Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư “hứa” đưa hàng tỷ USD vào khởi nghiệp sáng tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong năm 2019, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trực thuộc Bộ KH&ĐT để thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hứa đưa hàng tỷ USD vào khởi nghiệp sáng tạo - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 diễn ra ở Hà Nội ngày 25/11. (Ảnh VGP)

Bước sang năm 2020, Bộ tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm.

“Mô hình của trung tâm đổi mới sáng tạo có thể nhân rộng ra các địa phương, ra các khu vực nhằm khai thác tối đa lợi thế phát triển của từng vùng, từng địa bàn” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia được bố trí cơ sở hoạt động tại Hòa Lạc và Hà Nội, dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2 sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.

Sự ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm sẽ đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ, hoàn chỉnh với kết nối trực tiếp tới các chủ thể của hệ sinh thái và sử dụng các cơ chế thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm.

Bộ KH&ĐT cam kết Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ đồng hành cùng các quỹ đầu tư gồm những doanh nghiệp khởi nghiệp được rót vốn. Và kỳ vọng sẽ hỗ trợ, đưa vào hàng tỷ USD vào khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Việt Nam không có công nghệ tiên tiến nhất hay hệ thống y tế tốt như nhiều nước nhưng đã chống dịch hiệu quả bằng những giải pháp thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn. Cộng đồng Startup đã như vậy chưa?”

Phó Thủ tướng đặt vấn đề và dẫn chứng sự vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước ra bên ngoài của một số doanh nghiệp Startup là do đã đi vào giải quyết những bài toán rất thiết thực.

Công nghệ có thể không bằng nước ngoài nhưng các doanh nghiệp Startup của Việt Nam đã phát triển mô hình kinh doanh, cách làm mới, từ kinh nghiệm trong nước để vươn ra thế giới.

“Các doanh nghiệp Startup của Việt Nam đã thiết thực hơn, sát với thực tiễn hơn, dựa vào thị trường lớn ở trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển” – Phó Thủ tướng đánh giá.

“Chúng ta huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp Startup tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình” – Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong phòng chống dịch Covid-19, mọi hoạt động đều phải điều chỉnh, vấn đề cũng đặt ra đối với cộng đồng Startup, đầu tư mạo hiểm.

Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo dài hạn, sát thực tế thì từ những công ty lớn đến doanh nghiệp non trẻ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt, ngay lập tức mới có cơ hội phát triển.

Phó Thủ tướng tin tưởng chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp Startup. “Cộng đồng Startup, hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, có sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, kết nối cả doanh nghiệp theo mô hình truyền thống và doanh nghiệp Startup, thì cộng đồng Startup sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; góp phần vào phát triển trong khu vực, giải quyết những vấn đề chung của nhân loại” – Phó Thủ tướng nói.

Theo Dân trí