‘Các trại tù ngay bên cạnh’: Tra tấn, giam giữ xảy ra cách địa điểm tổ chức Olympic Bắc Kinh không xa

NEW YORK – Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh gom trọn tất cả sự hào nhoáng bề thế mà người ta có thể lường trước từ một chế độ độc tài mong muốn đánh bóng hình ảnh toàn cầu của mình: hàng trăm trẻ em cầm đạo cụ hình chim bồ câu xếp thành hình trái tim khi các em ca vũ trong một sân vận động đầy sao, trên nền pháo hoa màu xanh lá cây và trắng bắn ra chữ “Xuân” ở phía trên cao, như một lời chào Xuân năm mới.

Một học viên Pháp Luân Công cầm bức ảnh của cha cô, người đã phải chịu sự tra tấn đến tử vong ở Trung Quốc vì niềm tin của ông vào Pháp Luân Công, trong một buổi cầu nguyện dưới ánh nến để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc bức hại kéo dài 22 năm ở Trung Quốc, tại Đài tưởng niệm Washington vào ngày 16/07/2021. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

“Một thế giới, một gia đình”, đây là nội dung khẩu hiệu được hiển thị cho khán giả trong Sân vận động Quốc gia “Tổ Chim” được mở cửa một phần vào ngày 04/02/2022, lặp lại một lời kêu gọi đoàn kết mà chính quyền Trung Quốc vẫn thường rao giảng trên vũ đài thế giới trong những năm vừa qua.

Nhưng với màn trình diễn hào nhoáng này, các nhà hoạt động cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới ra khỏi những thực tế tồi tệ hơn nhiều, bao gồm việc giam giữ, tra tấn, và gây tử vong diễn ra chỉ cách các địa điểm tổ chức Olympic vài dặm.

Quang cảnh bên trong sân vận động Olympic Cauldron khi một màn bắn pháo hoa được trình diễn trên cao trong Lễ khai mạc của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 04/02/2022. (Ảnh: David Ramos/Getty Images)

Trong một bản đồ tương tác được công bố hôm thứ Sáu (04/02), cùng ngày với ngày Bắc Kinh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức cả hai Thế vận hội Mùa Hè và Mùa Đông, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã nêu ra hơn một chục “điểm nóng bức hại” bên trong và xung quanh Bắc Kinh, nơi các học viên của nhóm tín ngưỡng bị đàn áp Pháp Luân Công đang phải chịu thống khổ chỉ vì không từ bỏ đức tin của mình.

(Ảnh: Chụp bản đồ tương tác của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hôm 05/02/2022).

Nhóm nhân quyền có trụ sở tại New York này cho biết đây là bản đồ toàn diện đầu tiên thuộc loại này, mang lại cho độc giả một cái nhìn thoáng qua về “nội tình ở những nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn quý vị thấy.”

Các nhà nghiên cứu đã phải mất một tháng để kiểm chứng từng chi tiết và hoàn thành tấm bản đồ nói trên. Nhiều cơ sở có cả tên công cộng lẫn tên riêng, thậm chí sở hữu hai địa chỉ để tránh sự dò xét từ bên ngoài. Theo các nhà nghiên cứu, một số nơi đồng thời phục vụ như một trại lao động, lấy tên phụ làm vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh lao động nô lệ của họ.

Phát ngôn viên Trương Nhi Bình (Zhang Erping) của trung tâm này nói: “Khoảng cách ngắn ngủi giữa ánh hào quang của Olympic và sự đau khổ khủng khiếp của con người làm nổi bật sự thống trị bi thảm và thường mang tính lừa dối của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Không có chế độ nào khác trên Trái Đất đủ ngang ngược, và có tầm ảnh hưởng quốc tế để vừa tổ chức Thế vận hội, vừa đồng thời giam giữ một lượng lớn các tù nhân lương tâm trong các điều kiện đầy ngược đãi và tra tấn như vậy.”

Hai cảnh sát Trung Quốc đeo khẩu trang bảo hộ khi đứng trước Tháp Olympic trước thềm Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 30/01/2022. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Các trại tù ngay bên cạnh các địa điểm tổ chức Olympic

Khoảng 10 đến 20 dặm (khoảng 15-30 km) từ các địa điểm tổ chức Olympic chính của Bắc Kinh là hơn nửa tá cơ sở tra tấn giam giữ các học viên Pháp Luân Công.

Các học viên của môn tu luyện tinh thần này đã phải chịu sự đàn áp kéo dài hơn hai thập niên của chế độ cộng sản sau khi chính quyền Bắc Kinh coi nhóm này là một mối đe dọa, khi Pháp Luân Công trở nên vô cùng phổ biến trong những năm 1990. Theo ước tính tại thời điểm đó, khoảng 70 đến 100 triệu người đã thực hành môn Pháp Luân Công vào cuối thập niên này.

Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nói với The Epoch Times, “Theo đúng nghĩa đen, quý vị có thể xem sự kiện Olympic trượt băng tốc độ, bước ra khỏi cửa từ sân trượt băng, rồi đi 14 dặm (khoảng 20km) về phía đông, quý vị sẽ đến một trại tù nơi mọi người đang bị giam giữ — có ít nhất một trường hợp đã bị giam trong chín năm — vì đức tin của họ và Pháp Luân Công.”

Ông Browde nói, mặc dù ông đã nghiên cứu nhiều năm về chiến dịch đàn áp này, nhưng việc nhìn thấy các cơ sở này được thể hiện trực quan [trên bản đồ] vẫn rất chấn động.

“Điều đó giống như đi xem Sân vận động Yankee và đi bộ xuống một nơi nào đó ở Công viên Trung tâm, nơi có một trại tù.”

Người bị giam giữ mà ông Browde đề cập đến là ông Thời Thiệu Bình (Shi Shaoping), 52 tuổi, có bằng thạc sĩ từ viện quang hóa tại cơ quan khoa học quốc gia hàng đầu của nước này, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Ông Thời Thiệu Bình (Shi Shaoping) với chứng chỉ thạc sĩ ở bên phải. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Minghui.org)

Ông Thời bị bắt khỏi nhà hồi tháng 11/2019, nhưng gia đình ông không nghe thấy tin tức gì về nơi ở của ông cho đến tháng Tư năm ngoái (2021), khi cảnh sát thông báo cho họ về bản án chín năm của ông Thời tại Nhà tù số 2 Bắc Kinh, một địa điểm giam giữ tử tù và những người đang chịu án chung thân.

Theo Minghui.org (Minh Huệ), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại dữ liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trước vụ bắt giữ này, ông Thời đã phải trải qua 10 năm tù giam vì đức tin của mình. Tại nhà tù Tiền Tiến, cũng nằm trên bản đồ tương tác, ông Thời đã bị bắt phải ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu nhỏ tới 20 giờ mỗi ngày trong vài năm. Vào những ngày đông lạnh giá nhất, lính canh sẽ mở toang cửa sổ khiến toàn thân ông lạnh phát run. Ông đã từng bị cấm sử dụng nhà vệ sinh trong cả tháng.

Cách địa điểm đó 16 dặm (khoảng 25km), nơi cuộc thi trượt băng tốc độ sẽ bắt đầu vào ngày 05/02/2022, là Nhà tù Nữ Bắc Kinh, nơi họa sĩ Hứa Na (Xu Na) từng bị giam giữ cho đến tháng Một này.

Một bức ảnh không đề ngày tháng của họa sĩ Hứa Na (Xu Na). (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

Vài tháng trước thềm Thế vận hội Mùa Hè Bắc Kinh năm 2008, cảnh sát đã bắt giữ bà Hứa và chồng bà là ông Vu Trụ (Yu Zhou) trong một “cuộc rà soát [trước] Thế vận hội” sau khi phát hiện ra các sách Pháp Luân Công trong xe của họ. Ông Vu, một ca sĩ – nhạc sĩ dân gian, đã thiệt mạng trong trại giam 11 ngày sau đó, vào đêm giao thừa Tết Nguyên Đán năm ấy. Bà Hứa sau đó đã bị giam giữ trong tù ba năm.

Ba tuần trước Thế vận hội Mùa Đông, hôm 14/01, bà Hứa đã bị tuyên thêm 8 năm tù giam nữa vì vai trò của bà trong việc cung cấp ảnh cho The Epoch Times về những tháng đầu của đại dịch.

Ông Browde cho hay, trải qua hai kỳ Thế vận hội, tấn bi kịch của ông Thời và bà Hứa nên khiến cộng đồng quốc tế thấy rõ rằng nhà cầm quyền này không hề có chút biến chuyển nào.

“Thường thì, họ sẽ nhìn vào các tòa nhà cao tầng và tất cả các cửa hàng Starbucks xung quanh Bắc Kinh, và họ nghĩ, ‘ồ, đây là Trung Quốc mới,’” ông nói. “Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng đất nước này xinh đẹp hơn và trở nên văn minh hơn.”

“Chứng kiến các địa điểm tổ chức Olympic ngay bên cạnh các trại tù … nơi mọi người bị giam giữ và tra tấn vì đức tin của họ khiến cho sự lừa dối và đạo đức giả của ĐCSTQ trở nên rất rõ ràng.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. 

Theo Epoch Times