Bộ Y tế sẵn sàng đánh úp người dân?

Một con dao luôn sẵn sàng được “xả” xuống đầu người dân khi vấn đề “sinh sát” đó nằm trong tay Bộ Y tế.

Những ngày qua, với việc tạm dừng các chỉ thị 15,16,19 và ban hành một văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật Nghị quyết 128, là đề tài được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Không sôi nổi sao được khi đi lại là vấn đề cấp thiết của người dân, là quyền cơ bản của người dân, nhưng thời gian qua lại bị một số “thế lực” dùng mọi cách để giới hạn, thậm chí là “cấm” người dân ra đường.

Giờ đây, khi đã chấp nhận sống chung với dịch như lời một quan chức y tế của TP.HCM trước đây, các hoạt động của thành phố gần như mở lại; rất nhanh, nhịp sống đã ồn ào, các con đường náo nhiệt, không còn là một thành phố buồn như thời điểm ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tình hình dịch Covid-19 ở Sài Gòn.

Song, việc đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận vẫn còn là một vấn đề.

Đơn cử, đi lại giữa TP.HCM và Bình Dương, vẫn còn khó khăn với thủ tục giấy xét nghiệm. Mặc dù trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành quy định đi đường, nếu đã chích đủ hai mũi phòng ngừa Covid-19, không cần dùng đến giấy xét nghiệm. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, một số người thắc mắc vì sao sau chuyến gặp của ông Đam ở Đồng Nai, Bình Dương xong, lại tiếp tục kiểm tra giấy xét nghiệm? Thậm chí, có chốt, chỉ yêu cầu xem mỗi giấy xét nghiệm.

“Vậy thì chích cho đủ hai mũi, thẻ xanh để làm gì?”

Đó cũng là câu hỏi chung của nhiều người, nhất là đối với người dân có nhu cầu vì lý do công việc, gia đình, cá nhân phải thường xuyên đi lại giữa Sài Gòn – Bình Dương, lại tốn quá nhiều chi phí cho việc xét nghiệm, thắc mắc.

Cũng chính vì lẽ đó, nghị quyết 128 ra đời, mang một làn gió mới, có vẻ sáng sủa hơn không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà còn trong vấn đề đi lại giữa các địa phương.

Chiều tối muộn ngày 13-10-2021, theo thông tin được đăng tải trên báo chí thì: “Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Đồng thời, chỉ thực hiện xét nghiệm trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3”.

Với thông tin kể trên, rõ ràng, đây là một tín hiệu trong vấn đề đi lại, nhất là với tình hình ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, nhiều nơi đã kiểm soát được dịch. Riêng ở TP.HCM, tất cả các quận huyện và thành phố Thủ Đức đã kiểm soát được dịch.

Tuy nhiên, trong diễn biến đó, nhưng ở báo khác, Bộ Y tế lại đưa thêm một thông báo: “Đồng thời phải tăng 1 cấp độ dịch nếu không đạt yêu cầu trong tháng 10-2021 không đủ tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, từ tháng 11-2021 chỉ số này áp dụng với nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên, ngoại trừ trường hợp địa phương không có ca mắc hoặc dịch đang ở cấp độ 4”.

Có thể nói, với quy định này, tựa như một con dao luôn sẵn sàng được “xả” xuống đầu người dân khi vấn đề “sinh sát” đó nằm trong tay Bộ Y tế.

Vắc xin được phân bổ như thế nào, phân bổ ra sao, phân bổ loại gì, đều thuộc quyền hành của Bộ Y tế. TP.HCM có thể chích đủ, thỏa mãn yêu cầu, nhưng các tỉnh thành khác thì như thế nào? Người dân TP.HCM sẽ đi lại ra sao nếu như tỉnh khác không thỏa mãn được yêu cầu của Bộ, phải tăng 1 cấp độ dịch? Nhất là với nhóm người từ 65 tuổi trở lên, không phải chích vắc xin nào cũng được. Trong khi đó, Bộ Y tế lại mua chủ yếu là Vero Cell (khuyến cáo không chích cho người lớn tuổi); Hayt-Vax và Abdala thì chưa được WHO thông qua.

“Quy định chung chung vậy là không hợp lý. Nếu muốn tăng cấp độ, phải dựa trên nhiều quy định khác nhau. Ví dụ như hơn 30.000 ca nhiễm một ngày; số ca nhập viện vì Covid-19 có tăng hơn 25% hay không? Công suất sử dụng HDU/ ICU liên quan đến Covid-19 có tăng ở mức ≥25% trong cùng khoảng thời gian 7 ngày không? Các ca tử vong liên quan đến Covid-19 mới hàng ngày có tăng ở mức ≥25% trong cùng khoảng thời gian 7 ngày không?…. Chứ không thể vì lý do chích chưa đủ mà tự ý tăng cấp độ dịch được. Vấn đề đó làm sao chính quyền địa phương có thể tự chủ được khi chưa cho tư nhân nhập vắc xin hữu hiệu về; người dân chưa được chọn lựa vắc xin để chích cũng như vắc xin Việt Nam chưa được sử dụng” – một ý kiến gay gắt phản biện.

Đồng ý là nếu có gì xảy ra, vẫn còn 48 tiếng để người dân có thể chạy kịp hay xoay sở như yêu cầu của nghị quyết 128, song, đó chỉ là kịp thời với những người nào thường xuyên có thời gian theo dõi tin tức, nhanh chóng bắt kịp những quy định mà chính phủ đưa ra. Còn đối với lao động bình dân hay khách du lịch thì, xem ra, nói theo kiểu dân gian, hên xui nhiều lắm…

Theo VNTB