Buôn lậu lợn qua biên giới: Qua thời bừa bãi, đến lúc phải siết chặt

Theo đó, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi đối với nhập khẩu thịt lợn, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới.

Văn bản nêu rõ, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục hải quan nhập khẩu mặt hàng là thịt lợn theo đúng quy định.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất, cần phải cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa để tiêu thụ.

Ngoài ra, hiện nay giá thịt lợn và sản phẩm làm từ thịt lợn trong nước tăng cao, dẫn đến nguy cơ các đối tượng sẽ lợi dụng để vận chuyển trái phép lợn qua biên giới theo các đường mòn, lối mở.

Hành vi vận chuyển trái phép lợn qua biên giới tiềm ẩn lớn nguy cơ dịch bệnh làm ảnh hưởng tới đàn lợn trong nước và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về gặp nhiều khó khăn do các quy định về dịch tễ của cả 2 nước nên thời gian nhập hàng lên tới 14 ngày.

Do vậy, việc Cục Hải quan các tỉnh, thành phối hợp với lực lượng Biên phòng cửa khẩu tăng cường công tác ngăn chặn vận chuyển lợn trái phép qua biên giới là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.

Ngày 12/6 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về để nuôi, giết mổ làm thực phẩm. Giá lợn hơi trong nước cũng vì thế giảm từ 2 – 10 nghìn đồng/kg.

Song, dù giá lợn hơi giảm thì giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh bình quân tháng 6 vẫn tăng 3,36% so với tháng trước.

Cục Quản lý giá cũng thông tin, việc nhập 500 con lợn sống đầu tiên từ Thái Lan về vào nửa cuối tháng 6 cũng hỗ trợ một phần cho xu hướng giảm của giá thịt lợn trong tháng 6, tuy nhiên giá thịt lợn ở nhiều chợ vẫn tăng.