Chân dung cộng đồng Á Châu tại Mỹ 2020

Nghe đọc bài

Kể từ năm 1992, Tháng Năm hàng năm được công nhận là tháng Di sản Người Mỹ Châu Á-Thái Bình Dương (Asian/Pacific American Heritage) nhằm ghi nhận sự phát triển và đóng góp của cộng đồng gốc Á Châu tại Hoa Kỳ. Sự phát triển và thành tựu của sắc dân gốc Á Châu là một minh chứng cho sức mạnh của giấc mơ Mỹ. Nhân dịp này, chúng ta thử điểm qua chân dung cộng đồng gốc Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay như thế nào.

Năm 1978, một nghị quyết được quốc hội thông qua và công nhận tuần đầu tiên của tháng Năm là Tuần lễ Di sản Châu Á-Thái Bình Dương (Asian/Pacific American Heritage Week). 10 ngày đầu tháng năm trùng hợp với hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cộng đồng Á Châu, khi những người Nhật di dân đầu tiên đến Hoa kỳ là vào ngày 7 tháng 5 năm 1843 và hệ thống đường rầy xe lửa được các nhân công từ Trung Hoa lục địa sang làm việc đã hoàn tất đầu tháng 5 năm 1869. Năm 1992, quốc hội đã sửa đổi nghị quyết này và công nhận suốt cả tháng Năm là Tháng Di sản Á Châu, khi cộng đồng Á Châu ngày càng phát triển mạnh mẽ trên đất nước Hoa Kỳ.

Từ sau năm 1992, các hoạt động văn hóa và lễ hội của các sắc dân Á Châu vẫn được tổ chức trong suốt tháng Năm tại nhiều địa phương trên đất Mỹ. Bên cạnh sự phối hợp tổ chức giữa các nhóm đại diện các sắc dân Á Châu, một số cộng đồng mạnh còn tổ chức cho riêng mình những sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật, lịch sử nhằm kỷ niệm tháng Di sản Á Châu, cũng như giới thiệu những nét riêng biệt của đất nước mình đến các cộng đồng bạn hay người bản xứ với niềm hãnh diện về di sản và văn hóa riêng biệt của mình. Dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã ngăn trở các hoạt động tưởng niệm hàng năm nhưng một số nơi cũng đã tổ chức một số chương trình kỷ niệm cách này hay cách khác.

Kể từ những thế hệ di dân đầu tiên như những nhân công làm đường xe lửa, phu hầm mỏ, thợ đào vàng… vào giữa thế kỷ 19, cộng đồng Á Châu là một trong những cộng đồng thiểu số phát triển liên tục và đóng góp khá lớn vào sự phát triển chung của Hiệp chủng quốc. Điều trội bật có thể ghi nhận hiện nay là trình độ học vấn và mức thu nhập trung bình của cộng đồng Á Châu đã vượt trội hơn người bản xứ. Một vài nét chính về cộng đồng Á Châu theo các số liệu từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cũng như các cuộc khảo sát khác nhau theo sau:

1. Dân số

Hiện nay có khoảng 22 triệu người dân gốc Á Châu-Thái Bình Dương đang sinh sống tại Hoa Kỳ, chiếm khoảng trên 6 % dân số Hoa Kỳ. Tiểu bang California có đông người gốc Á Châu nhất, với khoảng 6.7 triệu người, theo sau là các tiểu bang New York là 1.8 triệu người và Texas vào khoảng 1.6 triệu người. Tại Hawaii, tiểu bang duy nhất có người gốc Châu Á chiếm đa số với 54% tỉ lệ dân. Hơn một nửa người gốc Á, khoảng 13.4 triệu người là sinh ngoài nước Mỹ.
Tỉ lệ gia tăng nhân số của nhóm dân Á Châu từ năm 2008 đến năm 2018 khoảng 26 %, cao nhất so với bất cứ sắc dân nào khác.

Cộng đồng người Hoa là cộng đồng đông nhất tại Mỹ với tổng cộng 5 triệu người, theo sau là Ấn Độ với 4.4 triệu người, Phi Luật Tân với 4 triệu người, Việt Nam hàng thứ tư với 2.2 triệu người, Đại Hàn 1.9 triệu và Nhật Bản vào khoảng 1.5 triệu người. Sáu nhóm dân Á Châu này đã chiếm khoảng trên 85 % tổng số người Châu Á-Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ hiện nay.

2. Tình trạng tài chính:

Thu nhập trung vị mỗi gia đình (median household income) của cộng đồng Á Châu nhìn chung khá cao, với mức $81,331 (trên 50% số gia đình có trên mức thu nhập này), cao nhất so với người bản địa và các cộng đồng chủng tộc khác.  Thu nhập trung vị gia đình tại Mỹ tính chung các sắc dân nói chung là $63,179, cũng theo cùng số liệu năm 2018. Khoảng 51.8 % gia đình gốc Á có thu nhập trên $100,000 so với tỉ lệ chung là 39.4. Có 24 % gia đình gốc Á có thu nhập từ $150,000 trở lên so với 6.1 % của cộng đồng Mỹ gốc Phi Châu và 7.3 % của cộng đồng Mỹ La Tinh.

Con số này thay đổi theo từng sắc dân khác nhau, như cộng đồng Ấn Độ cao nhất là $101,591 và người gốc Việt là $65,643. Tuy nhiên số gia đình Á Châu trong mức nghèo khổ cũng gia tăng, chiếm khoảng 12 %, so với 9.6 % dân Mỹ.

3. Học vấn và việc làm:

Cộng đồng Á Châu là cộng đồng có học vấn cao nhất tại Mỹ, khi có đến 57.7 % những người trên 25 tuổi có trình độ đại học hoặc cao hơn, trong khi tỉ lệ chung này chỉ ở mức 36 % tại Mỹ. Tương tự, ở trình độ hậu đại học với các bằng cấp cao học, tiến sĩ và chuyên môn thì người gốc Á Châu đạt đến tỉ lệ 24.6 % với người trên 25 tuổi, so với tỉ lệ chung là 13.5 %. Tỉ lệ đạt trình độ trung học của người Á Châu và người Mỹ trên 25 tuổi đều ngang nhau, ở mức 90 %. Tuy nhiên , tỉ lệ này xuống thấp với một số cộng đồng Đông Dương như Việt Nam chỉ đạt tỉ lệ đại học ở mức 26 % và cộng đồng Lào, Cambodia chỉ đạt mức 16 % so với Ấn Độ là 78%, người Đại Hàn, Hoa là 52 %.

Trình độ học vấn cao của người Á Châu đã dẫn đến mức thu nhập cao hơn các sắc dân khác. Và cũng vì điều này, tài chính và thành công cá nhân đạt được qua học vấn nên xu hướng nhắm đến các môn khoa học thực dụng và nghề nghiệp chuyên môn là phổ biến trong cộng đồng Á Châu.  Điều đáng chú ý là cộng đồng Á Châu làm việc ngành y tế với tỉ lệ khá cao khi một trong năm bác sĩ tại Mỹ hiện nay là gốc Á Châu.

Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy.

Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy. Courtesy: floridapolitics.com

4. Sức mạnh chính trị

Trong mùa bầu cử tổng thống 2016, người gốc Á Châu đã đi bầu cao hơn mùa bầu cử năm 2012 đến gần 1.2 triệu phiếu. Tổng cộng đã có đến 5 triệu lá phiếu người gốc Châu Á đã tham gia bầu cử, chiếm khoảng 49% số lượng cử ghi đủ tiêu chuẩn tham gia bầu cử.

Lá phiếu của cộng đồng Châu Á có xu hướng thiên về đảng Dân Chủ, với khoảng hai phần ba đã bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân Chủ (thăm dò từ Edison Research). Thăm dò của tổ chức AALDEF cho thấy nhóm cử tri gốc Việt có truyền thống bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa, như với 54 % cử tri bỏ phiếu cho Thượng Nghị sĩMitt Romney và 67 % bỏ phiếu cho Thượng Nghị sĩ John McCain trong các kỳ bầu cử tổng thống trước đây thì năm 2016 chỉ có 32 % cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump năm 2016, dù đây là tỉ lệ cao nhất trong các cộng đồng gốc Á Châu khác.

Có tổng cộng 17 dân biểu gốc Châu Á-Thái Bình Dương tại Quốc hội Hoa Kỳ khoá 116 hiện nay, bao gồm 14 dân biểu tại Hạ viện và 3 Thượng Nghị sĩtại Thượng viện. Tất cả đều thuộc về Đảng Dân Chủ. Hạ viện còn có 3 đại biểu (non-voting delegate) gốc Á đại diện các lãnh thổ Hoa Kỳ nhưng không có thẩm quyền bỏ phiếu. Ba nữ Thượng Nghị sĩtại Thượng viện là Thượng Nghị sĩTammy Duckworth (Dân Chủ, Illinois) – là một Trung tá Tiến sĩ gốc Thái Lan, Thượng Nghị sĩKamala Harris (Dân Chủ, California) – là một luật sư cựu Bộ trưởng Tư pháp California gốc Ấn Độ và Thượng Nghị sĩ Mazie Hirono (Dân Chủ, Hawaii) là Tiến sĩ Luật gốc Nhật. Dân biểu gốc Việt duy nhất tại Hạ viện là Stephanie Murphy (Dân Chủ, Florida), có tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung – là một giáo sư đại học và cựu chuyên viên Bộ Quốc phòng.

5. Hoạt động thương mại:

Về mặt thương mại, các hãng xưởng và tiểu thương do người gốc Châu Á làm chủ đã gia tăng khá nhanh, cao gấp đôi mức tăng trưởng chung của cả nước Mỹ, với tổng cộng khoảng 1.1 triệu cơ sở thương mại lớn nhỏ (số liệu năm 2018), góp phần tích cực trong hoạt động kinh tế chung với ngân sách hoạt động lên đến khoảng 700 tỉ đô la và thuê mướn nhân công lên đến 5.1 triệu người. Tuy nhiên các hoạt động thương mại này phần lớn mang tính tiểu thương và gia đình, phục vụ trong cộng đồng sắc  tộc của mình.

47% các hãng xưởng hay thương mại, dịch vụ là do người Hoa và Ấn Độ làm chủ. Hoạt động thương mại của cộng đồng gốc Á khá mạnh tại các tiểu bang như California, New York, Texas, Hawaii và New Jersey. Có ít nhất hơn 2,000 hãng do người Châu Á làm chủ đã thuê mướn trên 100 nhân viên.

5. Xu hướng phát triển:

Dân gốc Á Châu tại Mỹ ước tính sẽ đạt đến 40.6 triệu người và chiếm khoảng 9% tổng dân số Hoa Kỳ vào năm 2050. Mức gia tăng này cao gấp ba lần so với mức độ gia tăng dân số tại Mỹ nói chung, chỉ ở mức dự đoán là 44% trong cùng thời gian. Song song với việc phát triển dân số, học vấn và thu nhập, cũng như các hoạt động thương mại của sắc dân Á Châu cũng có xu hướng tăng cao trong những thập niên tới.

ĐYT (Source: Census Bureau & Pew Research Center)

Theo RFA