Cơ chế hiện nay có thể giúp Việt Nam tháo nút thắt đất đai để nông nghiệp phát triển?

Những vướng mắc liên quan đất đai đang gây ra sự mất công bằng và bức xúc trong xã hội Việt Nam. Đó là chính sách về sở hữu, chính sách về giá và rất nhiều thứ khác liên quan đến đất đai. Tháo được nút thắt đất đai, nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết như vừa nêu khi trả lời báo chí nhà nước hôm 24/2/2021.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn về tái cơ cấu nông nghiệp, từ Hà Nội hôm 25/2 nhận định với RFA về những khó khăn liên quan đất đai:

“Việt Nam thì vấn đề chủ yếu là quy mô đất quá nhỏ, tính trung bình mỗi hộ nông dân ở Việt Nam có khoảng 0,5 đến 0,6 hecta cho một nông hộ. Thường thường ở miền trung và miền bắc Việt Nam, còn chia nhỏ ra làm 5 hay 7 mảnh, các mảnh này còn không nằm chung một chỗ. Cho nên đất nó bé, một là cơ giới hóa khó khăn, thủy lợi hóa khó khăn. Thứ hai là nếu người nông dân có tăng năng suất đến mức tối đa, hoặc tăng vụ đến mức tối đa, thì hiệu quả kinh tế đem lại cho một hộ gia đình làm nông nghiệp cũng rất là hạn hẹp.”

Còn đối với doanh nghiệp, theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, còn khó khăn hơn bởi vì nếu họ muốn tập hợp một lượng sản phẩm hàng hóa tương đối lớn và đảm bảo chất lượng thống nhất, thì phải làm việc với hàng trăm, hàng ngàn hộ nông dân. Vì thế đây là cản trở cho cả sản xuất lẫn kinh doanh.

Nếu người nông dân có tăng năng suất đến mức tối đa, hoặc tăng vụ đến mức tối đa, thì hiệu quả kinh tế đem lại cho một hộ gia đình làm nông nghiệp cũng rất là hạn hẹp.
– Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Chị Năm, một nông dân ở Long An, nói với RFA:

“Sống với nghề lúa này chắc sống không nổi đâu… lúa chỉ để ăn… chứ lúa đâu có dư để mà bán nuôi sống mấy mạng người chắc nuôi không nổi đâu. Tư nhân người ta ai mà giàu thì người ta mua máy móc về người ta làm… còn mình thì mình mướn người ta, chứ nhà nước nào hỗ trợ… vậy thôi… nhà nước không hỗ trợ à nghen…”

Anh Hai, một nông dân ở Hậu Giang, cho RFA biết, tuy có ruộng đất, nhưng vẫn khó khăn:

“Ví dụ như ruộng giờ bỏ hoang mà không biết mần cái gì… mần cái gì cũng bị lỗ… mần cái gì cũng bị hư… Chánh sách thì nói theo chánh sách… còn dân mình thì cái dạng… mạnh ai nấy làm…”

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD vào năm 2019 đưa ra một báo cáo cho thấy các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp.

Theo IPSARD, do lịch sử và thói quen canh tác, đất đai nông nghiệp ở Việt Nam bị phân tán thành nhiều mảnh, manh mún cản trở cho việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng nông nghiệp… , gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu gom đất, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vì gặp nhiều trở ngại trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

2020-03-01T082518Z_1626115065_RC2WAF9RHOZA_RTRMADP_3_VIETNAM-AGRICULTURE-960.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Thanh Hóa năm 2020. REUTERS.

Theo Hiến pháp nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, không công nhận quyền sở hữu đất đai của tư nhân. … Ở Việt Nam người dân chỉ được quyền sử dụng đất được nhà nước giao cho, và chỉ chuyển nhượng qua lại quyền sử dụng đó chứ không phải quyền sở hữu.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, một người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, nói với RFA hôm 25/2:

“Hạn điền thì người ta quy định nếu cấp đất không có thu tiền thì mới có cái hạn đó, còn mua thì muốn mua bao nhiêu thì mua, thuê bao nhiêu thì thuê, chứ đâu có gì đâu… Mà giờ đâu có đất nữa mà cấp, cái đó là quy định chuẩn vậy thôi. Cũng không ảnh hưởng gì đâu, vì chuyện ‘người sở hữu’ quyền sử dụng đất’ này thì chỉ là thuật ngữ dính với vấn đề pháp lý, hiến pháp nói chung. Thành ra nó chỉ mang tính chất về luật, chứ không có gì quá lớn. Cũng không ảnh hưởng gì đâu.”

Hạn điền thì không hạn chế đối với doanh nghiệp nhưng lại hạn chế đối với hộ gia đình nông dân muốn có một quỹ đất lớn hơn để có thể phát triển quy mô lớn thì lại vướng phải hạn điền.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, một trong những rào cản là thể chế, làm kéo dài tình trạng đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, ảnh hưởng sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam là vấn đề hạn điền:

“Hạn điền thì không hạn chế đối với doanh nghiệp nhưng lại hạn chế đối với hộ gia đình nông dân muốn có một quỹ đất lớn hơn để có thể phát triển quy mô lớn thì lại vướng phải hạn điền. Mặc dù hiện nay đã tháo gỡ một phần nhưng vẫn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của nhà nước. Mà hạn mức trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long là 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta, như vậy tổng số chỉ là 20 hecta và 30 hecta.”

Theo nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… đất cũng không nhiều, qui mô hộ cá thể cũng nhỏ, nhưng việc tổ chức của cơ quan quản lý rất tốt. Không chỉ liên kết chiều ngang về khối lượng, mà còn liên kết chiều dọc là làm tăng giá trị sản phẩm lên… vì vậy họ đã giải quyết được vấn đề quy mô đất. Cho nên, theo ông Nhị, đất ít hay đất nhiều không phải chuyện lớn mà là vấn đề tổ chức sản xuất. Ông nói tiếp:

“Vấn đề đất đai không còn là vấn đề lớn nữa, mà là vấn đề quản lý, vì vai trò của doanh nhân rất là quan trọng. Do đó phải làm sao để doanh nhân có vai trò trong nông nghiệp, như vậy mới dẫn dắt nông dân đi được. Chứ chính quyền làm sao mà dẫn dắt nông dân ra thị trường. Vấn đề này cần phải lưu ý trong tình hình hiện nay.”

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, khi kinh tế phát triển thì người làm giỏi có xu hướng tăng quy mô đất lên. Khi quá trình này diễn ra thì xuất hiện tình trạng tích tụ đất đai để hình thành sản xuất trang trại quy mô lớn dần. Do đó đến giai đoạn nào đấy, cần phải bắt đầu bỏ mức hạn điền, không ngăn chặn quy mô đất đai tối đa của một hộ có thể mua hoặc chuyển nhượng.

Theo RFA