“Chim sắt điện” oanh tạc bầu trời: Cục diện xoay chiều đầy kinh ngạc

Ô tô, máy bay không người lái chạy điện đã làm thay đổi bộ mặt đời sống con người. Máy bay điện sẽ nối tiếp trở thành thứ công nghệ làm thay đổi cuộc chơi toàn cầu.

Viễn cảnh trong mơ

Chuyến bay đến Delhi khởi hành lúc 11h50. Bạn mất 15 phút để đến sân bay, nhưng hôm nay không phải di chuyển bằng tàu điện ngầm hay ô tô mà là taxi hàng không – đón ngay bên ngoài căn hộ của bạn.

Taxi hàng không bay lên bầu trời, chở bạn đến nhà ga, chuyển sang máy bay điện với sức chứa 175 khách cất cánh đúng giờ và bay đến Ấn Độ với lượng khí thải gần như bằng không.

Điều này nghe có vẻ như một viễn cảnh xa vời trong tương lai, nhưng nó có thể trở thành hiện thực chỉ trong vài năm nữa.

Theo Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger, di chuyển trên không sẽ tiến tới hoàn toàn sử dụng bằng điện: “Câu hỏi không phải là nếu, mà là khi nào thì máy bay điện sẽ phổ biến”.

Hàng chục dự án máy bay đã sẵn sàng cất cánh ở châu Âu và các nước trên thế giới. Roland Berger đã nghiên cứu 70 mô hình khác nhau, tất cả đều sẽ sớm ra mắt trên không vào năm 2030.

Máy bay điện đang là mục tiêu quan trọng của nhiều công ty nhằm đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khí thải ngặt nghèo trên thế giới.

Ưu điểm của chúng có thể kể đến như vận hành êm ái hơn, nhờ vào động cơ điện có độ ồn thấp; nếu nguồn điện sử dụng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, chúng hoàn toàn không thải ra khí thải tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của con người (hàng không là nguồn phát khoảng 2,4% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới).

Ngoài ra, máy bay điện còn đạt hiệu quả kinh tế cao do động cơ ít hỏng hóc, giảm yêu cầu bảo dưỡng (cấu tạo đơn giản hơn, không cần dầu, nước làm mát, hệ thống xả hoặc bánh răng).

Với thực tế là giá nhiên liệu truyền thống (xăng) ngày càng đắt đỏ cộng với các các ưu đãi khuyến khích điện khí hóa máy bay của nhiều nước hiện nay, tất cả đã góp phần tạo ra tương lai sáng sủa cho công nghệ mới này.

Chim sắt điện oanh tạc bầu trời: Cục diện xoay chiều đầy kinh ngạc - Ảnh 2.

Phiên bản máy bay điện Alice.

Những thách thức về công nghệ

Tuy nhiên, từ khía cạnh kỹ thuật, sự phát triển trong ngành hàng không không dễ thực hiện. Giám đốc điều hành của Airbus, Tom Enders, mô tả chuyến bay điện là một trong những “thách thức công nghiệp lớn nhất của thời đại chúng ta”.

Trong khi máy bay thông thường chạy bằng nhiên liệu đòi hỏi động cơ phản lực công suất lớn khi cất cánh nhưng yếu cầu ít năng lượng hơn khi đạt độ cao nhất định.

Trái ngược với điều này, máy bay điện lấy năng lượng từ điện tích trữ trong pin trên khoang, sau đó cung cấp cho động cơ và rôtơ điện nên đòi hỏi nguồn điện duy trì lớn.

Chiếc máy bay 9 chỗ ngồi Alice của hãng Eviation (có trụ sở tại Arlington, bang Texas, Mỹ) chuẩn bị thử nghiệm có thể bay xa nhất là 815 km.

Nhưng để làm được điều này, Alice phải mang khối pin lithium-ion nặng tới 3.720 kg, chiếm hơn nửa trọng lượng cất cánh tối đa là 6.668 kg.

Do vậy, với công nghệ pin hiện nay khi áp dụng vào những máy bay chở khách thương mại có trọng lượng trung bình vào khoảng 100 tấn thì chưa thực sự tối ưu.

Không những vậy, cơ chế sạc của máy bay điện được thực hiện như thế nào điều cần quan tâm vì máy bay điện không thể sạc pin dễ dàng như ô tô điện.

Ô tô chỉ cần đến một trạm sạc – tùy thuộc vào từng loại xe – sẽ mất khoảng một vài tiếng để sạc đầy. Tuy nhiên, với máy bay, càng sạc lâu thì càng nhiều thời gian “chết” và các hãng sẽ không có lãi.

Do những khó khăn trên, hiện nhiều công ty đang tập trung nghiên cứu phương án khả thi hơn như mô hình máy bay hybrid nhằm kết hợp cả xăng và điện, có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và có khả năng sạc pin trên không.

Với sự phát triển mạnh về công nghệ, hi vọng trong tương lai gần, công chúng sẽ sớm thấy những chiếc máy bay vận tải chạy bằng điện xuất hiện ngày càng nhiều trên bầu trời, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc đi lại của con người.

Nguồn Tin nóng