Chiến hạm tàng hình Mỹ sẽ mang 12 tên lửa siêu vượt âm

Hải quân Mỹ dự định gắn ống phóng cùng 12 tên lửa siêu vượt âm cho các khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt để tăng khả năng tấn công.

Trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2022, Bộ Hải quân Mỹ đưa ra yêu cầu cấp kinh phí để đưa tên lửa siêu vượt âm thuộc chương trình Vũ khí Tấn công Thông thường (CPS) lên ba khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt.

Việc trang bị tên lửa siêu vượt âm cho chiến hạm lớp Zumwalt cho phép các tàu khu trục tàng hình này có khả năng “tấn công tầm xa và linh hoạt” nhằm “tận dụng khả năng tàng hình để thực hiện các đòn tấn công chính xác và giảm nguy cơ bị phản công”, tài liệu ngân sách được công bố hôm 9/6 cho biết.

Để làm được việc đó, hải quân Mỹ đề xuất cải tiến các chiến hạm lớp Zumwalt để lắp hệ thống phóng lạnh có thể mang tới 12 tên lửa CPS trên mỗi tàu.

Yêu cầu ngân sách lắp tên lửa siêu vượt âm lên khu trục hạm lớp Zumwalt nằm trong gói ngân sách trị giá 211,7 tỷ USD cho năm tài khóa 2022 của hải quân Mỹ, nhằm thay đổi cách chiến hạm tàng hình tác chiến trong xung đột tương lai.

Hải quân Mỹ ban đầu định sử dụng khu trục hạm lớp Zumwalt để tấn công các mục tiêu ven biển bằng hai pháo điện từ 155 mm mang tên Hệ thống Pháo tiên tiến (AGS). Đây là loại pháo lớn nhất được Mỹ chế tạo và trang bị cho chiến hạm từ sau Thế chiến II, có thể bắn 10 phát đạn mỗi phút nhằm vào mục tiêu cách vị trí khai hỏa hơn 150 km.

Tuy nhiên, hải quân Mỹ đã phải cắt giảm số khu trục hạm lớp Zumwalt từ 30 chiếc như dự tính xuống còn ba chiếc do chi phí đạn pháo AGS quá cao. Mỗi viên đạn loại này trị giá gần một triệu USD, khiến hải quân Mỹ phải xem xét lại cấu hình vũ khí cho chiến hạm lớp Zumwalt.

Hải quân Mỹ sau đó thay đổi nhiệm vụ của khu trục hạm lớp Zumwalt từ tấn công mục tiêu trên đất liền sang tác chiến trên biển nhằm biến chúng thành “sát thủ diệt hạm tàng hình”, song cấu hình vũ khí mới vẫn thuộc diện nghi vấn.

Năm 2018, phó tư lệnh hải quân Mỹ khi đó là đô đốc William Moran, nói quân chủng “đã xác định tương lai tốt nhất cho các khu trục hạm lớp Zumwalt là triển khai với khả năng sẵn có, tách chúng khỏi chương trình AGS và để nguyên những thứ còn lại”.

Moran nói chiến hạm lớp Zumwalt sở hữu những công nghệ tiên tiến của nhất của hải quân Mỹ và sẽ là “ứng viên cho bất cứ hệ thống vũ khí tiên tiến nào mà chúng tôi phát triển”. Chiến hạm Zumwalt năm ngoái thử pháo hải quân tốc độ cao Mk.42 Mod 2 30 mm và phóng tên lửa phòng không và diệt hạm SM-2.

Khu trục hạm USS Zumwalt phóng tên lửa SM-2 từ ống phóng Mk.57 trong cuộc thử nghiệm tháng 10/2020. Ảnh: US Navy.

Khu trục hạm USS Zumwalt phóng tên lửa SM-2 từ ống phóng Mk.57 trong cuộc thử nghiệm tháng 10/2020. Ảnh: US Navy.

Trong yêu cầu ngân sách mới, hải quân Mỹ dường như khai tử chương trình pháo điện từ sau 16 năm nghiên cứu khi loại hai khoản chi cho các dự án phát triển. Công nghệ cùng kiến thức về pháo điện từ sẽ được đưa vào lưu trữ và bảo quản, tài liệu ngân sách của hải quân Mỹ cho biết.

Đô đốc Mike Gilday, tư lệnh hải quân Mỹ, hồi tháng 4 xác nhận khu trục hạm lớp Zumwalt sẽ là chiến hạm đầu tiên được trang bị tên lửa siêu vượt âm, bao gồm CPS. Sau khi hoàn tất lắp tên lửa siêu vượt âm cho khu trục hạm lớp Zumwalt, hải quân Mỹ sẽ trang bị chúng cho tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia.

CPS là chương trình vũ khí siêu vượt âm do lục quân và hải quân Mỹ hợp tác phát triển và thử nghiệm thành công hồi tháng 3/2020, sử dụng Phương tiện lướt Siêu vượt âm Chung (C-HGB) nhằm nâng cao năng lực vũ khí thông thường của Mỹ với “tầm bắn xa hơn, thời gian bay thấp hơn và khả năng sống sót cao hơn trước hệ thống phòng thủ của đối phương”.

C-HGB được phóng bằng tên lửa đẩy thông thường, sau đó tách ra và lao tới mục tiêu với tốc độ Mach 5, nhanh hơn âm thanh 5 lần, đồng thời duy trì khả năng cơ động cao để thay đổi đường bay. Các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện tại được cho là chưa thể đánh chặn các loại vũ khí siêu vượt âm.

Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)