‘Chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc’: Lãnh đạo khẳng định không hề nói, báo đưa băng ghi âm

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh khẳng định ông không hề nói trong dịch Covid-19 'chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc' trong lúc một tờ báo đăng bản ghi âm để phản bác ông.

Mạng xã hội ngày 18/10 xôn xao khi báo Lao Động tường thuật khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh chiều ngày 18/10, ông Tấn đã nói: “Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua ở TP Hồ Chí Minh nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch”.

Sang ngày 19/10, ông Tấn chính thức phát biểu với báo chí:

“Ý của tôi không phải như vậy. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu ‘chưa có ai khốn khổ, khó khăn’ mà ý của tôi là ‘không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ’. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế.”

“Trong đợt dịch vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân gần 8.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Vậy tại sao lại viết chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc? Có chứ, có mới chi 8.000 tỉ đồng, chưa có ai thiếu ăn sao lại phải chi 8.000 tỉ đồng? Việc chi hỗ trợ cho người dân 2 đợt là chính sách riêng, đặc thù của thành phố nhằm hỗ trợ khẩn cấp người dân gặp khó khăn. Tôi làm ngành lao động thì phải lo cho dân chứ không thể bỏ mặc dân trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.”

Báo đăng bản ghi âm

Nhưng báo Lao Động cùng ngày 19/10 cho đăng lên trang web của họ bản ghi âm để khẳng định họ không đưa tin sai.

Báo Lao Động giới thiệu rằng tại đoạn ghi âm 2 phút 31 giây, ông Lê Minh Tấn khẳng định: “…Đánh giá trong gần 5 tháng qua dịch bệnh trên địa bàn TPHCM rất là ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ…”.

Ngoài ra ở đoạn 3 phút 5 giây, theo tờ báo, ông Lê Minh Tấn còn nói: “…TPHCM hiện chi ra gần 8.000 tỉ đồng. Nhưng các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng ủng hộ gần cỡ đó, 8.000 tỉ đồng. Thành ra bảo đảm bà con thành phố chúng ta không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai phải khốn khổ…”.

Đến cuối ngày, ông Lê Minh Tấn chưa có phát ngôn nào về bản ghi âm của báo Lao Động.

Được biết tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, chính quyền đã chi khoảng 10 triệu lượt hỗ trợ qua ba đợt.

Từ cuối tháng 9, thành phố này triển khai gói hỗ trợ đợt 3 với kinh phí khoảng 7.300 tỉ đồng.

Việt Nam có luật phạt báo chí ‘đăng tin sai sự thật’

Việt Nam hiện nay thường sử dụng Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, hoạt động xuất bản.

Trong đó có điều khoản: “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; buộc gỡ bỏ chương trình phát thanh, chương trình truyền hình; buộc gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, ứng dụng phát thanh truyền hình trên mạng; buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật…”

Gần đây, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông còn công bố thống kê sơ bộ đơn thư phản ánh về thông tin trên báo chí, tố cáo vi phạm trong hoạt động báo chí giai đoạn năm 2018 đến năm 2020.

Đứng đầu thống kê là Báo Pháp luật Việt Nam với 122 đơn thư khiếu nại, trong đó riêng năm 2020 có63 đơn thư khiếu nại.

Báo Tiền phong bị 56 đơn thư, đứng thứ hai; Báo Thanh niên đứng thứ ba với 53 đơn thư khiếu nại.

Tiếp theo là Báo Công lý (48 đơn thư khiếu nại), Báo Người cao tuổi – nay là Tạp chí Người cao tuổi (47), Báo Đời sống và Pháp luật – nay là Tạp chí Đời sống và Pháp luật (41), Báo Lao động (40), Báo điện tử Tầm nhìn – nay là Báo Tri thức và Cuộc sống (38), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (37), Báo điện tử Dân trí (31).

Theo BBC