Chinh phục xong không gian, Jeff Bezos đi tìm thuốc trường sinh bất lão

Truyện khoa học viễn tưởng hay nói rằng, không gian là ranh giới cuối cùng để loài người chinh phục. Nhưng câu chuyện có thật của năm 2021 là những tỷ phú đã biến không gian trở thành địa điểm du lịch, miễn đủ tiền mua vé là được. Và vì thế, câu hỏi không thể tránh khỏi là “giờ sao, chinh phục gì tiếp theo?” Trong cuốn sách Homo Deus của tác giả Yuval Noah Harari có đoạn như thế này: “Dựa vào lịch sử và giá trị sống hiện tại, có lẽ, những mục tiêu tiếp theo của loài người sẽ là sự bất tử, sự hạnh phúc và được tôn thờ. Từ bây giờ, chúng ta sẽ nhắm đến mục tiêu vượt qua tuổi tác và thậm chí vượt qua luôn cả cái chết”.

Dự báo đầy tính triết luận của Harari từ năm 2015 hóa ra là hoàn toàn chính xác. Trở thành “bất tử” như những vị thần, hay trở thành chủng người Homo Deus đã trở thành mục tiêu của những người giàu nhất hành tinh, và một trong những startup giới siêu giàu đang đặt cược là Altos Labs, cái tên đến từ California, Mỹ.

Sự trỗi dậy của startup tìm thuốc trường sinh bất lão

Mọi chuyện khởi đầu vào tháng 10/2020 trong một căn biệt thự khu Los Altos, California. Chủ nhân căn biệt thự, Yuri Milner đã mời một nhóm các nhà khoa học và vài cá nhân của giới siêu giàu đến để bàn về công nghệ sinh học. Chính xác hơn thì, chủ đề hôm ấy là làm cách nào để đảo ngược quá trình phiền toái của loài người, gọi là “lão hóa.”

Tỷ phú Yuri Milner.
Tỷ phú Yuri Milner.

Yuri Milner là ai? Ông này là một tỷ phú, nhà khởi nghiệp và nhà vật lý học Nga gốc Israel, người đang sở hữu cổ phiếu của những tập đoàn công nghệ như Facebook, Stripe, Twitter, Xiaomi, Alibaba, Airbnb, VKontakte,… Trước khi trở thành nhà đầu tư, ông là nhà vật lý học tốt nghiệp đại học Moscow, hoàn thành bằng MBA ở đại học Pennsylvania. Từ đó, ông làm ngành ngân hàng và dần leo lên được vị trí CEO Mail.Ru, tập đoàn công nghệ Nga với giá trị vốn hóa 5.6 tỷ USD.

Sau này, khi trở thành nhà đầu tư, Milner gặp được nhiều đối tác ở Silicon Valley. Có lẽ đó là nguyên do thúc đẩy ông mở startup của riêng mình cùng vợ là Julia. Hai vợ chồng tổ chức buổi họp kể trên dưới dạng một hội thảo khoa học, rồi sau đó bơm vốn thông qua một tổ chức để tạo ra Altos Labs.

Kế đến là Richard Klausner, người vừa được chọn làm CEO của Altos Labs. Ông khởi đầu sự nghiệp của mình tại Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ. Chỉ sau khi bước sang tuổi 30, ông trở thành giám đốc mảng sinh học tế bào và trao đổi chất của viện, để rồi sau đó trở thành giám đốc viện. Đầu những năm 2000, ông rời vị trí quản lý để đảm nhiệm những vị trí cố vấn, cũng như làm giám đốc điều hành của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates. Giờ đây, Klausner là một nhà khởi nghiệp sống ở Los Altos, nơi ông gặp vợ chồng nhà Milner.

Và người thứ ba, được chính Klausner xác nhận là một trong những nhà đầu tư vào Altos Labs, đấy chính là Jeff Bezos. Hiện tại tỷ phú giàu nhất nhì hành tinh vẫn chưa xác nhận việc đã đầu tư cho Altos Labs, nhưng khả năng rất cao là Klausner không nói giỡn. Theo MIT Technology Review, “Bezos được cho là có sự quan tâm rất đặc biệt tới ngành khoa học nghiên cứu kéo dài tuổi thọ, và trước đó ông này cũng từng đầu tư vào Unity Biotechnology, một startup nghiên cứu phương pháp chống lão hóa cho con người”.

Có người sẽ cho rằng giới siêu giàu đồng tình với quan điểm của triết gia Yuval Noah Harari, rằng sự bất tử sẽ là bước tiến hóa công nghệ tiếp theo của loài người. Nhưng cũng có người sẽ nghĩ rằng, ba ông kể trên đơn giản là ba tỷ phú sợ chết. Bezos năm nay 57 tuổi, đang có khối tài sản 192 tỷ USD. Milner thì 59 tuổi và có 4.8 tỷ USD, còn Klausner cũng đã 70, với khối tài sản 74 triệu USD. Dù lý do là gì đi chăng nữa, thì Altos Labs cũng vô cùng nghiêm túc trong việc tạo ra phương thuốc trường sinh bất lão.

Công nghệ nghe chẳng khác gì khoa học viễn tưởng

Công nghệ ấy gọi là “tái lập trình tế bào” và để hiểu cách nó vận hành, thì cũng phải hiểu quy trình lão hóa tự nhiên diễn ra như thế nào. Bên trong cơ thể chúng ta là một nhà máy tế bào. Nhiệm vụ của nó là đảm bảo quá trình sản xuất và tái sinh mọi loại tế bào trong cơ thể, từ trong não bộ cho đến lớp da bên ngoài. Mỗi tế bào đều có hạn mức tồn tại riêng, và khi đến đúng thời điểm, hoặc chúng sẽ chết đi, hoặc sẽ biến thành tế bào già (senescent cell).

Senescent cell không khác gì những tế bào zombie tồn tại trong cơ thể chúng ta, gây hại cho những mô xung quanh nó và khiến cơ thể của anh em già đi. Nhưng chúng hoàn toàn không phải thủ phạm duy nhất gây ra tình trạng lão hóa. Một nguyên do khác là tế bào gốc, hay chính xác hơn là sự thiếu hụt tế bào gốc. Những vi sinh vật này là bản thiết kế cơ bản, có thể biến thành mọi loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Tưởng tượng một hộp phụ tùng có khả năng biến thành mọi linh kiện anh em muốn để thay thế những món đã bị hỏng ấy. Vấn đề là tuổi càng cao, lượng tế bào gốc anh em có càng ít đi.

Đấy là quá trình lão hóa. Giờ để triển khai giải pháp đảo ngược quá trình lão hóa, sẽ có hai cơ chế cụ thể.

  • Thứ nhất là đảm bảo tế bào già có thể tự hủy khi chạm đến ngưỡng giới hạn tồn tại để nhường chỗ cho những tế bào mới và khỏe mạnh hơn.
  • Thứ hai là tăng lượng tế bào gốc, chúng phải đủ để đảm bảo quá trình sản xuất những tế bào mới nói trên.

Trong điều kiện lý tưởng, công nghệ này có thể biến một cơ thể trở thành “trường sinh bất lão”
Trong điều kiện lý tưởng, công nghệ này có thể biến một cơ thể trở thành “trường sinh bất lão”.

Về cơ bản đó là những gì công nghệ tái lập trình tế bào đang muốn làm. Nó can thiệp thẳng vào hệ thống sinh học của con người để gia tăng tuổi thọ của tế bào, với hệ quả tất yếu là gia tăng tuổi thọ của mỗi con người. Trong điều kiện lý tưởng, công nghệ này có thể biến một cơ thể trở thành “trường sinh bất lão”, một cỗ máy sản sinh tế bào mới vô hạn.

Nghe giống mấy phim khoa học viễn tưởng đúng không anh em? Sự thật là nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ tái lập trình tế bào đã được thử nghiệm trên chuột, và một vài trong số đó thực sự đã có kết quả tích cực.

Tập hợp những “bác học điên”

Có lẽ cái tên khét tiếng nhất đang làm việc cho Altos Labs chính là nhà sinh vật học người Tây Ban Nha, Juan Carlos Izpisúa Belmonte. Ông từng làm một thí nghiệm vô cùng tranh cãi, đó là kết hợp phôi thai người với khỉ để tạo ra những bào thai chứa nội tạng có thể cấy ghép cho người. Sự táo bạo của Izpisúa Belmonte không phải lý do duy nhất Altos Labs liên hệ để mời ông về làm việc. Trước đó, Izpisúa Belmonte từng dự đoán rằng có thể tăng tuổi thọ con người thêm 50 năm, sau khi thực hiện những thí nghiệm của riêng mình. Năm 2016, phòng thí nghiệm của ông ứng dụng một giải pháp gọi là nhóm yếu tố Yamanaka để đảo ngược tốc độ lão hóa của chuột. Yamanaka factors là những yếu tố phiên mã protein đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tế bào gốc đa năng.

Juan Carlos Izpisúa Belmonte
Juan Carlos Izpisúa Belmonte

Một phóng viên từng được tận mắt chứng kiến Belmonte áp dụng yếu tố Yamanaka cho chuột mô tả lại thí nghiệm: “Chú chuột đen nằm im, lưng thì gù, mắt vẫn chớp nhưng không cử động. Những nội tạng của nó đang dần hỏng hết. Trông nó chỉ sống được thêm vài ngày nữa. Nó mắc chứng progeria, một hội chứng lão hóa sớm do đột biến di truyền, mà nó cũng mới chỉ có 3 tháng tuổi. Nhưng trong phòng thí nghiệm của Juan Carlos Izpisúa Belmonte, ông đã cho tôi thấy thứ không thể tin nổi. Vẫn là chú chuột đó, hoạt bát và năng động, sau khi được chữa trị bằng phương thuốc đảo ngược tốc độ lão hóa”.

Phương thuốc ấy được tạo ra từ những khám phá của nhà khoa học người Nhật Bản, Shinya Yamanaka cùng hai người đồng nghiệp, những người nhờ khám phá ấy đã giành giải Nobel Y học năm 2012. Chính họ là những người đi đầu ngành tái lập trình tế bào. Chính Yamanaka cũng đồng ý đảm nhận vị trí cố vấn cấp cao không nhận lương cho Altos Labs. Ông nói: “Dù có rất nhiều rào cản phải vượt qua, nhưng tiềm năng là rất lớn”.

Shinya Yamanaka
Shinya Yamanaka

Những nhà bác học điên ở Altos Labs còn có thể kể đến Steve Horvath, người phát triển “đồng hồ sinh học”, thứ có thể đo đếm tốc độ lão hóa của con người với độ chính xác đến đáng sợ. Cùng với đó là Peter Walter, người từng làm trong nhóm nghiên cứu đã phát triển ra một phân tử có khả năng phục hồi tổn thương não, chữa những bệnh như Alzheimer và hồi phục trí nhớ cho người cao tuổi.

Khi đầu tư startup không cần lãi, chỉ cần sản phẩm

Đối với những tỷ phú rót vốn cho Altos Labs, doanh thu hay tỉ suất lợi nhuận có vẻ không phải là mục tiêu cao nhất, mà trái lại họ cần sản phẩm. Startup này trả cho những nhân sự đầu tiên tham gia mức lương 1 triệu USD kèm cổ phiếu của công ty, và hầu hết họ đều là những người làm khoa học với mức lương trước đó chỉ là một phần lẻ của con số 1 triệu Đô. Làm việc cho một đơn vị nghiên cứu tư nhân cũng có những cái lợi khác, đó là không phải đi xin tiền chính phủ, và cũng không bị luật lệ khoa học ràng buộc khi tạo ra những phát kiến táo bạo.

Một thực tế không thể chối bỏ là, đi tìm phương thuốc trẻ mãi không già, chinh phục vòng quay sinh lão bệnh tử chắc chắn là một thị trường đáng giá hàng tỷ, nếu không phải là hàng nghìn tỷ USD. Nếu không nhận ra tiềm năng ấy, thì làm gì có chuyện Altos Labs nhận được 270 triệu USD tiền đầu tư chỉ trong năm đầu tiên ra mắt? Ấy là chưa kể, muốn chinh phục không gian, thì Jeff Bezos cũng không thể chỉ trông đợi vào thành tựu tạo ra trong vài chục năm cuối cuộc đời mình được. Như những lời đầy khôn ngoan của triết gia Harari:

“Phản ứng phổ biến nhất của tâm trí con người khi nói về thành tựu hoàn toàn không phải là sự thỏa mãn, mà là sự khao khát có được nhiều hơn. Loài người sẽ luôn trên con đường tìm kiếm những thứ lớn hơn, tốt hơn hay thậm chí ngon hơn”.

Theo Khoa học