Căng thẳng với AstraZeneca về việc cung ứng vac-xin ngừa Covid, bài học cho Liên Âu

Phải chăng vac-xin chống Covid-19 của tập đoàn Anh và Thụy Điển AstraZeneca là vũ khí mới của Luân Đôn trong cuộc đọ sức với Bruxelles sau Brexit ? Liên Hiệp Châu Âu và AstraZeneca đang lao vào một cuộc đọ sức tột độ sau khi tập đoàn dược phẩm này thông báo việc cung cấp vac-xin sẽ bị trễ. AstraZeneca dường như phớt lờ trước những áp lực và đe dọa của Bruxelles đòi được cung cấp thuốc đúng thời hạn theo hợp đồng.

Quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và tập đoàn AstraZeneca chưa bao giờ tồi tệ như từ đầu tuần tới nay. Hai cuộc họp « đầy sóng gió » giữa đại diện Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch – tổng giám đốc của AstraZeneca được ví như « đối thoại giữa những người câm điếc ». Nghịch lý là tình huống căng thẳng này diễn ra vào lúc Cơ quan đặc trách về y tế và dược phẩm của Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị cấp giấy phép sử dụng vac-xin do AstraZeneca cùng với đại học Anh, Oxford, chế tạo.

Khủng hoảng Covid-19 tại châu Âu càng lúc càng nghiêm trọng, nhất là với hàng loạt virus biến thể được phát hiện gần đây. Liên Hiệp Châu Âu đang cần vac-xin hơn bao giờ hết để thoát khỏi bế tắc cả về y tế lẫn kinh tế, nhưng đây cũng là lúc hãng dược phẩm Anh và Thụy Điển thông báo « giao hàng trễ ».

Trong quý 1/2021, tập đoàn chỉ có thể cung cấp khoảng từ 20 % đến 30 % vac-xin như đã cam kết : Trong số 80 triệu liều thuốc tiêm mà Liên Hiệp Châu Âu đã đặt mua, AstraZeneca chỉ có khả năng giao tối đa 31 triệu liều. Pháp đang kỳ vọng vào thuốc của AstraZeneca để thực hiện tham vọng tiêm chủng cho toàn dân trước cuối tháng 8/2021. Mục tiêu đó đang bị đe dọa vì Paris sẽ chỉ nhận được 4,6 triệu liều thay vì 17,5 triệu vac-xin từ AstraZeneca, tức chỉ bằng ¼ so với thỏa hợp đồng. Chẳng riêng gì Pháp mà từ Tây Ban Nha đến Đức hay Ý… đều trông chờ nhiều vào thuốc của AstraZeneca để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Nhà sản xuất giải thích sự chậm trễ này do « một vấn đề kỹ thuật » liên quan đến một đơn vị sản xuất đồng thời do một đối tác của AstraZeneca đã « gặp khó khăn vì không có lãi ». Cần nhắc lại là giá thuốc của AstraZeneca hiện tại thấp nhất trên thị trường và rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ khác. Ví dụ giá vac-xin của AstraZeneca chỉ bằng 12 % so với sản phẩm của tập đoàn Mỹ Moderna, theo như một tài liệu chính thức của Liên Âu đã bị tiết lộ ngoài ý muốn hồi cuối năm 2020.

Bruxelles đã chi ra hơn 330 triệu euro đặt mua 400 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 ngay trong lúc đang cứu xét để cấp giấy phép cho việc sử dụng vac-xin AstraZeneca. Sự chậm trễ của hãng dược phẩm Anh và Thụy Điển vì thế đã khiến Liên Hiệp Châu Âu giận dữ. Bruxelles đòi AstraZeneca phải « minh bạch », không được thiên vị trong việc chọn khách hàng. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đích thân gọi điện cho chủ tịch – tổng giám đốc AstraZeneca đòi nhà cung cấp này « tuân thủ hợp đồng và các điều khoản thỏa thuận đã được thông qua ».

Sự phẫn nộ của Liên Hiệp Châu Âu lại càng tăng thêm một nấc với mối nghi ngờ là AstraZeneca ưu tiên cung cấp vac-xin phục vụ thị trường Anh. Hiện nay, Anh Quốc là nước châu Âu duy nhất vượt ngưỡng 100.000 ca tử vong.

Trước Liên Hiệp Châu Âu, chính phủ của thủ tướng Boris Johnson đã đàm phán với AstraZeneca – một liên doanh của Anh và Thụy Điển, với sự hợp tác của trường đại học Oxford cũng của Anh. Nhiều tờ báo còn tiết lộ thêm là Luân Đôn đã « chi ra một số tiền khá lớn » để được ưu tiên. Chẳng vậy mà theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, vào lúc Anh Quốc trong một ngày đủ sức cung cấp vac-xin cho 300 ngàn người thì tại Pháp, chỉ có hơn 90.000 người may mắn được chích ngừa.

Vẫn theo báo Les Echos, lợi thế của Anh Quốc ở đây là AstraZeneca và Oxford là thuộc Anh Quốc. Vậy phải chăng vac-xin chống Covid-19 là ván đầu tiên trong cuộc cạnh tranh giữa Anh Quốc và phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu kể từ sau Brexit ? Bài học thứ nhì đối với Bruxelles, sau cuộc đọ sức về vac-xin lần này, có lẽ là Liên Âu cần độc lập hơn, không chỉ với Anh Quốc mà cả với phần còn lại của thế giới, trên nhiều lĩnh vực, mà vấn đề dược phẩm hay vac-xin chỉ là một trường hợp điển hình ?

Đáng quan ngại hơn nữa là vào lúc virus corona đang biến thể và trở nên nguy hiểm hơn, thì châu Âu chỉ biết trông đợi vào các nhà cung cấp của Mỹ như Pfizer hay Moderna. Đức có lẽ may mắn hơn 26 thành viên còn lại trong Liên Âu một chút vì Pfizer đã cùng với đối tác Đức BioNTech cho ra đời vac-xin chống virus corona.

Theo RFI