Căng thẳng Mỹ – Trung ở Biển Đông : Một sự leo thang nguy hiểm

Từ nhiều năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu nhau hầu như trên mọi lãnh vực : Từ thương mại, công nghệ cho đến dịch Covid-19, rồi cả vấn đề Hồng Kông. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi cả hai nước mở các cuộc tập trận quy mô lớn tại Biển Đông gần như cùng một lúc. Giới chuyên gia lo ngại chỉ một nước cờ sai, các hành động của Mỹ trong khu vực có nguy cơ làm gia tăng nguy cơ va chạm giữa hai nước trên vùng Biển Đông.

Ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là « hoàn toàn bất hợp pháp ». Ông tuyên bố « thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh quản lý Biển Đông như là một đế chế hàng hải của mình » và Hoa Kỳ « ủng hộ các nước đồng minh cũng như các đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ về nguồn tài nguyên biển, phù hợp với quyền và nghĩa vụ các nước theo luật định quốc tế ».

Từ gần 30 năm qua, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách bành trướng quân sự trên Biển Đông bằng chiến thuật gậm nhấm dần và từng cú một, đặt thế giới trước sự đã rồi, cũng như bằng hành động gây bất ổn thường trực, theo như nhận xét của chuyên gia Sophie Boisseau de Rocher, Trung tâm châu Á, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), với tờ Ouest-France.

Tuy nhiên, với những phát biểu trên của ngoại trưởng Mỹ, giới chuyên gia có cùng một nhận xét : Sau một thời gian dài có thái độ mập mờ, Hoa Kỳ lần đầu tiên bày tỏ rõ ràng hơn lập trường của mình, phản đối chính sách « đường lưỡi bò 9 đoạn » hòng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, cũng như các chiến dịch dọa dẫm của nước này để kiểm soát toàn bộ khu vực lãnh hải rộng gần 3,5 triệu km2, được cho là giầu nguồn khí đốt và tài nguyên biển.

Để bảo vệ tính chính đáng siêu cường thế giới và các đồng minh ưu tiên trong khu vực, Washington lần đầu tiên đã cho triển khai hai chiếc hàng không mẫu hạm cùng một lúc để tập trận trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương « tự do và mở rộng » hồi đầu tháng 7/2020. Cùng thời điểm, Bắc Kinh cũng cho tiến hành tập trận quy mô lớn quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Chỉ có điều trong bầu không khí quân sự kịch phát này, cả Tập Cận Bình lẫn Donald Trump đều không muốn mất sĩ diện. « Nếu không có những kênh liên lạc hiệu quả giữa các nhà lãnh đạo trong vấn đề này, tình hình dễ dàng trở nên ngoài tầm kiểm soát », như cảnh báo của ông Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á trường Đại học Quốc gia Singapore với trang mạng Bloomberg.

Trong một phân tích, Eurasia Group đánh giá rằng nguy cơ xảy ra một vụ va chạm trên Biển Đông dẫn đến một sự bế tắc ngoại giao quan trọng là rất lớn, bởi vì « việc hạ nhiệt căng thẳng sẽ còn phức tạp hơn do các mối quan hệ đã bị xấu đi ».

Về điểm này, khi trả lời RFI Tiếng Việt, chuyên gia Mathieu Duchatel nhận định đối đầu trực diện giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông tuy ít có khả năng, nhưng nguy cơ Trung Quốc gây hấn với đồng minh của Mỹ như Úc chẳng hạn là điều có thể. Khi đó, « hải quân Mỹ sẽ làm gì ? Úc phải làm thế nào ? Các nước khác phải phản ứng ra sao ? » Đây mới chính là những câu hỏi lớn. 

Cuối cùng, giới chuyên gia lưu ý, trong hồ sơ này, các chiến dịch « kềm chế» Trung Quốc chỉ sẽ có hiệu quả khi Hoa Kỳ ủng hộ thật sự các nước trong khu vực có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh, để tìm ra những phương cách gây áp lực nhiều hơn đối với Trung Quốc.

Lời lẽ kiên quyết của Mỹ đối với Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông rất được các nước có liên quan hoan nghênh. Câu hỏi đáng quan tâm nhất : Thái độ cứng rắn này của Mỹ sẽ kéo dài được bao lâu, hay là sẽ dần biến mất cùng với năm tháng, như bao hồ sơ quốc tế khác ?

Theo RFI