Bộ trưởng Y tế CSVN để dịch bung bét rồi kêu ‘hiến kế’

Sở trường của ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế CSVN là làm công tác tuyên giáo. Courtesy of Zing

Mạng xã hội dấy lên ý kiến đòi bộ trưởng Y tế CSVN từ chức vì “để bung bét như hiện nay, với hàng trăm ca chết mỗi ngày” rồi thản nhiên “kêu gọi nhà khoa học hiến kế chống dịch COVID-19 hiệu quả”.

Hôm 1/9/2021, báo đảng đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế CSVN “kêu gọi các nhà khoa học lĩnh vực sức khỏe đề xuất những giải pháp và hành động thiết thực, khả thi và hiệu quả với chi phí hợp lý, quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19”.

“Hơn lúc nào hết, sự chung tay hơn nữa của đội ngũ các nhà khoa học là rất cần thiết để cùng phát huy sáng tạo, cùng hành động, để có thêm các sản phẩm, giải pháp hữu hiệu hơn nữa phục vụ công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an tỏan cho đội ngũ nhân lực tham gia chống dịch…,” Bộ trưởng Long được các báo dẫn lời.

Người bệnh COVID-19 tại Việt Nam giờ chỉ biết phó thác cho số phận trong lúc bệnh viện quá tải, thiếu trầm trọng y bác sĩ và máy thở. Courtesy of Zing

Gần 12.000 người chết vì COVID-19

Lời kêu gọi của người đứng đầu Bộ Y tế CSVN được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận 470.000 ca nhiễm COVID-19 và gần 12.000 người chết, chưa kể số người qua đời tại nhà vì bệnh viện quá tải nên không được tính vào danh sách.

Trong bức thư ngỏ được truyền thông nhà nước đăng tải, ông Long không hề đả động gì về trách nhiệm cá nhân để xảy ra tình trạng ngành y tế vỡ trận, các biện pháp chống dịch thay đổi liên miên khiến người dân khốn khổ chịu trận. 

Lời kêu gọi của ông Long khiến giới nhà báo, xã hội dân sự lập tức dấy lên lời yêu cầu vị bộ trưởng này hãy từ chức.

Theo họ, Bộ trưởng Long có cả một năm theo dõi, nghiền ngẫm về dịch bệnh ở các nước khác để rút ra các bài học, chuẩn bị nhân lực, vật lực, xây dựng các phương án, kịch bản, bắt tay hành động… chống dịch tại Việt Nam.

Vậy mà vị bộ trưởng để tình hình bung bét như hiện nay, với hàng trăm ca chết mỗi ngày, nên không có gì để biện minh cho năng lực kém cỏi của ông này.

“Nếu làm lãnh đạo mà kệ cho mọi chuyện xảy ra rồi lên tiếng kêu gọi người khác hiến kế thì cho tôi làm bộ trưởng với. Tôi hứa sẽ kêu gọi hay hơn ông, sớm hơn ông,” ông Thức Phạm, nhà báo gốc Việt ở Mỹ, cho biết. 

Đến nay đã có 12.000 người ở Việt Nam sau khi được đưa vào bệnh viện là chết vì hệ thống y tế yếu kém và giới chức phạm phải nhiều sai lầm liên tiếp trong việc chống dịch. Courtesy of Zing

Cựu phó ban Tuyên giáo Trung ương được giao nắm sức khỏe toàn dân

Tuy vậy, công luận không hề ngạc nhiên về “năng lực” của ông Nguyễn Thanh Long, người từng ngồi ghế phó ban Tuyên giáo Trung ương nên sở trường của ông này là làm công tác tuyên truyền, bảo vệ đường lối của Đảng. Việc Bộ Chính trị điều động một cựu giới chức Tuyên giáo sang đứng đầu Bộ Y tế CSVN cho thấy sự coi thường sức khỏe và tính mạng người dân thế nào.

Do vậy mà khi xảy ra đại dịch COVID-19, lãnh đạo CSVN thoạt đầu loan báo chủ trương “Chống dịch như chống giặc”, nhưng càng chống càng “thương vong”.

Có lẽ nhận ra điều này nên ông Phạm Minh Chính mới đây đã phải thừa nhận khả năng “sống chung với dịch”.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, chủ phòng khám Quốc tế Exson, cảm thán: “Đùng một cái xét nghiệm tỏan dân. Đùng một cái xét nghiệm mỗi ngày. Đùng một cái tài xế xét nghiệm. Đùng một cái shipper xét nghiệm… Mà công ty dược nào cũng bị, chẳng cứ là bán kit xét nghiệm. Đùng một cái không được đi giao hàng. Đùng một phát phải có QR code… Đùng, đùng, đùng… Mệt quá mệt.”

Cùng thời điểm, Giáo sư Nguyễn Tuấn ở Úc, bình luận về chính sách phong tỏa triệt để của nhà cầm quyền CSVN trong thời gian qua: “Phong tỏa không làm giảm số ca nhiễm và số ca tử vong. Cố nhiên, có nhiều lý do tại sao tình như như thế. Một trong những lí do là dịch đã bắt đầu ‘bén rễ’ từ tháng 5/2021, và những con số vào tháng 6 chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thành ra, khi phong tỏa bắt đầu áp dụng thì dịch đã lan quá rộng.

Phong tỏa đã gây ra nhiều tác hại. Dù truyền thông Nhà nước không phản ảnh, nhưng ‘truyền thông lề dân’ trên các mạng xã hội cho thấy tình trạng đói khát ở người dân, nhứt là người nghèo và lao động. Phải nói là ‘đói’, và họ đi lang thang trên đường xá. Những ‘sáng kiến’ dùng bộ đội đi chợ đều thất bại và là thất bại thấy trước.

Người ta chết tại nhà do các bệnh khác vì không được nhập viện chữa trị. Điều trớ trêu là phong tỏa gây thiệt hại lớn hơn và nhiều hơn cho người nghèo, nhóm người mà chính sách phong tỏa muốn giúp!”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn