Công an phường lộng quyền ‘theo gương Đảng’

Phó công an phường Sông Bằng (người áo trắng) ở thành phố Cao Bằng, bị tố cáo tùy tiện bắt người

Có ý kiến cho rằng Đảng CSVN là một chế độ vốn đã lộng quyền, nên những người được Đảng cử làm cán bộ công an hiển nhiên cũng sẽ lộng quyền theo.

Chỉ trong tháng 4/2022, hàng chục công an phường tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã bị truy tố, điều chuyển công tác do lạm dụng quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật. Cụ thể là 13 công an tại phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú đã nhận tiền của nhóm người vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ sử dụng chất ma tuý và một trung uý tại Công an phường Tân An, tỉnh Bình Dương tự lập chốt “bắt” người vi phạm giao thông “chi tiền” cho mình.

Đó chỉ là hai trong số các vụ công an phường tự “làm luật” với dân bị truyền thông phanh phui gần đây và ắt hẳn còn không ít vụ việc công an “bắt chẹt” dân chưa được truyền thông loan tải.

Vì sao công an phường lộng quyền, coi thường pháp luật như vậy? Cựu Đại úy Võ Minh Đức nhận định:

“Lực lượng công an hiện nay mặc nhiên cho là họ thay mặt chính quyền, thay các cơ quan chức năng khác xử lý mọi vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vi phạm hành chính của người dân… Cộng với sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo chính quyền, tôi có cảm giác giống như họ cố tình buông lỏng để công an ra tay. Từ chỗ đó công an ảo tưởng rằng họ có quyền trong mọi lĩnh vực, nên vụ việc nào họ cũng làm rất cảm tính, nhiều khi không nằm trong khuôn khổ pháp luật. Đến khi sự việc quá đà, bung bét ra xã hội, dư luận biết hết, thì lúc đó họ lấp liến dùng đủ biện pháp che chắn…”

Cũng trong tháng 4/2022, hình ảnh một cảnh sát giao thông ‘đạp’ vào mặt một người tham gia giao thông trong video lan truyền trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người bức xúc.

Vào năm 2020, ba công an phường Thanh Xuân Nam đã bị Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội tuyên án bảy năm tù vì đã nhận tiền hối lộ và trả lại ma túy cho người nghiện.

Anh Đệ, một người dân hiện sinh sống ở Sài Gòn nói:

“Công an phường bắt ma túy mà không lập biên bản giao lên cho quận, cho thành phố mà tự động gọi người nhà tới phạt vạ thì rõ ràng là sai. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe, đặc biệt là sử dụng cái đám dân phòng không hề biết luật pháp là gì, cứ bắt người là bắt. Bắt người là phải có vi phạm gì, phải có trát của tòa…

Muốn vô nhà dân cũng phải có trát tòa, có lệnh tòa án thì mới vô nhà lôi người ta đi. Như vụ dịch vừa qua, họ chẳng có quyền hạn gì mà phá cửa vô nhà lôi người ta đi test, như vụ cô giáo ở Bình Dương. Đó là một điển hình, họ đâu có quyền xâm phạm gia cư bất hợp pháp, trong khi ở Việt Nam việc xâm phạm gia cư bất hợp pháp như vậy là thường tình. Vi phạm pháp luật như vậy là thường tình, muốn bắt ai là bắt, muốn giam ai là giam… không cần trát tòa hay lệnh khám xét.”

Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết:

“Các cơ quan tư pháp và lập pháp chưa độc lập, chưa đối trọng với cơ quan hành pháp, chưa phải là cơ quan giám sát cơ quan hành pháp nên tất yếu nó sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền của cơ quan hành pháp. Cụ thể là lực lượng công lực, là lực lượng công an.”

(Theo RFA)

Bài liên quan

Dân phải xin lỗi công an nếu muốn được yên

Sau khi bị đạp vào mặt, người đàn ông còn phải xin lỗi công an