Cộng đồng doanh nhân gốc Việt tại Mỹ thu 35 tỷ USD mỗi năm

Thông tin này được ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, chia sẻ tại hội nghị trực tuyến kết nối các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp kiều bào Mỹ.

Ông Toàn cho biết thêm, hiện có hơn 2 triệu người gốc Việt sinh sống tại Mỹ, tập trung nhiều nhất ở bờ Tây. Cộng đồng doanh nhân gốc Việt tại đây rất mạnh, kinh doanh trong nhiều ngành nghề và đều mong muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước.

“Đã có mô hình doanh nghiệp Việt kiều liên kết với doanh nghiệp Mỹ đặt hàng các nông trại tại Việt Nam để nuôi, trồng theo tiêu chuẩn Mỹ và xuất sang đây”, ông Toàn nói và khẳng định việc hình thành cộng đồng lớn là một trong những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp hai bên phát triển thương mại, đầu tư.

Đồng quan điểm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hà Kim Ngọc cho rằng, Mỹ là thị trường tiềm năng và nhu cầu đối với hàng hoá trong nước ngày càng cao. Điều này thể hiện qua việc có trên 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong số này trở thành đại diện, kênh phân phối đưa hàng hoá vào Mỹ và góp phần củng cố vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm nay với tổng kim ngạch hơn 54,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng việc đưa hàng hoá Việt Nam vào thị trường này còn nhiều thách thức. Bên cạnh các rào cản thương mại và kỹ thuật như tiêu chuẩn môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ thì phía Mỹ đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Họ cũng muốn các đối tác cam kết làm ăn uy tín, có nguồn hàng ổn định và hiểu biết các quy định, pháp luật sở tại.

“Chúng tôi nhập khẩu hàng từ Việt Nam sang Mỹ trong 10 năm nên nhìn thấy nhiều vấn đề. Ví dụ, thanh long rất ngon nhưng sang đây chỉ bán được cho người gốc Á Đông, còn dân bản xứ không ăn vì vẫn sợ tiêu chuẩn trồng trọt không đạt”, bà Amy Nguyen – doanh nhân gốc Việt sống tại tiểu bang Oregon dẫn chứng.

Bà Amy cho rằng, doanh nghiệp trong nước chỉ mới khai thác được một phần nhỏ thị trường Mỹ. Để thâm nhập sâu hơn, bà đề nghị doanh nghiệp học hỏi phương pháp sản xuất tiên tiến, xác định làm ăn lâu dài, đặt chất lượng lên hàng đầu.

Riêng ông Toàn khuyến khích doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với các cơ quan đại diện Việt Nam để được hỗ trợ thông tin về thị trường, giúp sản phẩm tìm đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu.

Bước đầu tiên trong chuỗi chương trình hỗ trợ là các cơ quan đại diện Việt Nam và Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế (FSC) thuộc Sở Ngoại vụ TP.HCM kết nối cho 200 doanh nghiệp gặp gỡ trực tuyến và ký 6 biên bản ghi nhớ hợp tác trị giá 200 triệu USD.

“Tiếp đến, chúng tôi cũng ra mắt website chính thức kết nối doanh nghiệp hai nước, đồng thời duy trì vai trò đầu cầu kết nối nhu cầu tìm hiểu và giao thương bằng nhiều kênh liên lạc khác”, ông Lê Trường Duy – Tập sự Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM kiêm Giám đốc FSC nói.

Theo Tin tức