đây rất nhỏ, chính phủ vẫn nhắc đi nhắc lại là vac-xin ngừa Covid-19 cũng sẽ an toàn như các loại vac-xin khác. Tây Ban Nha dự trù bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng Giêng, nhằm xóa đi hoài nghi vẫn còn tồn tại trong 40% người Tây Ban Nha không muốn tiêm chủng “ ngay lập tức” ngay sau khi vac-xin được lưu hành, theo một thăm dò dư luận thực hiện giữa tháng 10.

Nỗi lo của chính phủ Tây Ban Nha không phải là duy nhất. Ngay cả ở những nước mà đa số dân cư ngỏ ý sẵn sàng tiêm chủng, chính quyền vẫn phải liên tục trấn an những người còn hoài nghi.

Đó là trường hợp ở Đan Mạch. Một điều tra tại đây hồi tháng 9 do một viện nghiên cứu dư luận tiến hành cho thấy có 9 phần 10 dân Đan Mạch muốn tiêm phòng Covid-19. Các cơ quan y tế nước này vẫn phải thông báo sẽ theo dõi sát các hiệu ứng phụ, cũng như hiệu quả về lâu dài của vac-xin.

Đó cũng là trường hợp của Hà Lan. Nước này đã phát động chiến dịch thông tin toàn quốc để giải thích, giải tỏa do dự cho một bộ phận người dân về mối liên hệ giữa từ chối tiêm chủng với nguy cơ bị lây nhiễm. Tương tự như tại Bỉ, nơi có số người do dự còn nhiều hơn, chính phủ cũng phải mở chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục khoảng 25% dân Bỉ khẳng định sẽ không tiêm phòng Covid-19 và thậm chí 37% bác sĩ đa khoa cũng từ chối vac-xin phòng Covid.

Tại Đức, vấn đề có khác chút ít. Tỷ lệ tiêm chủng ở nước này vẫn khá cao, khoảng 90% dân cho 14 loại vac-xin  được khuyến cáo. Vào lúc mà các trung tâm tiêm chủng phòng Covid-19 giữa tháng 12 này phải được triển khai tại Đức, chính quyền vẫn rất chú ý tới diễn biến dư luận trong một đất nước đang có các cuộc biểu tình chống vac-xin đông đảo và dữ dội hơn những nơi khác và số người khẳng định sẽ không tiêm phòng Covid-19 vẫn tăng nhẹ trong những tháng qua, từ 24% lên 29%, trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, theo số liệu của ARD-Deutschland Trend.

Đông Âu đợi xem kết quả 

Đông Âu mới là khu vực có phản ứng mạnh với vac-xin tương lai phòng Covid-19. Điển hình là Ba Lan, nơi mà phong trào chống vac-xin thường gần gũi với giới Công giáo cực đoan, nhưng lại có ảnh hưởng trong xã hội.

Dân Ba Lan bị chia rẽ sâu sắc thành hai nhóm tương đương về chuyện tiêm phòng Covid-19. Theo một nghiên cứu của UCE Research thực hiện từ 20 đến 23/11, 43% số người được hỏi cho biết muốn được tiêm chủng, tức là bằng đúng tỷ lệ những người không muốn tiêm chủng. Chính phủ vẫn đang chuẩn bị chiến dịch triển khai tiêm chủng bắt đầu cuối tháng Giêng và hy vọng đông đảo dân Ba Lan sẽ đi tiêm phòng.

Tại Rumani, theo một thăm dò dư luận công bố hôm 19/11, có 1/3 dân Rumani chấp nhận tiêm chủng phòng Covid, 1/3 thì chống, số còn lại cho biết muốn đợi xem hiệu quả lâu dài của vac-xin ra sao. Các giới chức y tế nước này khẳng định sẽ không có ai bị bắt buộc. Tiêm chủng sẽ là tự nguyện, nhưng ưu tiên cho các bác sĩ.

Hungary thích vac-xin Nga hoặc Trung Quốc

Trong số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trường hợp độc đáo nhất có lẽ là của Hungary. Nước này cũng có tỷ lệ tiêm chủng thuộc loại cao ở châu Âu, do được kế thừa từ thời Cộng Sản. Việc quảng bá rầm rộ cho vac-xin Nga Sputnik-V  theo đề nghị của thủ tướng Viktor Orban đã khiến số người không tin vào vac-xin lên cao chưa từng thấy.

Theo một thăm dò dư luận công bố hôm 18/11, 47% dân Hungary khẳng định từ chối tiêm phòng Covid. Được hỏi riêng về vac-xin Nga, chỉ có 7% người Hungary cho biết sẽ tiêm chủng loại vac-xin này. « Thông thường, phong trào chống vac-xin ở Hungary không mạnh như ở một số nước khác, nhưng trong chính sách tiêm chủng, niềm tin vào chính phủ và vào những người sản xuất vac-xin là yếu tố chủ chốt », Dora Vargha, chuyên gia về tiêm chủng thuộc đại học Exter, Anh Quốc, giải thích.

Nhưng niềm tin này dường như không đúng hẹn từ khi mà ông Viktor Orban quyết định sẽ nhập khẩu vac-xin của Nga và Trung Quốc và dự tính cho bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong tháng 12 hay đầu tháng Giêng. Chủ tịch nghiệp đoàn bác sĩ Hungary, ông Zoltan Szabad giải thích : « Vac-xin Nga có thể hiệu quả, nhưng tôi vẫn muốn trước tiên phải có sự đồng ý của Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu ».

Thủ tướng Orban biện hộ rằng người Hungary có quyền tự do « quyết định dùng loại vac-xin nào mà họ tin cậy nhất », để né tránh những bó buộc của Châu Âu, theo đó trên lý thuyết vac-xin phải được cơ quan quản lý dược phẩm của Châu Âu kiểm tra trước, dù đó là các trường hợp khẩn cấp. Về mặt chính thức, tất cả các vac-xin đều phải được thử nghiệm trước khi cho tiêm. Nếu các vac-xin qua thử nghiệm, «  tôi sẽ tiêm vac-xin Nga hoặc Trung Quốc », bộ trưởng Y Tế Hungary Miklos Kasler đã tuyên bố trước Nghị Viện Hung như vậy.

(Theo Le Monde)

Theo RFI