Home Việt Nam Cổ phiếu ngân hàng “miễn nhiễm” trước Covid-19

Cổ phiếu ngân hàng “miễn nhiễm” trước Covid-19

Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu mà còn khiến thị trường chứng khoán Việt Nam mất hơn 14 tỷ USD tính từ thời điểm sau Tết đến nay.

Nghe đọc bài

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm những mã cổ phiếu có triển vọng tốt, “sức đề kháng” cao trước Covid-19, trong đó, các cổ phiếu ngành ngân hàng.

Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng giá

Dịch Covid -19 đang lan rộng ra ra khắp thế giới. Tổng thiệt hại vốn hoá kể từ sau Tết đã lên tới hơn 325.000 tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD). Chỉ số VN-Index ngấp nghé mức 1.000 điểm nay đã bị lùi về về 890 điểm.

Tại báo cáo thị trường tài chính tiền tệ mới phát hành, các chuyên gia từ SSI Research đánh giá, nếu không có dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I rất có thể đã khởi sắc nhờ thỏa thuận Mỹ – Trung và dòng vốn nước ngoài.

Trong khi cổ phiếu nhiều ngành nghề “tụt dốc không phanh” thì cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá khá ấn tượng và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán 150 tỷ USD của Việt Nam. Trong đó, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng từ mức 21.000 đồng hồi đầu tháng 1/2020 lên mức 26.500 đồng/cp như hiện tại.

Hay như cổ phiếu SHB của “bầu Hiển”, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid – 19, trong tuần qua cổ phiếu của SHB đã liên tục tăng giá ,trong đó có tới 4 phiên tăng trần với tổng giá trị tăng hơn 52% và tăng hơn 70% nếu tính chung trong cả tháng 2. Giao dịch của cổ phiếu này cũng diễn biến rất sôi động với khối lượng khớp lệnh khủng và là hiện tượng khá đặc biệt làm nức lòng cổ đông và các nhà đầu tư, trước thời điểm ngân hàng này tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 4.

Không chỉ SHB, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng dường như cũng “miễn nhiễm” với tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tăng 39,3% từ đầu năm, CTG tăng 25%, STB tăng 21%, các cổ phiếu ACB, LVB cũng tăng trên 12%, VIB tăng 5,2%, TPB tăng 4,5%, HDB, BID tăng nhẹ, các mức tăng này nếu so với lãi suất ngân hàng đều vượt trội.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/3, VN-Index đóng cửa tăng 3,94 điểm (0,44%) lên 893,31 điểm; HNX-Index tăng 0,88% lên 115,03 điểm và chỉ có UPCom-Index giảm nhẹ 0,16% xuống 55,45 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng dần trở về giá trị thực?

Dòng tiền vẫn đang hướng đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và trở thành lực đẩy toàn thị trường chứng khoán. Có lẽ sau nhiều năm tái cấu trúc, ngành ngân hàng đang bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định với lợi nhuận cao, triển vọng tốt khi nợ xấu dần trở nên nhẹ gánh hơn. Nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng ngành ngân hàng có thể trở lại thời hoàng kim như cách đây hơn 1 thập kỷ. Điều này không phải không có cơ sở khi nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2019.

Theo cáo cáo đánh giá kết quả kinh doanh 2019 của CTCP Chứng khoán SSI, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của 18 ngân hàng niêm yết đạt 110.662 tỷ đồng (tăng 29,5% cùng kỳ năm trước), đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng cao của vốn chủ sở hữu.

Cổ phiếu ngân hàng  “miễn nhiễm” trước Covid-19 - 2

Năm 2019, SHB đã đạt kết quả tăng trưởng tích cực với lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt 366.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Vốn điều lệ đạt 14.551 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 337.000 tỷ đồng. Cùng với tăng trưởng về quy mô hoạt động và huy động vốn, tổng dư nợ cho vay khách hàng của SHB đạt 265.000 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%. Với kết quả tăng trưởng đó, SHB tiếp tục nằm trong Top 5 các Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, xét về quy mô và thị phần khách hàng.

Đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của SHB năm 2019 là ngân hàng này đã mua lại 5.773 tỷ đồng trái phiếu VAMC trước thời hạn và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100%.

Đây là những khoản nợ xấu SHB đã bán cho VAMC, trong đó có phần lớn là những khoản nợ xấu khi nhận sáp nhập Habubank. Nhờ đó SHB đã thực hiện được lời hứa chia cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 20,9% của 2017 và 2018 theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cuối năm 2019.Trước đó, SHB đã hoàn tất phát hành hơn 250 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2017 và 2018. Số lượng cổ phiếu này dự kiến sẽ được giao dịch trong tháng 3.

10.334 tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank, tăng gần 13% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ là 5.835 tỷ đồng, chiếm 57% lợi nhuận hợp nhất. Ngân hàng này cũng đã cải thiện đáng kể chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 2,95%, đồng thời hoàn thành việc tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu tại VAMC.

Với ngân hàng ACB, năm 2019 lãi trước thuế hợp nhất đạt 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 383.000 tỷ đồng, tăng 16,5%. Tín dụng đạt 266.000 tỷ đồng, tăng 17% và huy động tăng 14% đạt 308.000 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ lợi nhuận ngành ngân hàng lại thực chất như thế. Lợi nhuận đến từ việc các nhà băng tích cực xử lý nợ xấu; tăng cường quản trị, ứng dụng công nghệ làm giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt, các ngân hàng đã gia tăng dịch vụ, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Trên đà tăng trưởng đó, các ngân hàng đã có những động thái nhằm “tăng tốc” cho năm 2020.

Bên cạnh phương án chia cổ tức trên, SHB cũng đã có phương án phát hành 300,78 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1. Trong tổng số hơn 5.500 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, SHB dự kiến sẽ dùng hơn 4.684 tỷ đồng để mở rộng quy mô cho vay, còn lại 850 tỷ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh. Lãnh đạo nhà băng này chia sẻ việc SHB đã thành lập và triển khai nhiệm vụ 3 ban Dự án chiến lược của ngân hàng do đích thân Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

Hiện SHB đã và đang triển khai việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới nhằm định hướng chiến lược phát triển khác biệt và bền vững trong trung và dài hạn của ngân hàng cũng như chiến lược hiện đại hóa hướng tới ngân hàng số.

Còn tại VietinBank, việc không thể tăng được vốn khiến hệ số an toàn vốn (CAR) cận kề ngưỡng quy định trong suốt thời gian dài dẫn đến ngân hàng không thể tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ. Với thông tin sẽ sớm được Nhà nước tăng vốn đã mở ra tương lai sáng sủa hơn nên nhà đầu tư đẩy mạnh rót tiền và quay trở lại với cổ phiếu này.

Việc chia sẻ các kế hoạch trong tương lai là điều cần thiết bởi với đa số các nhà đầu tư, kết quả kinh doanh và triển vọng phát triển là 2 yếu tố đầu tiên quyết định việc “xuống tiền” với các cổ phiếu ngành ngân hàng.
Theo Dân Trí

Exit mobile version