Chuyên gia: Căng thẳng Hoa Kỳ-Nga làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân

Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga ngày càng gia tăng về tình trạng bế tắc dọc biên giới Ukraine, thì nguy cơ xung đột hạt nhân cũng tăng lên, theo học giả Nga Clint Ehrlich.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, bên trái, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Villa La Grange ở Geneva vào ngày 16/06/2021. (Ảnh: Saul Loeb/Pool/AFP/Getty Images)

Nhà thăm dò Mark Meckler cho biết hầu hết các cử tri ngày nay không còn sợ thảm họa hạt nhân nữa.

“Thời điểm mà tôi lớn lên, ai cũng bàn tán về điều đó. Chúng tôi đã không thực sự nói về chuyện này kể từ khi Liên Xô tan rã,” ông Meckler, chủ tịch của Công ước các Quốc gia Hành động (COS), nói với The Epoch Times. “Đó không phải là một phần của ý thức cộng đồng.”

Nhưng với sự nóng nảy đang bùng lên giữa hai nhà lãnh đạo về tình hình ở Ukraine, Nga đã đe dọa sẽ điều động các lực lượng chiến lược tới Venezuela và Cuba. Điều này có nguy cơ khiến cho bối cảnh địa chính trị này quay trở về như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ông Ehrlich, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Bang Moscow tại Đại học MGIMO, cho biết.

“Đây thực sự là một bế tắc toàn cầu không chỉ giới hạn ở khu vực biên giới của Nga và Ukraine … Nga đã hiện đại hóa quân đội, và đặc biệt là các lực lượng chiến lược của mình, đến mức giờ đây họ cảm thấy như thể họ có thể phát huy sức mạnh theo cách mà họ chưa từng làm trong quá khứ,” ông Ehrlich nói với The Epoch Times.

“Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên nguy hiểm hơn trong mối liên hệ giữa phương Tây và Nga, bởi vì có một nhận thức sai lầm, hoặc ít nhất là sự khác biệt trong nhận thức, giữa phương Tây và Nga về sức mạnh tương đối của Nga trong trật tự quốc tế này.”

Các nhà lãnh đạo toàn cầu vẫn còn thời gian để tháo ngòi căng thẳng, nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách dường như không cân nhắc đúng mức nguy cơ thảm họa hạt nhân này, ông Ehrlich lập luận.

Ông nói rằng, “Chúng ta không hoàn toàn ở cùng thời điểm như khi ở trong Cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba bởi vì Nga đã không khai triển những gì họ có thể [khai triển]. Hiện tại, Nga không có hỏa tiễn ở Cuba hay Venezuela, họ cũng không có lực lượng chiến lược như các oanh tạc cơ, nhưng đó là hướng đi tổng thể mà chúng ta đang hướng tới.”

“Và, điều thực sự khác biệt và đáng lo ngại là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người dân Mỹ và thế giới nói chung đã nhận thức được nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, và họ thực sự quan tâm đến vấn đề đó. Nó đã đè nặng lên họ. Nó răn đe những hành vi liều lĩnh,” ông nói. “Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách có vẻ ung dung về rủi ro này. Và đó thực sự là điều đáng báo động nhất đối với tôi, đó là sự thiếu quan tâm đến mối nguy hiểm hiện hữu trong tình huống khốc liệt này.”

Về cách giảm bớt căng thẳng, các chuyên gia chính sách có nhiều ý kiến khác nhau.

Một số người coi việc Nga tăng cường quân đội gần Ukraine là một phản ứng đáp lại việc NATO đang tìm cách mở rộng, và họ sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo phương Tây phải bảo đảm rằng điều đó sẽ không xảy ra.

Những người khác cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách tái khẳng định sự thống trị ở Đông Âu do nhận thức được yếu điểm của Mỹ. Họ sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo viện dẫn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, và khi họ không đạt được điều đó, thì kế tiếp sẽ là hành động quân sự.

Ông Ehrlich có xu hướng đưa ra quan điểm đầu tiên, ít nhất là khi nói đến các quy định về chính sách.

Ông nói, “Tôi đề nghị Hoa Kỳ thúc đẩy nội bộ NATO rút lại tuyên bố Bucharest năm 2008, trong đó nói rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. Tôi nghĩ việc rút lại tuyên bố đó sẽ là chìa khóa để có một bước đột phá ngoại giao trong cuộc khủng hoảng này.”

“Bằng cách đó, nếu người Nga vẫn còn hung hăng, ít nhất là những động cơ của họ sẽ còn công khai. Ít nhất thì họ sẽ mất lý do rằng họ đang hành động vì mối đe dọa đối với an ninh của họ do Ukraine và NATO gây ra.”

May mắn thay, theo quan điểm của ông Ehrlich, hầu hết các cử tri dường như đều đồng ý với ông. Dựa trên một biểu mẫu gồm 1,081 cử tri có khả năng — 39.3% thành viên Đảng Cộng Hòa, 25.6% thành viên Đảng Dân Chủ, và 25.1% không theo đảng phái, cuộc thăm dò mới nhất từ ông Meckler và COS cho thấy chỉ có 15.3% cử tri Mỹ tin rằng quân đội Hoa Kỳ nên được gửi đến Ukraine nếu Nga xâm lược.

Cuộc thăm dò này cũng cho biết có 84.8% số người được hỏi đều tin rằng Hoa Kỳ nên hạn chế can dự trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine; 31.1% tin rằng các nhà lãnh đạo nên tiếp tế vật tư và vũ khí quân sự; 30.5% tin rằng nước này chỉ nên gây áp lực trong lĩnh vực ngoại giao; và 23.2% tin rằng Ngũ Giác Đài nên cung cấp những nhà cố vấn quân sự của Hoa Kỳ [cho Ukraine].

Ông Meckler nói rằng tinh thần phản đối chiến tranh vẫn được giữ vững với cả cử tri Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ.

“Đó là một sự thay đổi thú vị trong 10 hoặc 15 năm qua,” ông nói. “Quan điểm của tôi là chúng ta đã thấy có quá nhiều xung đột với bất kỳ mục tiêu hoặc thước đo nào đã được tuyên bố để giành lấy chiến thắng, và tôi nghĩ mọi người đã mệt mỏi vì điều đó rồi.”

Theo Epoch Times