Brexit: Luân Đôn sẽ bỏ điều khoản gây xung khắc về Bắc Ireland

Nghe đọc bài

Thủ tướng Anh Boris Johnson và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen gặp nhau ngày 09/12/2020 tại Bruxelles, xem như là nỗ lực sau cùng giải tỏa bế tắc Brexit sau hai ngày đàm phán qua điện thoại.

Liệu Châu Âu và Anh Quốc sẽ đạt đến một thỏa hiệp chia tay hay không ? Theo AFP, thủ tướng Anh Boris Johnson và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ hội đàm vào chiều nay tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu.

Cho đến tối thứ hai, hai nhà lãnh đạo vẫn ghi nhận là « chưa đủ điều kiện để tiến đến một thỏa thuận ». Ba điểm then chốt gây bế tắc vẫn là vùng đánh cá chung thuộc hải phận Anh, cách thức giải quyết xung khắc thương mại trong quan hệ tương lai hậu Brexit và mở cửa thị trường lục địa cho hàng hóa Anh.

Trong tình hình bế tắc này, Luân Đôn loan báo là sẽ rút bỏ một điều khoản gây tranh cãi trong dự luật liên quan đến hải quan Bắc Ỉeland, mà chính Anh Quốc nhìn nhận là trái với công pháp quốc tế.

Cộng Hòa (nam) Ireland, với quyền phủ quyết các quyết định của Châu Âu, tuyên bố hy vọng quyết định này sẽ mở đường thương lượng, giải tỏa các bế tắc còn lại, ba tuần trước khi đến ngày cuối cùng. Kỳ hạn 31/12/2020 là ngày chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp, Anh Quốc phải ra khỏi Thị Trường Chung Châu Âu và Liên Hiệp Thuế Quan.

Hội đàm Boris Johnson và Ursula von der Layen diễn ra một ngày trước thượng đỉnh 27 nước Châu Âu. Nếu cuộc họp thất bại, kể từ ngày 01/01/2021, trao đổi thương mại giữa đảo quốc và Liên Âu sẽ tuân theo luật của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, với định mức và thuế quan biểu sẽ bất lợi cho những nền kinh tế bị suy yếu vì đại dịch Covid.

Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu Michel Barnier báo trước là Liên Hiệp Châu Âu không nhượng bộ bất cứ yêu sách nào của Anh Quốc, vì như thế sẽ làm thị trường chung Châu Âu thêm hiểm nguy.

Theo RFI