Cả thế giới dõi theo cuộc gặp cấp bách Putin – Biden: “Điệu nhảy Tango cần phải có hai người”?

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin được ấn định vào ngày 16/6 tại Geneva (Thuỵ Sỹ) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin được ấn định vào ngày 16/6/2021 tại Geneva (Thuỵ Sỹ) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông quốc tế.

Ngày 9/6/2021, Tổng thống Mỹ J. Biden đã đến London bắt đầu chuyến thăm châu Âu của mình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống J. Biden kể từ sau khi ông nhậm chức tháng 1/2021.

Theo kế hoạch, ông sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Anh, sau đó sẽ tới thủ đô Brussel của Bỉ để dự cuộc gặp thượng đỉnh Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Liên minh châu Âu (EU). Kết thúc chuyến công du này sẽ là cuộc gặp Tổng thống Nga V. Putin tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Cuộc gặp này được tổ chức thể theo đề nghị của Tổng thống J. Biden. Trong bối cảnh nền chính trị toàn cầu và quan hệ Nga-Mỹ hết sức căng thẳng và phức tạp hiện nay, cuộc họp thượng đỉnh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bối cảnh cuộc gặp J. Biden – V. Putin

Tổng thống D. Trump, trong nhiệm kỳ 4 năm của mình (2017-2021) đã đưa quan hệ Mỹ-Nga xuống mức thấp nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã.

Các cuộc tiếp xúc song phương trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác đều bị đóng băng. Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga. Trump đã chôn vùi các Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược gồm Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF), Hiệp ước bầu trời mở (OST), Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3)… Rút khỏi các Hiệp ước này, Mỹ đã phá vỡ cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược, phá huỷ hệ thống an ninh toàn cầu được xây dựng trong thời kỳ hoà dịu trước đây, đưa hai nước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Cả thế giới dõi theo cuộc gặp cấp bách Putin - Biden: Điệu nhảy Tango cần phải có hai người? - Ảnh 1.

Nhiều người hy vọng dưới triều đại Tổng thống J. Biden, quan hệ Mỹ-Nga sẽ cải thiện phần nào. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov nói “quan hệ hai nước đã chạm đáy”.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, tháng 3/2021, ông J. Biden đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga với cáo buộc Moscow đầu độc nhà bất đồng chính kiến A. Navalny và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Hàng loạt các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất. Đáp lại, Nga cũng đã trục xuất nhiều nhà ngoại giao Mỹ và triệu hồi đại sứ của mình từ Washington về nước sau khi Tổng thống Biden gọi Tổng thống Putin là “kẻ giết người”. Những hành động này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Ngày 7/6/2021, ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Nga V. Putin đã ký luật chấm dứt Hiệp ước “Bầu trời mở”, đáp lại việc chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này năm 2020. Moscow đã chỉ trích mạnh mẽ chính quyền J. Biden không chịu xem xét lại quyết định của người tiền nhiệm và đổ lỗi cho Washington về sự sụp đổ của Hiệp ước.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc tập trận “Người bảo vệ châu Âu 2021” lớn nhất kể từ 30 năm nay dọc biên giới phía Tây- Nam của Nga. Đáp lại, Nga cũng đã tập trung một lực lượng khổng lồ và tiến hành tập trận lớn ở biên giới phía Nam như một biện pháp nhằm đối phó bất kỳ hành động liều lĩnh nào của Mỹ và phương Tây.

Biden-Putin sẽ thảo luận những vấn đề song phương nào?

Theo thông tin từ Nhà Trắng và Điện Kremlin, chương trình nghị sự của cuộc gặp Biden-Putin sắp tới dày đặc các vấn đề không chỉ liên quan đến quan hệ Mỹ-Nga mà còn một loạt các vấn đề quốc tế và khu vực khác.

Vấn đề hàng đầu được hai Tổng thống ưu tiên thảo luận là quan hệ tay đôi và ổn định chiến lược. Phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố: “Hai tổng thống sẽ thảo luận một loạt các vấn đề cấp bách, vào thời điểm mà chúng tôi hy vọng sẽ làm cho quan hệ giữa Mỹ và Nga ổn định hơn”.

Về phần mình, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Hai Tổng thống sẽ thảo luận quan hệ song phương, ổn định chiến lược, các cuộc xung đột khu vực và hợp tác chống đại dịch Covid-19.”

Cả thế giới dõi theo cuộc gặp cấp bách Putin - Biden: Điệu nhảy Tango cần phải có hai người? - Ảnh 2.

Tổng thống J. Biden tuyên bố: “Mỹ không tìm cách để xung đột với Nga, chúng tôi muốn mối quan hệ ổn định với một tương lai có thể đoán định được. Hai nước đang chia sẻ trách nhiệm lớn nhất đối với sự ổn định chiến lược trên thế giới.”

Trong khi đó, Tổng thống V. Putin cho biết: “Tôi sẽ thảo luận với Tổng thống J. Biden một loạt vấn đề về quan hệ song phương và cố gắng tìm cách giải quyết các vấn đề trong quan hệ hai nước đang ở mức cực kỳ thấp. Bên cạnh đó, các vấn đề ổn định chiến lược, giải quyết các xung đột quốc tế ở những điểm nóng nhất, quá trình giải trừ quân bị, cuộc chiến chống khủng bố, đại dịch Covid-19 và các vấn đề môi trường cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.”

Ổn định chiến lược không thể thực hiện được nếu không giải quyết các vấn đề liên quan đến việc kiểm soát vũ khí của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Đầu tháng 2/2021, Mỹ và Nga đã gia hạn Hiệp ước START-3 thêm 5 năm. Hiệp ước này ký năm 2011 quy định giới hạn số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước không được vượt quá 1.550, tức giảm khoảng 30% so với mức năm 2002.

Việc Mỹ công bố gia hạn Hiệp ước START-3 trước thềm của cuộc gặp Vladimir Putin không có nghĩa là mọi việc đều ổn. Thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump, cả Mỹ và Nga đều đã phát triển các loại vũ khí mới vượt quá số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược được START-3 cho phép. Trong cuộc họp sắp tới không thể không đề cập đến kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận tiếp theo.

Năm 2001, dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước hạn chế Hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM). Năm 2019, chính quyền D. Trump rút khỏi Hiệp ước các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) và năm 2020 rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Đây là các Hiệp ước hết sức quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM, INF và OST và cả START-3 mới gia hạn chắc chắn sẽ được thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh này. Tất nhiên, việc quay lại các Hiệp ước này phải được đàm phán và thoả thuận trong điều kiện mới.

Các vấn đề khu vực sẽ được đề cập đến trong thượng đỉnh Biden-Putin

Moscow và Washington cho biết, ngoài các vấn đề song phương, các vấn đề khu vực gồm Ukraine, Belarus, cuộc xung đột Syria, Palestine-Israel, hạt nhân Iran, Triều Tiên, vấn đề Bắc Cực, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu… sẽ được hai Tổng thống Biden và Putin đề cập đến trong cuộc gặp sắp tới.

Vấn đề Ukraine sẽ là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin sẽ nêu rõ với người đồng cấp Mỹ nguyên nhân xung đột ở Donbass bế tắc. Đó là từ trước tới nay, tất cả các đề nghị, các lời kêu gọi của Mỹ và các nước châu Âu nhằm giải quyết cuộc xung đột này đều gửi đến Moscow, trong khi Nga không phải là một bên trong thoả thuận Minsk (2/2015). Bản chất của vấn đề là Kiev không chịu đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk.

Nga sẽ đề nghị Mỹ thuyết phục Ukraine quay trở lại thực hiện thỏa thuận Minsk, trao quyền tự trị rộng rãi cho Donbass trong khuôn khổ Ukraine và từ bỏ ý tưởng giải quyết vấn đề bằng vũ lực.

Cả thế giới dõi theo cuộc gặp cấp bách Putin - Biden: Điệu nhảy Tango cần phải có hai người? - Ảnh 3.

Tổng thống Putin cũng sẽ thông báo với ông Biden Mỹ về tình hình Crimea hiện nay sau khi sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý mà Moscow coi là hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Biden dự định sẽ nêu vấn đề về Belarus vì Moscow là người ủng hộ mạnh mẽ nhất Tổng thống A. Lukashenko, người cầm quyền từ năm 1994. Năm 2020, Mỹ và phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống Minsk với lý do chính quyền A. Lukashenko đàn áp phong trào biểu tình sau cuộc bầu cử Tổng thống mà họ cho là đã bị gian lận.

Ông J. Biden sẽ thảo luận với Tổng thống V. Putin cuộc khủng hoảng Syria. Lập trường của Nga là rõ ràng, không thay đổi. Nghị quyết 2254 (2015) của HĐBA phải được thực hiện. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các thể chế của Syria, thoả thuận ngừng bắn phải được tôn trọng.

Trong khi chưa đạt được thoả thuận về một bản Hiến pháp mới, thì Hiến pháp hiện nay vẫn phải được coi là khuôn khổ luật pháp cao nhất của đất nước. Khi các tổ chức khủng bố đã bị đánh bại, chính phủ Syria đã khôi phục lại sự kiểm soát của mình đối với hầu hết các vùng lãnh thổ của mình. Công việc cứu trợ phải được tiến hành thông qua chính phủ Damascus.

Về xung đột Israel-Palestine, ông Biden sẽ nêu rõ cách tiếp cận mới và những nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết xung đột, thông qua giải pháp hai nhà nước mà trước đây cựu tổng thống D. Trump đã bác bỏ. Đồng thời, ông cũng sẽ nhấn mạnh vai trò của Bộ tứ quốc tế gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ trong việc thúc đẩy thực thi các nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm thiết lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh nhà nước Israel.

Trong hồ sơ hạt nhân Iran, Nga đang hợp tác tích cực với LHQ và các bên ký kết nhằm khôi phục lại Thoả thuận hạt nhân JCPOA (2015) mà Mỹ đã rút năm 2018. Nga ủng hộ các nỗ lực đàm phán giữa các bên ký kết tại Vienna nhằm đưa Thoả thuận JCPOA trở lại có hiệu lực.

Đại dịch Covid-19 là thách thức chung đối với cả nhân loại cũng như Nga và Mỹ.

Nga là nước đầu tiên sản xuất được vaccine mang tên Sputnik-V được ghi nhận trên toàn cầu, Mỹ quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, nhưng đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng đáng kể cho người dân. Nga và Mỹ có thể hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống sự lây lan của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong việc sản xuất và cung cấp vaccine cho các nước trên thế giới.

Thượng đỉnh Mỹ-Nga là dấu hiệu tích cực, nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp và quan hệ Mỹ-Nga căng thẳng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc hàng đầu thế giới là một dấu hiệu tốt. Trước thềm cuộc gặp Tổng thống V. Putin, ông J, Biden tuyên bố: “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Nga, chúng tôi muốn mối quan hệ ổn định với một tương lai có thể đoán định được giữa hai nước. Mỹ và Nga cần phải chia sẻ trách nhiệm lớn nhất đối với sự ổn định chiến lược trên toàn cầu.”

Tuy nhiên, các giới quan sát chính trị không kỳ vọng nhiều vào kết quả tích cực của cuộc gặp gỡ này. Trước đây, nhiều người đã trông đợi rất nhiều vào cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Putin và Trump tại Helsinki tháng 7/2018, nhưng quan hệ giữa hai nước sau đó không những không được cải thiện chút nào mà còn trở nên tồi tệ hơn.

Những mâu thuẫn căng thẳng giữa Mỹ và Nga kéo dài hàng thập kỷ nay, có lúc đã đưa hai nước đến bờ vực của chiến tranh không thể giải quyết được trong một cuộc gặp gỡ.

Tuy nhiên, đây là “bước đi đầu tiên” trên con đường ngàn dặm để tạo dựng niềm tin trong những nỗ lực để tìm ra những cơ sở chung, hoặc ít nhất là xác định được các vấn đề bất đồng để tìm cách giải quyết trong tương lai. Việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga đòi hỏi thiện chí của cả hai bên. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov nói: “Điệu nhảy Tango cần phải có hai người”.