Các VĐV lên tiếng về nhân quyền khi Olympic Bắc Kinh khép lại

Nếu điều đó là lựa chọn của ông Martins Rubenis – một huấn luyện viên môn trượt băng nằm ngửa của Latvia, thì có lẽ ông sẽ không bao giờ thực hiện chuyến đi đến Thế vận hội Olympic Mùa Đông Bắc Kinh ấy. Sự thực là, ông không biết liệu mình có được phép vào Trung Quốc không, mãi cho đến giây phút cuối cùng.

Vận động viên giành huy chương Olympic Martins Rubenis giương cao Ngọn đuốc Nhân quyền tại buổi khai mạc chính thức Lễ rước đuốc Nhân quyền Toàn cầu ở Athens, Hy Lạp, vào tối ngày 09/08/2007. (Ảnh: longtrekhome/Flickr)
Nghe đọc bài

Từng hai lần giành huy chương đồng Olympic, ông Rubenis đã được Đại sứ quán Trung Quốc tại Latvia biết đến sau hơn 15 năm vận động cho nhân quyền của Trung Quốc.

Năm 2006, ông đã biểu tình bằng cách tuyệt thực trước địa điểm này, cùng năm đó ông giành huy chương đồng cho đất nước mình tại Thế vận hội Torino. Lúc đó ông đang phản đối hoạt động thu hoạch nội tạng do chính quyền nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, vốn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) bị cầm tù. Môn tu luyện tinh thần mà ông Rubenis cũng đang tham gia này đã bị bức hại ở Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.

Ông nói với The Epoch Times hôm 18/02 trên đường trở về nhà từ Trung Quốc: “Lên chuyến bay đến Trung Quốc trong khi biết được rằng những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp như tôi đang bị giam cầm trong các trung tâm giam giữ, bị tra tấn, và sát hại chỉ vì tuân theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, lòng tôi lại nặng trĩu.”

Ngay sau khi đội của ông kết thúc thi đấu ở Thế vận hội, ông đã không ngần ngại phơi bày sự việc này.

Hôm 07/02, ông đã gọi Đại hội thể thao Bắc Kinh là “một sân khấu chính trị lớn”, khi chỉ đứng cách các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc vài bước chân. Ông nói với truyền thông Latvia rằng cảm giác sẽ hoàn toàn khác nếu Thế vận hội diễn ra ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

“Đây là một ‘màn kịch’ lớn, và đối với tôi, với tư cách là một vận động viên Olympic, trái tim tôi đau đớn khi chứng kiến điều này,” ông nói, khi đi sâu vào quan điểm của mình về nạn thu hoạch nội tạng “vô nhân đạo” của nhà cầm quyền này và “sự đàn áp những dân người lương thiện, hiền lành của họ”.

Về phần ông Rubenis, đây là một hành động đầy dũng khí, khi biết rõ xu hướng trả đũa của chính quyền Trung Quốc. Trong vòng một ngày, chủ tịch Ủy ban Olympic Latvia đã được mời đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Riga — lần thứ hai kể từ cuộc biểu tình tuyệt thực năm 2006 của ông Rubenis – “để được ‘giáo huấn’ về cách bịt miệng các thành viên trong đội tuyển vì có ‘suy nghĩ lệch lạc’”, ông nói với The Epoch Times.

May mắn cho ông Rubenis, ủy ban này đã đứng ra bảo vệ ông, cho rằng các thành viên trong đội tuyển có quyền lên tiếng về những vấn đề quan trọng đối với họ. Ông Rubenis tin rằng sự hỗ trợ của ủy ban đã giúp bảo đảm việc trở về nhà của ông diễn ra suôn sẻ.

Vận động viên giành huy chương đồng của Latvia, Martins Rubenis ăn mừng trong lễ trao huy chương Thế vận hội Mùa Đông 2006 tại Turin, Ý, vào ngày 13/02/2006, một ngày sau trận chung kết đơn môn trượt băng nằm ngửa. (Ảnh: Thomas Coex/AFP/Getty Images)

Ông chia sẻ, ông đã không màng nguy hiểm, vì ông coi đó là “nghĩa vụ” của mình.

“Tại thời điểm đó, tôi không hề có cảm giác sợ hãi,” ông nói về việc ông trao đổi với các đài truyền hình Latvia.

“Tôi biết rằng bất cứ điều gì xảy ra với tôi ở Trung Quốc có thể giúp tiếng nói của họ được lắng nghe, và cuộc bức hại tàn bạo này sẽ sớm kết thúc,” ông cho hay, khi đề cập đến các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù, một số bị giam trong các trại tù chỉ cách địa điểm diễn ra Olympic vài dặm, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

“Việc những người đến từ các quốc gia tự do và những người liễu giải được những gì đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc lên tiếng là hết sức quan trọng,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn riêng với NTD hôm 18/02. “Dù là ở bên ngoài Trung Quốc hay bên trong Trung Quốc, sự thật vẫn là sự thật.”

‘Làm việc của mình’ và ‘Không bao giờ quay lại’

Nhưng những người khác có quan điểm chỉ trích về nhà cầm quyền này đã chọn giữ thái độ thận trọng hơn và kín tiếng khi nằm trong tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — một hành động có lẽ không đáng ngạc nhiên vì luật pháp hạn chế cao độ của chính quyền này đang kiểm soát ngôn luận cả trên mạng lẫn ngoài đời, và với việc Bắc Kinh đã ám chỉ không quá kín đáo về việc loại các vận động viên khỏi Thế vận hội nếu như [họ] lên tiếng về nhân quyền.

Vận động viên giành huy chương vàng môn trượt băng nằm ngửa người Đức Natalie Geisenberger, người đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc trước Thế vận hội, cho biết đáng lẽ cô chỉ nên đưa ra lời bình phẩm sau khi rời khỏi đất nước này.

“Quý vị phải cẩn thận khi nói, nói lúc nào, nói cái gì và nói ở đâu,” cô nói với các phóng viên ba ngày trước khi rời Bắc Kinh.

Cho đến phút cuối cùng, cô Geisenberger, người đã giành huy chương vàng môn trượt băng nằm ngửa thứ ba tại Thế vận hội Bắc Kinh, đã tranh luận về việc có nên bỏ Thế vận hội vì hồ sơ nhân quyền của nhà cầm quyền này và việc các vận động viên bị đối xử tồi tệ khi tập luyện ở đó vào mùa thu hay không.

Đến ngày 17/01, hai tuần trước khi thế vận hội khai mạc, nữ vận động viên 34 tuổi này mới quyết định tham gia.

Chỉ mỗi cô tẩy chay thì “sẽ chẳng thay đổi được gì”, cô nói với đài truyền hình ZDF của Đức sau khi bay trở về, kể lại cảm giác bất lực của mình.

Cô quyết định rằng cô sẽ “đến đó trong hai tuần, làm việc của mình, về nhà, và không bao giờ quay lại Trung Quốc,” cô nói.

Vận động viên Natalie Geisenberger của Đội tuyển Đức vui mừng sau khi giành huy chương vàng trong nội dung đồng đội tiếp sức môn Trượt băng nằm ngửa vào ngày thứ sáu của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Trung tâm Trượt băng Quốc gia ở Diên Khánh, Trung Quốc, hôm 10/02/2022. (Ảnh: Adam Pretty/Getty Images)

Vận động viên trượt băng tốc độ Thụy Điển Nils van der Poel, người đã giành hai huy chương vàng tại Bắc Kinh, cũng có những lời chia tay đầy cay đắng dành cho nước chủ nhà.

Anh nói với tờ Sportbladet của Thụy Điển rằng quyết định để Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội là điều “khủng khiếp”.

“Làng Olympic rất đẹp, những người Trung Quốc mà tôi gặp đều rất tuyệt vời,” anh nói, trước khi liên tưởng đến Đức quốc những năm 1930. “Có rất nhiều Thế vận hội, đó là một sự kiện thể thao tuyệt vời, nơi ta được gắn kết thế giới và nơi các quốc gia hội tụ. Nhưng Hitler cũng làm vậy trước khi xâm lược Ba Lan, và Nga cũng làm thế trước khi xâm lược Ukraine.”

“Tôi nghĩ việc trao quyền đăng cai thế vận hội cho một quốc gia vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn như nhà cầm quyền Trung Quốc đang làm là [một hành động] vô cùng tắc trách”.

Vận động viên giành huy chương vàng Nils van der Poel của Đội Thụy Điển ăn mừng trong lễ trao hoa 10,000 mét nam sau khi lập một Kỷ lục thế giới mới với 12 phút 30 giây 74 vào ngày thứ bảy của Thế vận hội Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Sân Thi đấu Trượt băng Tốc độ Hình bầu dục Quốc gia ở Bắc Kinh hôm 11/02/2022. (Ảnh: Dean Mouhtaropoulos/Getty Images)

Ông Rubenis đã lớn lên ở Liên Xô, “nơi mà từng bước đi, từng cử chỉ, và từng người mà ta gặp” đều được dàn dựng cẩn thận để truyền bá “chủ nghĩa cộng sản vĩ đại như thế nào” cho du khách ngoại quốc.

Ông đã xem lễ khai mạc Olympic bên trong Làng Olympic bị cách biệt này hay nói theo cách của ông là “một trung tâm giam giữ văn minh” được bao quanh bởi các camera an ninh, chỉ để xem “Đảng Cộng sản Trung Quốc của chúng ta đang cố gắng thể hiện điều gì với sự kiện này.”

“Nó sáo rỗng,” ông cho hay. “Nó giống như một vở diễn, nhưng là một vở diễn vô nghĩa.”

“Ngay cả ngọn đuốc Olympic cũng nhỏ đến nỗi quý vị khó thể nào thấy được, y như định cỡ của tinh thần Olympic đang tàn lụi ngoài kia.”

Ông nói, việc hợp tác với ĐCSTQ dù là dưới bất kỳ hình thức nào, cũng tương đương với việc “ủng hộ cho tà ác, đồng thời đôi bàn tay này sẽ nhuốm máu.”

“Hãy tránh xa con tàu đang chìm đó. Bởi vì khi nó chìm xuống, thì tất cả những ai có mối liên hệ với nó sẽ bị nhấn chìm theo,” ông nói.

“Hãy tránh xa ĐCSTQ, và đảng ấy sẽ tự đi đến diệt vong.”

Theo Epoch Times