‘Chiến tranh tâm lý’ của Bắc Kinh chống lại Đài Loan có thể gia tăng khi khủng hoảng Ukraine leo thang

Nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản Grant Newsham cho biết chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang quan tâm chặt chẽ đến các yếu tố toàn cầu của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại và có khả năng sẽ xem xét phản ứng của phương Tây khi đánh giá các hành động chống lại Đài Loan trong tương lai.

Các phi công của lực lượng không quân Đài Loan chạy tới chiếc chiến đấu cơ F-16V do Hoa Kỳ sản xuất và được trang bị vũ trang của họ tại một căn cứ không quân ở Gia Nghĩa, miền nam Đài Loan hôm 05/01/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Ông Newsham cho hay, nếu các đồng minh phương Tây không ứng phó thành công trước hành động gây hấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Ukraine và tìm ra cách giải quyết cuộc khủng hoảng, thì Bắc Kinh có thể sử dụng thất bại đó để mở rộng chiến dịch chiến tranh tâm lý chống lại Đài Loan.

“Chiến tranh tâm lý, cố gắng làm hao mòn lực lượng kháng cự, là một phần trong chiến lược của Trung Quốc. Và nó sẽ có ảnh hưởng nếu người Đài Loan không nghĩ rằng có ai đó ở đó để thực sự hỗ trợ họ,” ông Newsham nói.

Trình bày với chương trình “American Thought Leaders” (“Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”) của EpochTV tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Orlando, Florida hôm 26/02, ông  Newsham nói rằng Bắc Kinh đã chơi trò mèo vờn chuột với một Đài Loan nhỏ hơn và yếu hơn về mặt quân sự trong nhiều năm, và gần đây được khuyến khích bởi việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, vốn bị nhiều người chỉ trích là một thất bại chiến lược.

Ông Newsham cho biết, các quan chức Trung Quốc đang “chú ý” về tình hình hiện tại ở Đông Âu và chờ diễn biến tiếp theo. Nếu ông Putin hoàn thành mục tiêu của mình và rút quân với một phần lớn lãnh thổ Ukraine mà không có hậu quả bất lợi thực sự nào từ cuộc xâm lược của ông ta, thì điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện tham vọng lãnh thổ của mình.

Ông nói, “Quý vị phải nhìn vào hồ sơ của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Và, quý vị biết đấy, ngay cả chúng ta cũng lo lắng. Vì vậy, quý vị có thể tưởng tượng người Đài Loan đang cảm thấy như thế nào. Đó là những gì quý vị đang thấy ở Á Châu. Trung Quốc đang chú ý và Đài Loan cũng đang theo dõi.”

Khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/02, một số nhà quan sát suy đoán rằng Bắc Kinh có thể cố gắng lợi dụng sự chú ý của thế giới về sự kiện đó như một vỏ bọc cho hành động gây hấn chống lại Đài Loan, có thể bao gồm cả việc đổ bộ lực lượng quân sự lên hòn đảo này. Ngay cả trước các sự kiện ở Ukraine, một số người đã tự hỏi liệu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cố gắng sử dụng sân khấu của Thế vận hội Mùa Đông để làm vỏ bọc cho hành động chống lại Đài Loan hay không, ông Newsham nhớ lại.

Trái ngược với những dự đoán đó, ông Newsham không nhìn thấy mối đe dọa ngay lập tức đối với hòn đảo tự trị này. Cho đến nay, Bắc Kinh đã hạn chế sử dụng một trong hai sự kiện trên như một hành động đánh lạc hướng, nhưng điều đó không có nghĩa là các quan chức cộng sản không quan tâm đến tác động của cuộc xâm lược Ukraine khi họ cân nhắc các bước đi tiềm năng.

“Suy nghĩ của tôi là, họ có thể sẽ đợi một thời gian và xem chiến dịch của Nga đối với Ukraine diễn ra như thế nào,” ông Newsham nói.

“Liệu Nga có bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính tàn khốc như vậy không? NATO có thực sự thức tỉnh quân sự? Liệu chính phủ Tổng thống Biden có làm điều gì đó như thiết lập lại độc lập về dầu mỏ hay độc lập về năng lượng không? Họ có cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào là họ sắp sửa có đưa hệ thống tài chính của mình về đúng hướng không? Họ có cho thấy họ sẽ tài trợ cho quân đội theo cách mà họ nên làm không?”

Phạm vi của cuộc xâm lược tiềm tàng

Ông Newsham cho biết, một khi Bắc Kinh đưa ra kết luận từ cuộc khủng hoảng Ukraine và các sự kiện địa chính trị khác gần đây, họ có thể có các hành động chống lại Đài Loan, chống lại các mục tiêu chiến lược ở Biển Đông, hoặc thậm chí có thể chống lại Nhật Bản.

“Từ khoảng 10 năm trước, đã thực sự rõ ràng rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với Nhật Bản là không thể nhầm lẫn. Và người Nhật đã thức tỉnh [trước mối đe dọa], nhưng họ còn lâu mới tiến nhanh được,” ông nói.

Ông Newsham mô tả quân đội Nhật Bản là “phụ thuộc một cách bệnh lý” vào quân đội Hoa Kỳ để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hậu cần, đặc biệt vì hiến pháp của Nhật Bản thời hậu Thế chiến II đã hạn chế nghiêm trọng các nguồn lực và khả năng chiến đấu của Nhật Bản.

Mặc dù đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đã kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột Ukraine thực hiện kiềm chế, ông Newsham bày tỏ sự hoài nghi về lợi ích của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, và nói rằng ông coi Nga và Trung Quốc đã bước vào một “cuộc hôn nhân hợp đồng.”

Ông Newsham nói: “Cả hai nước đều coi những gì nước kia làm là một cách để hạ thấp Hoa Kỳ, và thậm chí có thể chỉ gây khó hiểu cho Hoa Kỳ đến mức họ không thể phản ứng lại.”

Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).

Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”. Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny”.

Phong Kỳ