Có đủ cơ sở pháp lý để điều tra Nhóm Báo Sạch về tội “Làm lộ bí mật Nhà nước” không?

Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân Thành phố Cần Thơ vừa qua đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung các thành viên nhóm Báo Sạch về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hay bí mật Nhà Nước” theo điều 337 Bộ Luật Hình sự (BLHS). Một luật sư trong nước bình luận với đài RFA rằng việc khởi tố thêm tội danh cho nhóm Báo Sạch là không đủ cơ sở pháp lý.

Nhóm Báo Sạch bao gồm bốn thành viên là Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo. Tất cả đều bị bắt và truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, vì các bài viết liên quan những vấn đề nóng được dư luận quan tâm lên mạng xã hội. Điển hình như vụ án tử tù Hồ Duy Hải, cưỡng chế đất ở Đồng Tâm (ngoại thành Hà Nội), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), cưỡng chế tại Gia Trang Quán…

Vụ Hồ Duy Hải không liên quan An ninh Quốc gia

Ngày 16/6, báo chí Nhà nước đưa tin nhóm Báo Sạch tiếp tục bị điều tra thêm về tội “Làm lộ bí mật Nhà nước” do Cơ quan điều tra đã thu giữ được chín tài liệu có đóng dấu “mật” và “tuyệt mật” liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải và trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trong Bộ Luật Hình sự năm 2015, Điều 337 về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hay bí mật Nhà Nước” có quy định cụ thể: Người nào phạm tội trong những trường hợp “làm lộ bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa” thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần hoặc “Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” sẽ chịu án tù từ 10 đến 15 năm tù giam.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, luật sư Trần Thu Nam bình luận về việc nhóm Báo Sạch bị đề nghị khởi tố thêm về tội danh “Cố tình làm lộ bí mật Nhà nước” rằng: Trong vụ án hình sự không liên quan đến an ninh quốc gia thì không thể có tài liệu mật hoặc tuyệt mật. Khi đưa ra xét xử thì mọi tài liệu phải được giải mật. Nếu không nằm trong hồ sơ vụ án thì không thể coi tài liệu đó là căn cứ pháp lý để kết tội bị cáo. Phải chăng, trong vụ án Hồ Duy Hải có những tài liệu “mật” và “tuyệt mật” không nằm trong hồ sơ vụ án?”

Một luật sư đang ở trong nước không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho rằng chỉ với các tài liệu thu giữ được ở nhà ông Trương Châu Hữu Danh là chưa đủ cơ sở khởi tố thêm tội danh đối với các thành viên nhóm này vì vụ án Hồ Duy Hải hay trường Tôn Đức Thắng không có liên quan đến an ninh quốc gia:

“Với tôi thì như vậy chưa đủ cơ sở để trả hồ sơ điều tra thêm tội Cố tình làm lộ bí mật nhà nước.

Tôi thấy vụ án của Hồ Duy Hải đã có rất nhiều tài liệu đã được công khai ra ngoài. Ở Việt Nam người ta hay dùng những điều luật có tính mơ hồ một chút như vậy để nói rằng đó là thông tin mật.

Những vụ án như vụ Hồ Duy Hải thì rất cần một nhóm truyền thông không phụ thuộc vào Nhà nước để lên tiếng, vì từ trước đến nay chỉ có thông tin dư luận một chiều thôi, và nó không có lợi cho Hồ Duy Hải, chỉ có lợi cho phía cơ quan tố tụng.”

Hồ Duy Hải là bị can trong vụ án giết hai nữ nhân viên ở Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An vào tháng 1/2008. Hồ Duy Hải bị kết án tử hình. Tuy nhiên, chính Hải và gia đình đã kêu oan ròng rõ hơn chục năm trời vì quá trình điều tra xét xử có nhiều sai phạm, nhiều bằng chứng cho thấy Hải có thể bị oan.

Với những vi phạm nghiêm trọng trong việc điều tra, xét xử như tiêu huỷ, thay đổi vật chứng, bỏ qua chứng cứ pháp y như vân tay, rút khỏi hồ sơ các chứng cứ có lợi cho bị cáo như vậy… nhưng tất cả 17 thẩm phán Toà tối cao đã giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hồ Duy Hải trong phiên Giám đốc thẩm hồi tháng 5/2020.

Vì sao Trương Châu Hữu Danh có hồ sơ “tuyệt mật”

Theo vị luật sư giấu tên, việc khởi tố nhóm Báo Sạch vì ông Danh có giữ các văn bản “mật” mà bỏ qua những người có thể là quan chức cấp cao đã “tuồn” các hồ sơ này ra ngoài, là điều không hợp lý:

Nhóm Báo Sạch hoặc luật sư Trần Hồng Phong (luật sư của Hồ Duy Hải – PV), mẹ hoặc em gái của Hồ Duy Hải cũng sử dụng hay nói rất nhiều về các thông tin lan truyền trên mạng xã hội nhưng họ không kết án. Vậy theo quan điểm của tôi thì có khả năng đây là một một vụ án mang tính chất về âm mưu chính trị. Tôi nghĩ vậy thôi chứ cũng không có chứng cứ để chứng minh.”

truongchauhuudanh111.jpg
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh. FB Trương Châu Hữu Danh

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thời báo ở Đức cho biết ông thường nhận được các văn bản, thông tin mật về các quan chức Việt Nam mà không rõ nguồn gốc do ai gởi đến. Nhưng theo ông Khoa, chỉ có những quan chức cao cấp trong nội bộ Đảng Cộng sản mới có được những tài liệu đó:

“Những tài liệu mà tôi nhận được thường là những tài liệu chưa được xuất hiện trên những trang mạng truyền thông. Có thể do những nhóm nào đó trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể lấy được các tài liệu như vậy, đóng dấu “mật”, thậm chí là “tuyệt mật”. Việc này thường xảy ra trước các kỳ Đại hội đảng hoặc là bầu cử.

Ví dụ như những tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao trong Bộ Công an Việt Nam, họ có những hình ảnh “nóng”, có thể họ có những cô bồ… Đó là những thông tin mà tôi đã từng nhận được trong thời gian vừa qua.”

Với nền báo chí ở Đức, điều duy nhất là ông quan tâm là các thông tin nhận được có chính xác hay không, chứ không phải là lo lắng có thể bị yêu cầu gỡ bài hay bị khởi tố hình sự:

“Ở Đức thì quyền tự do ngôn luận rất là cao. Đặc biệt là báo chí thì được Quyền miễn trừ, về nguồn tin ở đâu thì họ có quyền không cung cấp cho cơ quan điều tra hoặc là cơ quan công quyền của chính phủ Đức.

Chính vì vậy khi một tờ báo những thông tin đúng thì sẽ không có chuyện là bị bắt bỏ tù, truy tố hoặc làm khó khăn cho phóng viên.

Riêng với chúng tôi, là một trang báo mạng độc lập tại Đức thì luôn phản đối mọi hành động trấn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người viết độc lập trong nước vì họ hoàn toàn có quyền thể hiện tự do biểu đạo, tự do báo chí. Điều này cũng đã được ghi trong Hiến pháp của nhà nước Việt Nam.”

Đại diện cấp cao của Uỷ ban bảo vệ Ký giả (CPJ) tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin trả lời RFA hồi tháng tư rằng CPJ quan ngại về các vụ bắt giữ nhà báo gần đây tại cơ quan truyền thông nhà nước và kêu gọi trả tự do cho họ. Rằng các nhà báo ở Việt Nam nên được phép thực hiện vai trò kiểm tra và cân bằng của mình mà không bị buộc tội chống nhà nước hay bị đe dọa bỏ tù.

Tình trạng tham nhũng tràn lan trong Đảng Cộng sản Việt Nam, như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận. Các phóng viên nên được phép điều tra và đưa tin về những hành vi sai trái và tham nhũng trong Đảng, bất kể nguồn của thông tin hay nó có dính dáng đến quyền lực của các chính trị gia.

Theo RFA