Bùng nổ cáo buộc sốc – Lao động Zimbabwe làm việc “như nô lệ” ở nhà máy TQ, Bắc Kinh nói gì?

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: NewZimbabwe)

Báo The EastAfrican (Kenya) cho hay, trong những năm qua, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế Zimbabwe ngày càng tăng với các khoản đầu tư vào các dự án khai thác và xây dựng. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc đối xử tệ với công nhân.

Các tổ chức công đoàn cho rằng giới chức Zimbabwe thường lờ đi báo cáo về vi phạm luật lao động của những ông chủ người Trung Quốc.

Đại hội Công đoàn Zimbabwe (ZCTU), cơ quan lớn nhất đại diện cho người lao động khu vực tư nhân, gần đây đã “gây bão” khi sử dụng mạng xã hội để tố cáo “điều kiện làm việc như nô lệ” tại một nhà máy sản xuất gạch do Trung Quốc sở hữu ở ngoại ô thủ đô Harare.

ZCTU cho rằng các công nhân tại nhà máy gạch Sunny Yi Feng đang được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu và buộc phải ở trong những nơi ở quá đông đúc và tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm.

Theo các thành viên công đoàn, một số công nhân thậm chí đã chết tại nhà máy và cái chết của họ đã bị người Trung Quốc ém nhẹm.

Trung Quốc đáp trả cáo buộc “lạm dụng” tại Zimbabwe

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: NewZimbabwe)

Đại sứ quán Trung Quốc tại Harare đã phản ứng giận dữ trước những cáo buộc và cảnh báo rằng chúng có thể gây tổn hại đến quan hệ Trung Quốc -Zimbabwe.

“Gần đây, một số người đã đưa lên mạng xã hội một loạt cáo buộc chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc ở Zimbabwe bằng cách lan truyền các video clip không xác định,” Đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố đặc biệt cứng rắn.

“Rốt cuộc tất cả những cáo buộc này nhắm vào quan hệ hợp tác Trung Quốc-Zimbabwe và chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Zimbabwe.”

“Rõ ràng, đây là một chiến dịch bôi nhọ có tổ chức và có hệ thống chống lại Trung Quốc.”

Cơ quan đại diện ngoại giao này khẳng định chính phủ Trung Quốc luôn đảm bảo rằng các công ty do công dân nước này làm chủ tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại.

“Tình hữu nghị và hợp tác Trung Quốc-Zimbabwe sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự vu khống hoặc phỉ báng của bất kỳ cá nhân hoặc thế lực nào,” Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố.

“Động thái phá hoại mối quan hệ tốt đẹp Trung Quốc-Zimbabwe sẽ khiến chúng tôi càng quyết tâm và có động lực hơn để phát triển quan hệ hữu nghị sâu sắc và hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia”.

Phòng Doanh nghiệp Trung Quốc tại Zimbabwe (CCEZ) cũng phải đối mặt với một tuyên bố bị buộc tội cao được đại sứ quán chia sẻ trên các nền tảng truyền thông xã hội của mình.

“Cách quản lý và chính sách của các công ty thành viên của chúng tôi dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân quyền, công lý và bình đẳng cho mọi người lao động,” CCEZ cho biết. “Chúng tôi tuân thủ luật pháp và quy định của Zimbabwe và hoàn toàn tôn trọng người dân Zimbabwe.”

“Các dự án do các công ty thành viên của chúng tôi thực hiện góp phần vào sự phát triển của Zimbabwe đã nói lên điều đó.”

CCEZ nói rằng họ “lên án mạnh mẽ những cáo buộc vô căn cứ và sai trái chống lại chính phủ và công dân Trung Quốc. Các đòn tấn công ngầm sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm của chúng tôi trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.”

Bùng nổ cáo buộc sốc - Lao động Zimbabwe làm việc như nô lệ ở nhà máy TQ, Bắc Kinh nói gì? - Ảnh 2.

Một xưởng sản xuất nhỏ ở ngoại ô thủ đô Harare, Zimbabwe. Ảnh: Getty

Cáo buộc nhằm vào Trung Quốc

Japhet Moyo, Tổng thư ký ZCTU, cho biết có chứng cứ cho những cáo buộc của họ chống lại nhà sản xuất gạch Trung Quốc.

“Thay vì chi tiền cho những chiêu trò PR, công ty nên giải quyết những vấn đề này,” ông này nói. “ZCTU sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc này, thậm chí đưa ra quốc tế. Chúng tôi không thể ngồi yên nhìn người lao động của mình bị ngược đãi.”

Căng thẳng giữa những người sử dụng lao động Trung Quốc và các tổ chức công đoàn của Zimbabwe lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 sau khi hai lao động địa phương được cho là bị ông chủ người Trung Quốc bắn bị thương tại một khu mỏ, khi họ phàn nàn về mức lương được nhận.

“Vấn đề đối xử tệ với người lao động là có hệ thống và phổ biến. Và vụ nổ súng đó đã phơi bày tình trạng lạm dụng tràn lan người lao động,” Hiệp hội Luật sư Môi trường Zimbabwe (ZELA), có trụ sở tại Harare, cho biết.

Theo hiệp hội này, lao động địa phương được trả lương thấp và nhiều trường hợp không được nhận lương đúng kỳ hạn.

“Nó đã trở thành một khuôn mẫu và một hệ thống. Chúng tôi ghi nhận những trường hợp các công nhân mỏ địa phương bị các chủ Trung Quốc ngược đãi, đánh đập và phân biệt đối xử.”

“Người dân địa phương ở một số mỏ do Trung Quốc sở hữu thường làm việc trong điều kiện nguy hiểm, khắc nghiệt và tính mạng bị đe dọa trong khi được trả lương bèo bọt,” ZELA nói.