CEO công ty cổ phần Đại Nam hiện đang đối mặt với tố tụng hình sự

CEO công ty cổ phần Đại Nam hiện đang đối mặt với tố tụng hình sự, từ các cáo buộc ‘livestream’ thóa mạ nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo, nhà tu hành và cả người đã khuất.

Nghe đọc bài

Theo điều 331, Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,cá nhân  như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Phải chăng đây là hệ lụy của dịch giã, khi thời gian giãn cách kéo dài buộc phải dừng các hoạt động vui chơi giải trí dẫn đến “Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến” đóng băng nguồn thu, đưa đến khủng hoảng tâm lý khiến CEO của công ty cổ phần Đại Nam phải dùng đến ‘livestream’ như cách của xả xì-trét?

CEO hay  Chief Executive Officer, là  giám đốc điều hành – một trong những chức vụ cao nhất của doanh nghiệp. Là người đứng đầu của một doanh nghiệp, các CEO chịu trách nhiệm quyết định sự thành bại của tổ chức bằng việc đưa ra các quyết định cấp cao.

Có thể nói CEO là kim chỉ nam, là “ngọn hải đăng” dẫn đường cho hoạt động của doanh nghiệp. Ngồi ở vị trí cao nhất,  họ có thể cảm nhận được vị ngọt của thành công, khi doanh nghiệp mà ông/ bà lãnh đạo có tỷ lệ mức độ hài lòng của nhân sự luôn ở mức cao ngất ngưởng, tỷ lệ thuận với doanh thu và uy tín của thương hiệu trong lòng khách hàng.

Tuy nhiên, vị trí này cũng sẽ là nạn nhân của các cơn trầm cảm khi một mình hứng chịu dư luận của truyền thông, sự phản đối của cổ đông và hàng tá các phản hồi của khách hàng.

Lý thuyết quản trị kinh doanh cho biết, giám đốc điều hành cùng giám đốc kinh doanh (CCO, Chief Customer Officer) , Giám đốc tài chính (CFO, Chief Finacial Officer), Giám đốc sản xuất (CPO, Chief Production Officer), Giám đốc Marketing – Truyền thông – Thương hiệu (CMO, Chief Marketing Officer),…  đề ra và thực hiện các chiến lược ngắn hạn và dài hạn để tạo nên hệ sinh thái vững chắc. Từ đó, các chỉ số về doanh thu, lợi thế cạnh tranh, giá trị thương hiệu, tỷ lệ chuyển đổi và mức độ hài lòng của khách hàng,… sẽ không ngừng được cải thiện.

Hơn thế, văn hóa doanh nghiệp cũng chính là tính cách, là cốt cách của doanh nghiệp đó. Nói cách khác, CEO luôn là người đặt ra bộ quy tắc ứng xử giữa các nhân viên với lãnh đạo và giữa các nhân viên với nhau dựa trên chuẩn mực về nét tính cách chung mang tên “văn hóa công ty”. Và suy cho cùng, văn hóa công ty chính là kỳ vọng tươi sáng được đúc kết sau nhiều năm chinh chiến trên nhiều thương trường của CEO. Điều này liên quan trực tiếp đến mục tiêu, sứ mệnh – chặng đường lâu dài của doanh nghiệp.

Trở lại với những nội dung ‘livestream’ của CEO Nguyễn Phương Hằng trên kênh  https://www.youtube.com/channel/UCsPD_rPu9huLNQxygtyzo-A/featured; https://www.youtube.com/channel/UCAJkpl7HYAapnb0y22cVL1w/videos.

Chiều 18-10, cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM thông tin về việc bà Nguyễn Phương Hằng đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Theo đó, ngày 17-10, bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, ngụ quận 1) sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội để ‘livestream’ cho biết: Trong buổi đối chất với ông Võ Hoàng Yên vào ngày 16-10-2021 tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, bà bị ông Yên và 4 luật sư đi cùng “hành hung”.

Về việc này, Công an TP.HCM thông tin như sau: Cơ quan điều tra Công an TP.HCM (Phòng cảnh sát hình sự, PC02) đang điều tra, xác minh đơn của bà Hằng tố giác ông Yên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra nhận thấy có một số mâu thuẫn giữa người tố giác và người bị tố giác. Do đó cơ quan điều tra đã trao đổi kiểm sát viên tiến hành đối chất theo luật định.

Quá trình tham gia đối chất vào lúc 9g ngày 16-10 tại trụ sở Phòng PC02 có 2 điều tra viên và 1 cán bộ điều tra của Phòng PC02 chủ trì tổ chức đối chất giữa người tố giác là bà Hằng cùng luật sư Hồ Nguyên Lễ và phía người bị tố giác là ông Yên và 4 luật sư Lê Thành Kính, Trần Thị Ngân Hà, Võ Thị Thu Trang, Nguyễn Minh Hưng. Trong suốt thời gian buổi đối chất, cơ quan điều tra đã đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, không có việc xô xát hành hung giữa ông Yên và các luật sư với bà Hằng.

Lúc 10g ngày 18-10, Cơ quan cảnh sát điều tra đã làm việc và bà Hằng cùng luật sư Hồ Nguyên Lễ đã xác nhận việc này. Công an TP.HCM tiếp tục điều tra vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong một ‘livestream’ ngày 19-10, bà Nguyễn Phương Hằng nói rằng bà đã bị hành hung, không đúng như những gì mà cơ quan công an đã đưa ra hôm 18-10.

Cũng trong ngày 19-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã nhận đơn đề nghị khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng của bà Đặng Thị Hàn Ni. Bà Ni là nhà báo, làm việc tại báo Sài Gòn Giải Phóng, đã cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng có dấu hiệu của hàng loạt tội danh như vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ đó, bà Ni đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương sớm có biện pháp ngăn chặn những hành vi sai trái của bà Hằng và sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hằng để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng trong thời gian qua.

Mới nhất là vào sáng ngày 25-10, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, tức ca sĩ Vy Oanh đã đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng về các tội làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tạm gác qua những tình tiết cụ thể của các đơn yêu cầu về dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nếu nhìn thuần về giác độ là tại sao một CEO lại phải đối mặt với quá nhiều xì-căng-đan do chính mình chủ động tạo ra, thì đúng là cần ngờ vực về một thuyết âm mưu nào đó cho những cú áp phe chính trị; hoặc có thể đơn giản hơn là hướng tới một bản án hôn nhân liên quan đến tài sản mà đôi bên đều là kẻ tám lạng, người nửa cân.

Theo VNTB