Covid-19 : Chuyên gia độc lập tố cáo Trung Quốc phản ứng quá chậm

Chính quyền Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO bị tố cáo đã không phản ứng ngay tức khắc khi dịch siêu vi corona chủng mới xuất hiện. Trong bản báo cáo thứ hai được công bố hôm nay, 19/01/2021, tại Genève, nhóm chuyên gia độc lập khẳng định như trên, dựa theo trình tự thời gian của giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh.

« Dịch lan rộng là do phần lớn bị che giấu »

Nhóm chuyên gia độc lập, do cựu thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark và cựu tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sireaf điều hợp, có nhiệm vụ thẩm định các nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19, cho biết « lẽ ra chính quyền địa phương và chính quyền trung ương Trung Quốc phải thi hành một cách quyết liệt các biện pháp y tế công cộng vào tháng 01/2020 ».

Phản ứng chậm trễ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng được nêu rõ: chậm triệu tập ủy ban tình trạng khẩn cấp, ngập ngừng không tuyên bố ngay tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.

Trung Quốc chắc chắn sẽ bất bình trước những lời phê phán này trong bối cảnh một nhóm chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đến Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của siêu vi thủ phạm.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :

“Nếu tin vào truyền thông Trung Quốc thì cho đến hôm nay mọi việc đều tốt đối với phái bộ chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Báo chí Nhà nước lấy lại và phát tán rộng rãi những hình ảnh, thông tin mà tổ chức của Liên Hiệp Quốc đưa lên trang mạng Weibo của Trung Quốc trong những ngày gần đây.

Trong các thông điệp này, chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới khen ngợi cách tiếp đón tại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, kèm theo những bức ảnh mặt trời mọc hay  thực đơn « hài hòa », có trái thanh long, có cà-phê trong buổi điểm tâm tại khách sạn, nơi cách ly.

Báo chí phát hành hôm nay không hề nói đến lời cáo buộc chính quyền Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới phản ứng thiếu nhanh chóng lúc đại dịch bắt đầu xuất hiện. Tố cáo này chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh nổi giận. Từ khi khống chế được dịch, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi giọng điệu, không nhắc đến phản ứng chậm hay thông tin mù mờ nữa. Trái lại, họ nói đến giả thuyết siêu vi có nguồn gốc từ bên ngoài và lây lan vào Trung Quốc.

Thế mà, việc Trung Quốc phản ứng trễ nải đã được giáo sư Chung Nam Sơn và các chuyên gia Trung Quốc ghi nhận trong cuộc điều tra tại Vũ Hán hồi mùa đông năm trước. Chính cuộc điều tra này đã gây ra phản ứng từ chính quyền trung ương, buộc họ phải ra lệnh phong tỏa Vũ Hán ngày 23/01/2020 và trừng phạt các lãnh đạo địa phương.

Thêm 3 triệu người bị phong tỏa

Từ khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm mới trong những tuần qua, 19 triệu dân miền đông – bắc Trung Quốc đã bị phong tỏa. Tỉnh Cát Lâm hôm qua phong tỏa thêm hai thành phố sát biên giới Bắc Triều Tiên với 3 triệu dân. Hà Bắc giảm nhẹ biện pháp ngăn dịch, nhưng 12,5 triệu dân địa phương tiếp tục được khuyên nên ở nhà.

Theo RFI