Công luận bất mãn vì dàn ‘nịnh thần’ tại Quốc hội CSVN 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói "cảm động vô cùng" vì ông Nguyễn Phú Trọng "có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai." Courtesy of Thanh Nien

Giới trí thức bày tỏ sự bất mãn và ngao ngán về dàn đại biểu Quốc hội CSVN chỉ giỏi tâng bốc lãnh đạo mà không đủ tiêu chuẩn và mức độ liêm sỉ để đại diện cho tiếng nói của người dân ở nghị trường.

Quốc hội CSVN khóa 14 đang mở phiên họp cuối cùng để vâng lời Đảng CSVN trong việc bỏ phiếu thông qua ghế “tam trụ” dành cho các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ vào đầu tháng 4/2021.

Theo công luận, việc bỏ phiếu nêu trên chỉ mang tính hình thức và cho thấy các đại biểu Quốc hội CSVN đúng là “nghị gật”. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ đó thì các đại biểu chưa đến mức bị chỉ trích.

“Cầm giấy đọc mà còn vấp, mặt đờ đẫn như chịu tội”

Điều khiến người dân bất mãn hơn là các vị dân biểu đang ngày càng thể hiện mức độ thiếu liêm sỉ, khi tận dụng diễn đàn Quốc hội để tâng bốc, nịnh bợ lãnh đạo đến mức trơ trẽn.

Các lời nịnh bợ lãnh đạo của đại biểu được Đài Truyền hình Việt Nam phát trực tiếp, và các báo nhà nước tường thuật không sót một chữ. 

Ông Vương Đình Huệ (trái) và ông Phạm Minh Chính (phải) sắp ngồi ghế chủ tịch Quốc hội và thủ tướng CSVN. Courtesy of Zing

Tờ Thanh Niên hôm 29/3/2021 dẫn lời đại biểu Nguyễn Anh Trí rằng ông này “cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc”.

Cùng ngày, báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời tán dương đại biểu Ngọ Duy Hiểu: “Mỗi khi Tổng bí thư, chủ tịch nước xuất hiện, dù ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội, để cả nước đồng lòng vượt qua những khó khăn của một nhiệm kỳ nhiều giông bão, khó khăn chồng chất khó khăn.”

Bà Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Xem truyền hình trực tiếp kỳ họp Quốc hội, thấy 99% đại biểu nếu thi tuyển giáo viên thì trượt từ vòng gửi xe, chỉ biết cầm giấy đọc mà còn vấp, mặt đờ đẫn như chịu tội. Nhưng đến mục khen chủ tịch nước thì sống động hẳn lên và cực kỳ sáng tạo! Hóa ra [họ] tài ẩn!”

“Rất đáng xấu hổ”

Cùng thời điểm, ông Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận: “Bật TV lên thấy ngay đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu phát biểu trong hội trường, tôi nghĩ ngay tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói gần đây trong dịp Đại hội Đảng rằng cần loại bỏ thói xu nịnh.

Ông Hiểu mang tiếng có học và có chức nhưng rất kém trong vai trò là một đại biểu của dân. Mở đầu bài phát biểu của ông là một chuỗi các từ ngữ đẹp nhất và trang trọng nhất để ca ngợi cá nhân tổng bí thư, sau đó là ca ngợi cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dù rằng phiên họp đánh giá nhiệm kỳ của Chủ tịch nước (với tư cách là một cơ quan của quốc gia) và Chính phủ. Tiếp đó ông nói sơ qua vài điểm cần khắc phục để cho có mà không đưa ra một giải pháp nào, và vận động để cho bản thân ông được ở lại Quốc hội một nhiệm kỳ nữa.” 

Nghị trường CSVN nay được ghi nhận là diễn đàn của nịnh thần, tung hô lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thay vì bàn đến những vấn đề liên quan đến người dân. Courtesy of Zing

Ông Huy Cương đề nghị “cần loại bỏ những kẻ như Ngọ Duy Hiểu khỏi Quốc hội” và rằng “rất đáng xấu hổ cho một đấng nam nhi học luật – Ngọ Duy Hiểu”.

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên tờ Thanh Niên, viết trên trang cá nhân, bình luận về việc Đảng sắp đặt sẵn ghế chủ tịch Quốc hội CSVN cho ông Vương Đình Huệ: “Tôi là tôi nói thật, chỉ có cái trò thối thì mới bày ra kiểu quốc hội khóa cũ bầu chủ tịch quốc hội khóa mới. Nhố nhăng, coi dân chả ra gì, coi khinh cả Quốc hội.

Thế thì kêu dân đi bầu Quốc hội mới để làm gì, khi “nó” do một đứa cũ cầm đầu. Thế mà các ông bà cán bộ lẫn đám báo chí cứ cung cúc “tuân chỉ”, không dám hé lấy một lời.

Lại nhớ câu danh ngôn của nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat khi bị xử tử “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống”. Không dám đứng, lại không dám nói, thì cứ lấy sự chịu đựng làm phẩm chất để tồn tại thôi.”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn