Chuyên gia: Ông Putin đang lợi dụng ĐCSTQ để thực hiện các kế hoạch quốc gia của mình

Trong khi Nga xâm lược Ukraine, thế giới cũng đang theo dõi phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng này. Một nhà phân tích Trung Quốc tin rằng hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một phần của một kế hoạch quốc gia vượt xa những gì mà ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dự đoán.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức một cuộc gặp qua hội nghị trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (không trong hình) tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 28/06/2021. (Ảnh: Alexy Nikolsky/Sputnik/AFP/Getty Images)
Nghe đọc bài

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), chuyên gia pháp lý nổi tiếng của Trung Quốc đang sống lưu vong, cho biết: “Nga có các mục tiêu quốc gia của riêng mình. Ông Putin chỉ đơn giản là lợi dụng ông Tập Cận Bình,” ông nói thêm, và ông Putin “không thể bị ràng buộc với cỗ xe của ông Tập Cận Bình.”

Chiến lược quốc gia của ông Putin

Hôm 24/02 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình tại khu vực Donbas, phía đông nam Ukraine.

Trước đó hôm 21/02, ông Putin đã ký sắc lệnh công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) ở miền đông Ukraine. Hai nước cộng hòa này đã tuyên bố độc lập vào năm 2014.

Các quốc gia phương Tây đã ngay lập tức phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, và Đức cũng đình chỉ quá trình chứng nhận đường ống Nord Stream 2.

Sau cuộc xâm lược này, các nhà lãnh đạo phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thậm chí nghiêm khắc hơn, bao gồm cả những gì mà Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố là bộ các biện pháp trừng phạt “lớn nhất từ trước đến nay” chống lại Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà phân tích Viên Hồng Băng nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng ông tin ông Putin đang đưa ra chiến lược quốc gia lớn của mình. Đó là khôi phục lãnh thổ Nga trong thời kỳ Xô Viết. Belarus đã thể hiện xu hướng thành lập một liên minh chiến lược với Nga, và “ông Putin đã nói rõ trong tuyên bố của mình rằng Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử và văn hóa Nga,” ông nói.

Ông lấy tình hình bất ổn gần đây ở Kazakhstan làm ví dụ. Ông Viên nói: “Nga đã gửi quân đến đó, điều này cho thấy “tổng thống đương nhiệm của Kazakhstan đã trở thành con rối của Nga ở một mức độ đáng kể.”

Ông Viên tin rằng ông Putin sẽ thực hiện chiến lược quốc gia của mình theo từng giai đoạn, và cho đến nay, Nga đã thực hiện một bước quan trọng trong vấn đề Nga-Ukraine.

Sự ràng buộc giữa ĐCSTQ và Nga

Hôm 04/02, ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, ông Putin và ông Tập đã tuyên bố hợp tác chiến lược song phương và nhập cảng 100 triệu tấn dầu thô qua Kazakhstan trong vòng 10 năm.

Người Ukraine biểu tình chống lại cuộc xâm lược của Nga bên ngoài Downing Street ở London, hôm 24/02/2022. (Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images)

Tổng lưu lượng khí đốt của Nga đến Trung Quốc sẽ đạt 48 tỷ mét khối mỗi năm, Bloomberg đưa tin. Các hợp đồng dầu khí mới của Nga với Trung Quốc trị giá khoảng 117.5 tỷ USD, được thanh toán bằng đồng euro.

Ông Viên nói rằng ông Tập Cận Bình đang cố gắng làm hài lòng Nga, hy vọng hình thành một liên minh chiến lược trong mọi điều kiện và tạo sự hỗ trợ cho nghị trình của ông về Đài Loan. Thỏa thuận thương mại Trung-Nga là sự ủng hộ của ông Tập đối với ông Putin để chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể xảy ra từ phương Tây.

Tuyên bố chung tuyên bố rằng “mối bang giao liên quốc gia mới giữa Nga và Trung Quốc vượt trội hơn so với các liên minh chính trị và quân sự trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh” và “Tình hữu nghị giữa hai nước không có giới hạn, không có lĩnh vực hợp tác nào bị ‘cấm’”.

Ông Viên cho biết rằng “Nga có mục tiêu quốc gia của riêng mình, không thể tự ràng buộc mình vào cỗ xe của ông Tập Cận Bình.”

Ông trích dẫn hai sự việc trong đó Nga đã cho thấy rằng họ sẽ hoạt động vì lợi ích riêng của mình, xung đột với lợi ích của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Một là Nga, với mối bang giao song phương dường như gần gũi với Trung Quốc, lại là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ bất chấp xung đột biên giới trong quá khứ của ĐCSTQ với Ấn Độ.

Hai là ở Biển Đông, Nga đã tiến hành một dự án khoan dầu với Việt Nam ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh đã tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ.

Ông Viên nói: “Rõ ràng là ông Tập đã bị ông Putin thao túng, để phục vụ các mục tiêu quốc gia Nga của ông ấy. Ông Tập Cận Bình đang vọng tưởng khi mong đợi sự ủng hộ của ông Putin đối với cuộc xâm lược quân sự vào Đài Loan.”

‘Sự ngu xuẩn’ trong ngoại giao của ĐCSTQ

Trong khi thế giới phương Tây đang lên án cuộc xâm lược Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, thì phản ứng của ĐCSTQ vẫn chưa rõ ràng.

Trong một cuộc họp báo hôm 23/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Hoa Xuân Oánh đã được hỏi liệu Trung Quốc có áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga hay không. Bà trả lời rằng Trung Quốc sẽ “kiên định phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp.” Bà đã không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng nói rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia này.

Một ngày trước đó, một phát ngôn viên khác là ông Uông Văn Bân cũng né tránh câu hỏi này khi nói rằng, “các mối quan tâm an ninh chính đáng của bất kỳ quốc gia nào cũng đều nên được tôn trọng” và “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.”

Hôm 19/02, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị nói “chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng và bảo vệ” và “điều đó áp dụng bình đẳng đối với Ukraine.”

Ông Viên nhận xét rằng ông Putin đã đặt ĐCSTQ vào tình thế khó xử khi lãnh đạo Nga công nhận và ủng hộ nền độc lập của hai nước cộng hòa ở miền đông Ukraine. Điều đó đã tạo ra một vấn đề cho ĐCSTQ về vấn đề Đài Loan, nơi mà chính quyền Trung Quốc luôn tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.

“Nhìn chung, ĐCSTQ đã cho thấy sự ngu xuẩn về mặt ngoại giao của mình khi ứng phó với xung đột Nga-Ukraine,” ông nói. “Toàn bộ chính sách ngoại giao của ĐCSTQ hiện nay đang trong tình trạng thất bại.”

Ông Viên cũng không tin rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của chính phủ Tổng thống Biden sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược. Theo ông Viên, thỏa thuận hợp tác kinh tế tăng cường gần đây giữa Nga và Trung Quốc khiến Hoa Kỳ không thể chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt kinh tế để buộc Nga từ bỏ các mục tiêu quốc gia của mình.

Ông nói: “Tất cả các chế độ độc tài đều tin vào luật rừng, trong đó chỉ có vũ lực. Do đó, sẽ phải có những biện pháp đối phó mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay khi đối mặt với sự chuyên chế của ĐCSTQ hoặc một nước Nga hiếu chiến.”

Một nhóm người Slav sống ở Đài Loan cầm biểu ngữ phản đối cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine, tại Đài Bắc hôm 25/022022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Ông Ninh Hải Chung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra nước ngoài và làm phóng viên chuyên về các vấn đề thời sự và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.

Cô Lạc Á (Luo Ya) là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times.

Luo Ya và Haizhong Ning thực hiện
Bản tin có sự đóng góp của Mary Hong
Nguyễn Lê biên dịch