Cải tổ chính trị từ việc giải mã trường hợp “không thể kỷ luật” nguyên TT Nguyễn Tấn Dũng

Sự kiện nguyên Thủ tướng Chính phủ hai nhiệm kỳ, từ năm 1996 đến 2016, “thoát” án kỷ luật của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2012 được coi là khởi đầu và liên quan trực tiếp đến các biện pháp quyết liệt cải tổ chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Dưới chế độ tập quyền nói chung và chế độ đảng toàn trị nói riêng, sự thách thức quyền lực tuyệt đối người đứng đầu đảng dưới mọi hình thức, bất tuân hoặc bè phái, đều là trọng tội. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam gần đây ghi nhận hai nhân vật “tiêu biểu” có dấu hiệu như vậy đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống. Lý do chính thống được đưa ra không cụ thể, và thường được diễn tả là “suy thoái về tư tưởng” hay “tự chuyển hoá” của quan chức, nhưng đằng sau đó là sự thể hiện quyền lực đảng.

Ông Trần Xuân Bách (1924 – 2006) từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, là người lộ rõ chủ trương đa đảng ở Việt Nam. Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo hướng đổi mới mạnh mẽ theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi trào lưu cải tổ do M. Gorbachov, Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô, đưa ra và đã lan sang Việt Nam. Do đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1990, ông Bách đã bị cách chức uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng. Đây là trường hợp “suy thoái về tư tưởng” có nguy cơ dẫn đến phe phái trong đảng.

Ông Nguyễn Hà Phan (1933- 2019) từng giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam… Ông ta bị xử lý kỉ luật khai trừ khỏi Đảng và cách mọi chức vụ trước thềm Đại hội 8 Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1996. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức, ông Phan đã được cựu Cố vấn Nguyễn Văn Linh ủng hộ lên làm Thủ tướng thay thế ông Võ Văn Kiệt, nhưng không đúng theo “quy hoạch” của Đảng. Đây là tình huống bất tuân nguyên tắc lãnh đạo tập thể có nguy cơ dẫn tới tranh giành quyền lực.

Khác với hai trường hợp trên, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (1949 -) thoát án kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện hy hữu. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thuộc thế hệ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và từng giữ chức Thủ tướng chính phủ Việt Nam hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời là Đại biểu Quốc hội 4 khóa từ 10 đến 13.

Hoạt động của ông Dũng trên cương vị Thủ tướng Chính phủ đã là chủ đề “gây tranh cãi”. Ông đã ký quyết định 1568/QĐ – TT năm 2006 cho phép tu sửa nghĩa trang và mộ phần của các lính tử trận Việt Nam Cộng Hòa, ký công văn 650/TTg – KTN năm 2009 triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên. Một số bình luận, chủ yếu từ các nhà quan sát nước ngoài, cho rằng ông thuộc “phe đổi mới”. Năm 2007, tạp chí World Business bình chọn ông là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, ông ký gói kích cầu trị giá tổng cộng 8 tỷ đô la (tương đương 143.000 tỷ đồng) nhưng dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, đã gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát năm 2012 lên cao đến 25%, mức thâm hụt ngân sách lên đến 8%, sự sụp đổ của hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…

Bộ Chính trị khoá 11 năm 2012 đã đề xuất quy trách nhiệm ông với tư cách cá nhân người đứng đầu về việc hiện trạng tồi tệ của nền kinh tế, nhưng ông đã “thoát hiểm” khi Ban Chấp hành TƯ không đồng thuận. Trước Quốc hội khoá 13 năm 2012, ông Dũng xin lỗi vì những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Tại Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016 ông không tái cử vào Ban chấp hành Trung ương và nghỉ hưu theo chế độ.

Rõ ràng sự kiện đặc biệt này nói lên nhiều điều về sự vận hành của chế độ đảng toàn trị, bởi vậy việc giải mã thấu đáo là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế.

Thứ nhất, các nguyên tắc lãnh đạo chủ yếu của Đảng như Tập trung dân chủ bị, Tập thể lãnh đạo cá nhân chịu trách nhiệm… bị lung lay khi Ban Chấp hành TƯ không đồng thuận với đề xuất của Bộ Chính trị về kỷ luật nguyên Thủ tướng Dũng. Nhiều quy định của Đảng, đặc biệt về công tác cán bộ như kỷ luật, lựa chọn, bố trí, ứng cử, luân chuyển… đã được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực cho Tổng bí thư và Bộ Chính trị;

Thứ hai, sự thay đổi tương quan quyền lực của “tứ trụ” đã bộc lộ. Chuyển đổi kinh tế sang thị trường khiến thực quyền của Thủ tướng ngày lớn hơn. Điều này đã được thể chế hoá nhằm đảm bảo cho việc “toàn trị” nền kinh tế. Ngoài ra, lượng của cải được tạo ra nhiều hơn nhờ cơ chế thị trường đảm bảo chỗ dựa kinh tế cho quyền lực thủ tướng. Đây là cơ sở cho bình luận về quyền lực Tổng bí thư bị “thách thức”, nhưng có sự ngộ nhận về mâu thuẫn cá nhân hai vị trí tứ trụ, về phe phái cấp tiến hay bảo thủ. Vì vậy, việc giám sát của Đảng đối với hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng được coi là nội dung lãnh đạo trọng tâm;

Thứ ba, sự tha hoá quyền lực quan chức mang tính hệ thống và nghiêm trọng. Mặc dù ông Dũng xin lỗi về trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ, nhưng sau đó ông vẫn nhận được sự ủng hộ với số phiếu “mức tín nhiệm cao” từ Ban Chấp hành TƯ và Quốc hội trong các lần thăm dò ý kiến các thành viên. Quan chức trong bộ máy hành chính đặc quyền, đặc lợi mang ân huệ từ quyền lực thủ tướng. Hình thức thăm dò này đã bị bãi bỏ ngay sau đó;

Thứ tư, chuyển đổi kinh tế sang thị trường làm bộc lộ thực chất quan chức. Con người họ trở nên “thực tế” và hành vi của họ trở nên “duy lý” hơn. Họ ủng hộ ông Dũng là vì lợi ích bản thân hơn là lý tưởng cao siêu. Sự trung thành và phục tùng đã giảm sút. Họ không lựa chọn khác bởi lợi ích kinh tế. Họ sử dụng quyền lực như là một nguồn lực đặc biệt, để tìm kiếm sự hài lòng hay “lợi ích” cao nhất có thể. Lỗi hệ thống đã “giúp” họ vượt qua sự cân nhắc giữa lợi ích kỳ vọng và xác suất bị phát giác hay bị kỷ luật để có thể vi phạm quy định của đảng hay pháp luật;

Thứ năm, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp với chuyển đổi sang thị trường. Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch mang tính pháp lệnh như một công cụ đánh giá công chức trong cơ chế tập quyền đã bị bãi bỏ, nhưng chưa có công cụ khác thay thế cần thiết. Việc thiết kế “lồng thể chế để nhốt quyền lực” đang bế tắc về kiểm soát tài sản và quyền riêng tư;

Thứ sáu, việc thi hành các giải pháp trừng phạt, thanh lọc và  kiểm soát các quan chức phản ánh thực trạng “suy thoái” nghiêm trọng, tuy nhiên bộ máy cai trị hiện hành, vốn là có đặc quyền đặc lợi, là chỗ dựa của chế độ nay bị “công kích” khốc liệt, kéo dài không tránh khỏi tạo ra hiệu ứng tiêu cực khó lường, thậm chí tiềm ẩn rủi ro.

Là người trong cuộc, ông Tổng bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo củng cố Đảng. Giờ đây, trong chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm”, Đảng có thể kỷ luật bất kỳ quan chức nào suy thoái, đặc biệt những “quan chức” dưới quyền của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đối với trường hợp của ông không thể “hồi tố” để xử lại.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đất Việt

Theo RFA