Chiến dịch “như sách giáo khoa”: Israel một tay xóa sổ không quân Ả Rập, thống trị bầu trời Trung Đông

Các máy bay Dassault Mirage IIICJ của không quân Israel (Ảnh: OOCITIES.ORG)
Nghe đọc bài

Chiến dịch này của Không quân Israel (IAF) đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho các cuộc không kích phủ đầu nhằm tiêu diệt lực lượng không quân của đối phương.

Thắng lợi của chiến dịch đã mở đường cho cuộc tiến công của quân đội Israel (IDF) vào Bán đảo Sinai và giúp Israel thống trị bầu trời Trung Đông trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Israel chuẩn bị thế nào trước Chiến tranh 6 ngày?

Trong khoảng thời gian cận kề Chiến tranh 6 ngày vào đầu tháng 6/1967, căng thẳng giữa Israel và các quốc gia láng giềng Ả Rập, gồm Ai Cập, Jordan và Syria, đã lên rất cao.

Với việc các quốc gia láng giềng Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập, được trang bị phương tiện và vũ khí của Liên Xô và tỏ thái độ ngày càng thù địch với sự tồn tại của Israel, IDF đã tăng cường chuẩn bị cho các hành động tấn công.

Trong tình thế bị bao vây bởi liên quân Ả Rập ở ba mặt và Địa Trung Hải xanh thẳm ở mặt còn lại, Israel đã hạ quyết tâm tấn công trước và giành chiến thắng nhanh chóng.

Một trong những thành phần quan trọng của kế hoạch này là Chiến dịch Moked (Tiêu điểm) được IAF thiết kế để tiêu diệt gọn Không quân Ai Cập ngay trên mặt đất, từ đó giúp duy trì ưu thế trên không cho IDF.

Sự thành bại của cuộc không kích này sẽ quyết định thành bại các chiến dịch của IDF. Chiến dịch Moked được lên kế hoạch ngay sau Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 và được điều chỉnh ngay trước thềm cuộc Chiến tranh 6 ngày.

Moked là “đứa con tinh thần” của Chuẩn tướng Mordechai Hod và các sĩ quan cấp cao khác của Không quân Israel.

Về tương quan lực lượng, quân số và khí tài của Israel ít hơn nhiều so với lực lượng kết hợp của quân đội ba nước Ả Rập – Ai Cập, Jordan và Syria. Liên quân Ả Rập có 328.000 quân, 2.300 xe tăng, 1.800 thiết vận xa (APC), 2.200 ụ phòng không (bao gồm cả các khẩu đội SAM) và gần 700 máy bay chiến đấu các loại.

Phần lớn các máy bay do Không quân Ai Cập điều khiển. Tất cả những máy bay này đều do Liên Xô cung cấp: máy bay chiến đấu MiG-17, máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-19, máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-21, máy bay ném bom chiến lược Tu-16 và máy bay ném bom hạng trung Il-28.

Chiến dịch như sách giáo khoa: Israel một tay xóa sổ không quân Ả Rập, thống trị bầu trời Trung Đông - Ảnh 1.

Ba tiêm kích MIG-21 bị phá hủy trước hangar ở một căn cứ không quân phe Ả Rập trong cuộc không kích của không quân Israel (Ảnh: OOCITIES.ORG)

Trong khi đó, IAF chỉ có 196 máy bay chiến đấu ở tiền tuyến. Gần như tất cả đều là máy bay do Pháp sản xuất đã được cải tiến: máy bay ném bom hạng nhẹ Sud Aviation, máy bay ném bom chiến đấu Dassault Ouragon, máy bay chiến đấu Dassault Super Mystere và 76 máy bay chiến đấu Dassault Mirage IIICJ.

Nhận thức được mức độ chênh lệch lực lượng này, người Israel đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho Chiến dịch Moked. Họ sử dụng một loại bom xuyên đường băng dựa trên thiết kế của Pháp, dùng dù để kích hoạt tên lửa, đẩy đầu đạn xuyên qua bề mặt bê tông, tạo ra một miệng hố khiến máy bay Ai Cập không thể cất cánh.

IAF có có 3 phi công phụ trách trên mỗi máy bay chiến đấu nhằm đảm bảo luôn có sẵn nhân sự thay thế cho các phi công mệt mỏi hoặc bị thương.

IAF cũng đã xây dựng một số căn cứ trên sa mạc Negev mô phỏng theo các căn cứ không quân của Ai Cập. Tại đây, các phi công Israel có cơ hội diễn tập tấn công trước khi thực sự bắt đầu chiến dịch. Ngoài phi công, các thành viên phi hành đoàn cũng được huấn luyện để có thể tái trang bị và tiếp nhiên liệu cho máy bay một cách nhanh chóng. Như vậy, họ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mỗi ngày.

Kết quả, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của các máy bay Israel là 90%. Điều này cho phép gần như tất cả các máy bay chiến đấu của IAF có thể tham chiến cùng lúc vào ngày 5/6 – ngày ấn định để mở Chiến dịch Moked. Trong khi đó, tỷ lệ này của người Ai Cập chỉ là 30%.

Kế hoạch của IAF rất phức tạp. Các mục tiêu chính của Chiến dịch Moked là tiêu diệt máy bay ném bom Tu-16 và Il-28 của Ai Cập có tầm bắn trúng Israel, và máy bay chiến đấu MiG-21 – loại máy bay chiến đấu có khả năng tốt nhất trong Không quân Ả Rập. Các mục tiêu phụ bao gồm việc phá hủy các sân bay và hệ thống phòng không. Điều này sẽ cản trở người Ai Cập điều khiển máy bay chiến đấu để đánh chặn máy bay Israel và cho phép các lực lượng của Israel tiếp tục các cuộc tấn công với ít rủi ro hơn từ hỏa lực mặt đất.

Thiên thời địa lợi cho Israel

Vào lúc 7h10 sáng ngày 5/6 theo giờ Israel, 16 máy bay huấn luyện Magister Fouga cất cánh, giả vờ đang bay tuần tra như những máy bay chiến đấu Mirage. Động thái này không gây chú ý vì việc máy bay Israel bay tuần tra xung quanh các quốc gia Ả Rập mỗi sáng đã thành thói quen hàng ngày bình thường.

Nhưng chỉ 5 phút sau, lúc 7h15 sáng, 183 máy bay chiến đấu, tương đương 95% phi đội chiến đấu của IAF, bắt đầu lao lên không trung. Chỉ có 12 máy bay chiến đấu ở lại làm nhiệm vụ phòng không.

Các máy bay chiến đấu tiến về phía tây, bay trong 18 phút, trước khi quay sang phía nam. Tức là, chúng bay ra Địa Trung Hải rồi mới vòng về phía Ai Cập.

Máy bay Israel bay ở độ cao cực thấp (dưới 18 mét) và với tốc độ cao để tránh các lực lượng phòng không. Mặc dù điều này có nghĩa là chúng vẫn có khả năng nằm trong tầm ngắm của hỏa lực mặt đất, nhưng nó đã loại bỏ mối đe dọa từ loại hình phòng không nguy hiểm nhất mà người Ai Cập có lúc bấy giờ: tên lửa đất đối không SA-2 (SAM). SA-2 là một vũ khí chết người, nhưng nó chỉ hiệu quả ở độ cao hơn 4.000 foot (tương đương 1.219 m).

IAF cho các máy bay của mình bay ở độ cao thấp hơn khả năng phát hiện của radar Ai Cập. Trong khi đó, các nhà khai thác radar của Jordan, nhận thấy số lượng bất thường của máy bay Israel trên không vào ngày hôm đó, đã gửi một cảnh báo mã hóa cho người Ai Cập. Nhưng điều trớ trêu là người Ai Cập đã đổi mã mà không thèm thông báo cho người Jordan biết.

Thực ra cảnh báo của phía Jordan, giả sử phía Ai Cập có nhận được, thì cũng không tạo ra khác biệt lớn. Người Ai Cập đã hoàn toàn mất cảnh giác với cuộc tấn công của IAF.

“Thay vì tấn công vào lúc bình minh, IAF quyết định đợi đến 7h45 sáng, theo giờ Israel, tức 8h45 sáng theo giờ Ai Cập,” Simon Dunstan – tác giả cuốn Cuộc chiến 6 ngày: Chiến dịch Sinai – viết.

“Vào lúc này, sương mù buổi sáng trên đồng bằng sông Nile đã tan. Lực lượng tuần tra rạng sáng của Ai Cập đã trở lại căn cứ nơi các phi công đang ăn sáng. Thậm chí, nhiều phi công và phi hành đoàn mặt đất vẫn còn đang trên đường đến chỗ làm.”

Có một điều thuận lợi hơn cho người Israel: Khi các máy bay Israel xuất kích cũng là khi các chỉ huy Ai Cập, bao gồm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Thống chế Abdel-Hakim Amer, và Tư lệnh không quân, Tướng Mohammad Sidqi Mahmoud, đang trong một chuyến bay thị sát đến Bán đảo Sinai.

Sợ rằng các xạ thủ phòng không Ai Cập sẽ nhầm máy bay của họ với máy bay Israel và bắn hạ, các vị chỉ huy đã ra lệnh cho cấp dưới không được bắn vào bất kỳ máy bay nào bay ngang qua vào thời điểm đó.

Ngay khi tiếp cận các mục tiêu tương ứng, các máy bay chiến đấu của Israel đột ngột leo lên độ cao 9.000 foot (tương đương 2.743 m) để bắt đầu các đợt tấn công.

Đòn phủ đầu choáng váng các nước Ả Rập

Đợt tấn công đầu tiên, với mục tiêu là 10 sân bay Ai Cập, chỉ kéo dài 80 phút. Sau 10 phút tạm lắng, đợt tấn công thứ hai bắt đầu, nhắm vào 14 sân bay khác. Đợt tấn công thứ hai cũng kéo dài 80 phút.

Đến 9h00 sáng ngày 5/6/1967, theo giờ Ai Cập, hai căn cứ ở Ai Cập và bốn căn cứ trên Bán đảo Sinai đã bị phá hủy hoàn toàn. Quân Ai Cập đã lầm tưởng rằng Israel đã bí mật tập trung một lực lượng không quân khổng lồ.

Tuy nhiên, sự thật là các phi hành đoàn mặt đất của Israel mất chưa đầy 8 phút để tái trang bị và tiếp nhiên liệu cho các máy bay trở về từ đợt tấn công đầu tiên. Điều này giúp các máy bay đã tham gia tấn công có thể tiếp tục ngay trong đợt thứ hai.

Sau 170 phút — chỉ chưa đầy ba giờ — Ai Cập đã mất 293 trong số gần 500 máy bay, bao gồm tất cả các máy bay ném bom Tu-16 và Il-28 do Liên Xô sản xuất đã từng đe dọa các thành phố của Israel, cũng như 185 máy bay chiến đấu MiG.

Phía Israel chỉ mất 19 máy bay, hầu hết là do trúng hỏa lực mặt đất.

Chiến dịch như sách giáo khoa: Israel một tay xóa sổ không quân Ả Rập, thống trị bầu trời Trung Đông - Ảnh 3.

Các máy bay Ai Cập bị phá hủy trong chiến dịch Moked của Israel (Ảnh: Government Press Office of Israel)

Ngày của Không quân Israel vẫn chưa kết thúc. Chiều ngày 5/6, IAF chuyển mục tiêu sang các lực lượng không quân Ả Rập khác. Các sân bay của Syria và Jordan cũng bị tấn công. Căn cứ không quân H3 của Iraq cũng không thoát khỏi số phận bi đát.

Syria mất 2/3 lực lượng không quân, với 50 máy bay bị phá hủy trên mặt đất. Jordan mất toàn bộ 28 máy bay Hawker Hunters.

Israel “xóa sổ” không quân Jordan, Syria

Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, từ ngày 5 đến ngày 10/6, các nước Ả Rập đã mất 450 máy bay, còn Israel mất 46 máy bay – tương đương gần 25% lực lượng chiến đấu của IAF. Nhưng đổi lại, IAF đã tiêu diệt toàn bộ Không quân Jordan, toàn bộ Không quân Syria và hầu hết Không quân Ai Cập.

Khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của IAF bay lên bầu trời sáng ngày 5/6/1967, Israel đã giành chiến thắng mở màn trong cuộc Chiến tranh 6 ngày.

Sau 2 ngày giao tranh đầu tiên, lực lượng không quân Ả Rập về cơ bản đã bị xóa sổ. IAF được tự do hỗ trợ IDF về mặt chiến thuật, gây ra tổn thất thảm khốc về người và vật chất cho các cánh quân Ai Cập vốn bị mắc kẹt trong các con đèo hẹp.

Việc IAF thống trị trên bầu trời và cung cấp hỗ trợ chiến thuật hiệu quả đã giúp IDF nhanh chóng đánh bại một phần quân đội Ả Rập và chiếm toàn bộ Bán đảo Sinai chỉ trong vòng vài ngày.

Chiến dịch Moked vẫn là một trong những cuộc không kích thành công nhất trong lịch sử quân sự. Có lẽ, về mặt quy mô và tầm quan trọng, nó chỉ đứng sau các cuộc không kích trong thời kỳ đầu của Chiến dịch Barbarossa – mở màn cuộc xâm lược của phát xít Đức vào Liên Xô năm 1941.

Dù sao chăng nữa, Chiến dịch Moked chứng minh rằng Không quân Israel là một trong những lực lượng không quân tinh nhuệ nhất trên thế giới. Và thành công của Moked có được phần lớn là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự lên kế hoạch chi tiết, sự chuẩn bị tỉ mỉ và căn chỉnh thời điểm chính xác đến từng giây của người Israel./.

Theo SOHA