Chiến tranh Ukraina : Với Trung Quốc, « sự bất ổn là kẻ thù số 1 »

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. via REUTERS – SPUTNIK

Nga và Trung Quốc những năm gần đây không ngừng thể hiện sự gần gũi. Dựa trên nền tảng trước đây có cùng hê tư tưởng cộng sản, cả hai nước phô bày một liên minh chống mặt trận phương Tây và tìm cách thiết lập một mô hình mới thống trị thế giới. Do vậy, theo nhiều chuyên gia tại Pháp, bất luận cuộc chiến ở Ukraina có tiến triển ra sao, Trung Quốc cũng sẽ không giữ khoảng cách với Nga. Hai nước hợp nhất trong cuộc chiến vì một thế giới hậu phương Tây.

[fvplayer id=”47″]

Hai nhà độc tài, hai cách nhìn, một kẻ thù chung

Sự gần gũi đó dường như ngày càng khắng khít kể từ khi Tập Cận Bình và Vladimir Putin lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Người thứ nhất đưa ra những phát biểu chính trị của mình xung quanh những hứa hẹn một tương lai xán lạn và kinh tế giầu sang. Người thứ hai, thì ngược lại, luôn ám ảnh với việc phải tìm lại ánh hào quang thuở xưa. Tầm nhìn đi lên thành cường quốc tuy khác nhau, nhưng đôi bên cùng nhắm đến một kẻ thù chung duy nhất : Hoa Kỳ và rộng hơn nữa là phương Tây.

Nhưng mối quan hệ Nga – Trung không phải lúc nào cũng êm thắm. Những tranh cãi gay gắt về hệ tư tưởng trong suốt những năm 1950 dẫn đến hệ quả là một sự đoạn tuyệt bang giao giữa hai đại cường cộng sản trong những năm 1960 và đỉnh điểm căng thẳng là những vụ va chạm vũ trang nghiêm trọng năm 1969 dọc theo con sông ranh giới Oussouri giữa Nga và Trung Quốc. Sự kiện đã dẫn đến một sự xích lại gần ngoạn mục giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà Trung Quốc học, Jean-Pierre Cabestan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, với nhật báo Pháp Le Monde (28/03/2022), cuộc trấn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989 là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Nga – Trung. « Đấy là một thời điểm quyết định cho mối quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Sau một gian đoạn chờ thời do việc Liên Xô bị tan rã, điều nghịch lý là chính phủ Trung Quốc lại tìm thấy trong chế độ dân chủ mới non trẻ của Nga thời đó, một đối tác cốt yếu cho cuộc chiến của mình chống thế thống trị về tư tưởng và chiến lược của phương Tây, đặc biệt là thế đơn cực của Mỹ. »

Việc ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc còn đẩy nhanh mối quan hệ Nga – Trung đi xa thêm một bước. Năm 2013, một tuần sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã bay đến Nga. Trước Viện Quan Hệ Quốc Tế ở Matxcơva, lãnh đạo Trung Quốc nói đến « định mệnh chung » và tuyên bố : « Quan hệ Nga – Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Chúng là hình mẫu cho những mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể tồn tại được giữa hai cường quốc ». (Le Monde, ngày 27-28/03/2022)

Cũng theo chuyên gia Cabestan, xu hướng ngày càng trở nên chuyên chế của chế độ Putin, sự xuống cấp quan hệ Nga – phương Tây và gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung giải thích phần lớn cho điều mà ông gọi là « sự thông đồng Nga – Trung trên trường quốc tế đến mức vụ sáp nhập bán đảo Crimée bởi người có quyền lực nhất ở điện Kremlin năm 2014 đã được chấp nhận bằng một thái độ trung lập khoan dung của chính phủ ông Tập Cận Bình ».

Chiến tranh Ukraina thử thách tình bằng hữu Nga – Trung

Kể từ đó Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng, khoa học thậm chí cả trong truyền thông. Theo Le Monde (28/03/2022), người ta sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên nếu một cư dân mạng gõ « Ukraina » trên công cụ tìm kiếm Weibo của Trung Quốc, chỉ thấy một bài xuất hiện là của trang mạng Sputnik.

Nhìn từ góc độ lịch sử này, đối với nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc trong tuyên bố chung ngày 04/02 với Nga, tỏ rõ lập trường chống việc mở rộng NATO, đánh dấu kết quả của một chiến lược do ông Tập Cận Bình khởi xướng, nhằm làm sống lại « tình đồng chí » giữa hai nước « anh em » cộng sản. Alice Ekman, nhà nghiên cứu về châu Á, Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu, lý giải như sau :

« Trước hết ở đây có một sự đồng nhất ở cấp độ tuyên truyền, nhưng điều đó chưa đủ, bởi vì còn có một sự nhất quán về quan điểm, thậm chí là cả hệ tư tưởng một cách sâu sắc. Cả hai nước cùng chia sẻ mối oán hờn nhắm vào NATO và Mỹ. Bắc Kinh cho rằng Mỹ và NATO phải là những bên chịu trách nhiệm đầu tiên cho cuộc chiến ở Ukraina. Do vậy, chính họ phải là bên đưa ra các nhượng bộ để làm dịu tình hình. Ngày nay, người ta thấy rõ có nhiều sự đồng nhất giữa Bắc Kinh với Matxcơva hơn là giữa Bắc Kinh và Washington. » (France Culture ngày 26/03/2022)

Chỉ có điều, việc Nga kéo quân xâm lăng Ukraina, dường như đang đặt « tình bạn không gì lay chuyển được » giữa hai nước trước một thử thách lớn. Bắc Kinh trước thế lưỡng nan giữa một bên là lòng trung thành với hiệp ước Nga – Trung và bên kia là những mục tiêu kinh tế bị đe dọa vì liên đới đến Nga, đang hứng chịu những đòn trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

Từ đầu cuộc chiến Ukraina cho đến nay, bất chấp mức độ tàn khốc mà quân Nga giáng cho quân và thường dân Ukraina, cũng như là những lên án từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không có ý định từ bỏ đối tác Nga và luôn tìm cách nhắc lại rằng Nga là đối tác chiến lược hàng đầu, là nước láng giềng quan trọng nhất.

Tại cuộc bỏ phiếu lên án chiến tranh xâm lăng của Nga ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 02/03, Bắc Kinh không bỏ phiếu chống nhưng lại vắng mặt. Làm thế nào giải thích hành động này của Trung Quốc ? Một sự ủng hộ ngầm hay một lời nhắc nhở của Bắc Kinh dành cho Matxcơva chăng ?

Về điểm này, Jean-Maurice Ripert, cựu đại sứ Pháp ở Nga (2013-2017) và ở Trung Quốc (2017-2019), trên đài France Culture có phân tích như sau.

« Trung Quốc không lên án Nga nhưng cũng không ủng hộ NgaTrong số bốn nước ủng hộ Nga không có Trung Quốc. Im lặng hay không chọn phe là một phẩm chất lớn của Trung Quốc. Chẳng chút nghi ngờ, Trung Quốc tuyệt đối không đồng tình với các cuộc phiêu lưu quân sự ở bên ngoài bởi vì điều đó sẽ gây ra hỗn loạn. Mà sự bất ổn là kẻ thù số Một của chế độ, kể cả trên bình diện toàn cầu hóa. Nhất là trên bình diện kinh tế, bởi vì Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất của sự toàn cầu hóa. Đừng quên rằng sự bất ổn đó sẽ làm suy yếu châu Âu và như vậy cả Trung Quốc. Bởi vì châu Âu là đối tác thương mại và nhà đầu tư hàng đầu của Trung Quốc. »

Nga – Trung « đồng sàng dị mộng »

Hơn nữa, tuy Bắc Kinh và Matxcơva chia sẻ cùng một mối hận thù, một ý đồ tái cấu trúc mô hình quản trị thế giới và mối tương quan lực lượng hướng đến một sự điều hành hậu phương Tây, thì tình hữu nghị « vô bờ bến » đó không phải là không có giới hạn.

Đôi bên nhất quán về một tầm nhìn, nhưng lại dị biệt về phương thức hành động. Nước Nga của ông Vladimir Putin  dùng sức mạnh quân sự như là một đòn bẩy thiết yếu để duy trì vị thế đại cường trong khi Trung Quốc của Tập Cận Bình – cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới – lại không cần đến chiếc đòn bẩy đó.

Nhà cựu ngoại giao Pháp giải thích tiếp : « Trung Quốc cho phát triển sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường, rõ ràng đặt ra một tham vọng rất xa. Đó chính là phát triển một trật tự quốc tế mới trên thực tế sẽ làm suy yếu Liên Hiệp Quốc. Tôi hoàn toàn không tin rằng đây là điều Nga muốn. Matxcơva hiện tại rất hài lòng về tổ chức quốc tế mà ở đó họ có thể đưa ra luật chơi của mình thông qua lá phiếu phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An. »

Sự chênh lệch quá lớn về thế mạnh kinh tế cũng ám ảnh mối quan hệ giữa hai nước. Matxcơva – năm xưa là « Anh Cả Đỏ » giờ chỉ là « một chú em nhỏ », một đối tác thương mại hàng thứ 13 của Bắc Kinh, bất chấp nguồn tài nguyên dồi dào bậc nhất hành tinh và là nguồn cung vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc.

Hợp tác nhưng cũng không có nghĩa là không có cạnh tranh. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan lưu ý, « Nga và Trung Quốc tuy chia sẻ cùng tham vọng làm suy yếu sức mạnh chính trị và quân sự Mỹ, việc có cùng lợi ích vẫn chỉ mang tính hoàn cảnh chừng nào đôi bên vẫn cạnh tranh vì các tham vọng đại cường, thậm chí sức mạnh đế chế của mình ». (Le Monde ngày 27-28/03/2022)

Một quan điểm cũng được cựu đại sứ Pháp Jean-Maurice Ripert chia sẻ:

« Nga và Trung Quốc còn cạnh tranh để giành quyền lãnh đạo thế giới ngày mai ở thế lưỡng cực với Mỹ. Chẳng phải vì điều đó mà ông Putin mới dựng lại Chiến Tranh Lạnh ? Điều đó có nghĩa là gì ? Đó chính là thời kỳ mà ở đó, Nga đúng hơn là Liên Xô và Mỹ cùng quyết định số phận của thế giới. Rồi bỗng dưng ông khổng lồ Trung Quốc xuất hiện và Mỹ cũng chợt hiểu ra rằng tương lai của thế giới là ở Trung Quốc và vùng Thái Bình Dương. Nga cảm thấy bị choáng váng, không chấp nhận điều đó nhưng thử nhìn xem trên bản đồ, chẳng có lấy một dự án phát triển nào ở Nga cả. »

Tập Cận Bình – Vladimir Putin còn, quan hệ Nga – Trung vẫn nồng ấm? 

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, việc Trung Quốc vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu có thể cho thấy có một nỗi lo lắng nào đó từ Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước không mấy gì sáng sủa từ dịch bệnh Covid, khủng hoảng thị trường địa ốc, rồi giá nhiên liệu tăng do chiến sự Ukraina trong khi xuất khẩu cũng như là sức mua của người dân cũng sụt giảm…

Đối với Bắc Kinh, cuộc chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho việc phục hồi kinh tế cũng như những mục tiêu kinh tế và chính trị trong dài hạn, nhất là trong cách xử lý vấn đề Đài Loan, theo như quan điểm của ông Jean-Maurice Ripert.

« Tôi cho rằng về mặt chiến lược, Trung Quốc cần đến toàn cầu hóa và nỗi ám ảnh của nước này chính là kinh tế. Thứ hai, Bắc Kinh cũng cần có một mức tối thiểu về ổn định thế giới. Bằng chứng là Bắc Kinh âm thầm theo đuổi việc sáp nhập Hồng Kông, vi phạm những hiệp ước ký với Anh Quốc năm 1997 và nhất là trước mắt Trung Quốc, còn có triển vọng hợp nhất với Đài Loan. Do vậy, đối với Trung Quốc, thế giới yên bình là điều cực kỳ quan trọng. Mọi sự hỗn loạn trên thế giới còn làm gia tăng những điều cực đoan  và Trung Quốc không muốn như thế, đây là điểm khác biệt lớn giữa Nga và Trung Quốc. »

Dù vậy, trước những căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày một lớn, và bất chấp nguy cơ cao bị vạ lây từ các đòn trừng phạt nhắm vào Nga, theo nhà nghiên cứu Alice Ekman, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục có những tuyên bố nước đôi. Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục xích lại gần nhau chừng nào cả hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình vẫn còn nắm quyền.

« Nghĩa là Bắc Kinh sẽ không nói tăng cường hậu thuẫn trong các tuyên bố ngoài những gì Bắc Kinh đã làm. Rồi Trung Quốc cũng có thể tiếp tục gởi hàng viện trợ nhân đạo dù là rất hạn chế, có thể nỗ lực duy trì các mối quan hệ với nhiều đối tác khác nhau. Nhưng tôi cho rằng về lâu dài, Trung Quốc sẽ không xem xét lại vấn đề đối tác chiến lược với Nga vì nhiều lý do kinh tế, năng lượng và nhất là địa chiến lược, nhất là trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung gia tăng. »

RFI