Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc

Người biểu tình ở Manila ngày 21/06/2019 dẫm lên cờ Trung Quốc để phản đối sự kiện một tàu Trung Quốc tấn công tàu Philippines. © AP Photo/Aaron Favila, File

Theo chuyên gia Derek Grossman (*) trên Nikkei Asia Review ngày 12/09/2020, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump đã tăng tiến mạnh trong những tháng gần đây, nhằm đạt mục tiêu duy trì một khu vực tự do và rộng mở trước sự hung hăng của Trung Quốc. Thật là trớ trêu khi chính Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cũng như các bên tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, rồi nay thậm chí còn gây hấn với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, đã dẫn đến một sự đồng thuận tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, rằng việc giương oai diễu võ của Trung Quốc là một hành động không được hoan nghênh trong khu vực.

Nhiều quốc gia liên quan đã tăng cường sâu sắc quan hệ an ninh với nhau và với Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu mối đe dọa. Nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến, sẽ có thêm những nước khác có thể đi theo, khiến Trung Quốc càng bị cô lập hơn.

Tạm lấy ví dụ Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quad) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bốn quốc gia này đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và các chuẩn mực hành vi quốc tế trên cơ sở luật lệ. Sự hợp tác an ninh của Bộ Tứ ngày càng sâu hơn.

Hôm 01/07/2020, bộ Quốc Phòng Úc đưa ra chiến lược cập nhật và kế hoạch bố trí lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý kết thúc việc đối đầu quân sự dọc theo vùng biên giới tranh chấp, nhưng hậu quả thì đã rõ. Giờ đây ngay cả những người ủng hộ Trung Quốc nhiệt thành nhất tại Ấn Độ cũng trở nên cứng rắn hơn.PUBLICITÉ

Rồi đến ngày 14/07, Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng thường niên, tố cáo các mưu toan đơn phương không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm « thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng bức ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ».

Thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng có nghĩa là Washington đang có quan hệ khá tốt ở Đông Nam Á – vùng cạnh tranh ảnh hưởng chủ yếu.

Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ, và là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 09/09, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định : « Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp nhanh nhạy, mang tính xây dựng của Hoa Kỳ trước nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông ».

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Việt Nam cập nhật chính sách quốc phòng « Ba Không » tháng 11 năm ngoái, nêu rõ Hà Nội sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh, nhưng nếu bị gây chiến, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ với các đối tác của mình – có thể hiểu là Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang củng cố quan hệ an ninh với một loạt các quốc gia khác, trong đó có Úc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Còn tại những nước khác trong khu vực, Malaysia đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc công hàm ngày 29/07, bác bỏ « toàn bộ » những yêu sách lâu nay của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Trước đó ngày 02/06, tổng thống thân Trung Quốc và chống Mỹ của Philippines, Rodrigo Duterte, đã hoãn lại quyết định về việc có chấm dứt thỏa ước VFA (Visiting Forces Agreement) hay không, chủ yếu do Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trên Biển Đông. Thỏa thuận này cho phép Mỹ đưa quân đến và tập trận tại Philippines để đối phó với những tình huống bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Indonesia hôm 22/07 đã tổ chức một cuộc tập trận lớn trong khu vực, rõ ràng nhằm ngăn chận việc Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ngay cả Brunei, vốn lặng lẽ nhất trong các bên yêu sách, ngày 20/07, đã gây ngạc nhiên khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) để giải quyết tranh chấp.

Đài Loan cũng cam kết duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hòn đảo này phải đối mặt với áp lực không ngừng tăng lên của Trung Quốc trên mọi mặt, và như vậy Bắc Kinh đã góp phần vào những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.Cách hành xử tồi tệ của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy các quốc gia bên ngoài khu vực ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đáng chú ý nhất là Anh và Pháp trong năm 2018 đã tham gia các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải, hiện diện trên Biển Đông để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Hôm 17/06, Anh, Pháp cùng với các nước khác trong nhóm G7, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.

Tất nhiên không phải tất cả các nước trong khu vực đều cảm thấy thoải mái khi ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Washington không nên chờ đợi nhiều từ Cam Bốt, Lào, Miến Điện ; hoặc đáng ngại hơn là Thái Lan, nước vẫn là đồng minh của Mỹ. Cảnh báo của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 29/07 rằng Hoa Kỳ nên ngưng « coi Trung Quốc là kẻ thù », cũng khiến Washington tạm lơi tay. Singapore trên thực tế là đồng minh về an ninh, vốn là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, là trái tim của khu vực.

Và việc nhiều nước ủng hộ mục tiêu của Hoa Kỳ, không nhất thiết có nghĩa là họ đã chọn lựa Washington thay vì Bắc Kinh. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều muốn giữ thế trung lập, để tránh đối kháng với bên này hoặc bên kia.

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng lo lắng trước những hành vi của Trung Quốc, và nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì, Bắc Kinh có thể xa rời họ hoặc các nước khác nữa. Rất có thể những quốc gia này sẽ ủng hộ tích cực hơn các mục tiêu của Mỹ.

Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tuần trước đã bắt đầu đi thăm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines để vận động.

Nếu quan hệ không được thúc đẩy trở lại, Bắc Kinh có thể sẽ phải dựa vào những người bạn ít ỏi tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương  như Bắc Triều Tiên, Pakistan, Cam Bốt, Nga. Đó sẽ là một thảm họa.

(*) Chuyên gia Derek Grossman từng là cố vấn Lầu Năm Góc, hiện là nhà phân tích của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation.

RFI