Bộ trưởng Giáo dục CSVN bị chỉ trích vụ sách giáo khoa tăng giá

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục, Đào tạo CSVN

“Hơn 40 năm giải phóng miền Nam và gần 80 năm giải phóng miền Bắc nhưng Việt Nam chưa xây dựng được một bộ sách giáo khoa hoàn thiện, hoàn chỉnh và đạt chuẩn. Đó là một sự thất bại thảm hại của những người cai trị.”

Giá sách năm nay được nói là tăng gấp 2-3 lần năm trước. Theo lý giải của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn sáng 25/5 tại Quốc Hội, sở dĩ giá sách giáo khoa cao như thế là do được in trên giấy khổ lớn, phẩm chất giấy tốt, từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành do doanh nghiệp đảm nhiệm.

Facebook Hoàng Dũng viết: “Thật ra thì sao? Thật ra thì tư tưởng con buôn nó đã thể hiện rõ ràng trong từng câu chữ của người đứng đầu ngành giáo dục. Người ta quan tâm đến chất lượng, nội dung của sách giáo khoa chứ không phải hoa hoè hoa sói khổ lớn, giấy tốt. Lấy lý do khổ lớn, giấy tốt để biện hộ là suy nghĩ rất ngu dốt của một kẻ làm giáo dục như Sơn. Nó thể hiện rõ tư duy kinh doanh, hình thức.”

Ông Trần Trọng Nhân, người có 5 con nhỏ đang tuổi đến trường chia sẻ:

“Đó là sự ngụy biện của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục. Năm nay thì vật giá có thể tăng ở tất cả các nước, đó là tình hình chung của thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, nhưng với một quốc gia coi vấn đề giáo dục là quốc sách thì Chính phủ có nhiều nguồn lực để hỗ trợ, để giữ cho sách giáo khoa không tăng lên, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh nghèo.

Cái thứ hai quan trọng, sách giáo khoa không cần phải in trên giấy tốt như vậy làm gì cho tốn tiền người dân. Cách giải thích như vậy là không thể thuyết phục, không hợp lý. Cái quan trọng có bộ sách giáo khoa là nội dung. Phải xây dựng các nội dung đúng chuẩn và thống nhất trên cả nước để học sinh từ vùng này qua vùng khác không bị lệch lạc về kiến thức. Nội dung sách mới là quan trọng chứ không phải cái hình thức. Hơn 40 năm giải phóng miền Nam và gần 80 năm giải phóng miền Bắc nhưng Việt Nam chưa xây dựng được một bộ sách giáo khoa hoàn thiện, hoàn chỉnh và đạt chuẩn. Đó là một sự thất bại thảm hại của những người cai trị.”

Là đơn vị phát hành hai trong số ba bộ sách giáo khoa theo chương trình mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ ra một số điểm khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn sách mới và cũ khiến giá sách tăng cao với truyền thông Nhà nước.

Thứ nhất, nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, không bằng ngân sách nhà nước. Thứ hai, nhuận bút cao hơn để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Thứ ba, khổ sách lớn hơn, giấy dày, tốt in nhiều màu hơn. Thứ tư là chi phí quảng cáo do có nhiều đơn vị cùng tham gia.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đứng ở góc độ chi phí của nhà xuất bản, cho rằng việc tăng giá sách như thế là hợp lý. Nhưng quan điểm của ông thì lĩnh vực nào độc quyền thì Nhà nước chỉ định còn những lĩnh vực nào cạnh tranh thực sự thì để thị trường quyết định. Ông nói:

Bộ Giáo dục phải có kinh phí thực hiện bộ sách giáo khoa, nhưng bộ này không thực hiện vì nếu thực hiện thì phải mời những người có năng lực, có trình độ vào để tham gia biên soạn. Nhưng với cơ chế tài chính của Việt Nam thì tính toán theo định mức, theo chi tiêu của Bộ Tài chính thì người ta không chấp nhận được vì chi rất thấp.  

Muốn xã hội hóa, muốn được duyệt nội dung cuốn sách thì phải tập hợp những người trí tuệ, có năng lực thực sự để biên soạn thì mới cạnh tranh được, người ta mới duyệt. Bộ sách có giá trị hơn nhưng giá sách sẽ cao hơn. Nhà nước yêu cầu giá thấp thì đó là sự mâu thuẫn.

Nếu độc quyền chỉ có một anh sản xuất thì Nhà nước chỉ định. Nhưng nếu có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia in một loại sách thì chắc chắn nó sẽ cạnh tranh. Khi đó Nhà nước không thể quyết định được giá. Đó là mô hình quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Vừa muốn xã hội hóa vừa muốn qui định giá thì không bao giờ được”.

Xuất bản sách giáo khoa được coi là lĩnh vực kinh doanh với lợi nhuận cao ngất ngưởng, là thị trường béo bở của nhiều doanh nghiệp. Hoạt động xuất bản sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với 72% của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tương đương 621 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, bình quân mỗi ngày đơn vị này lãi gộp hơn nửa tỷ đồng từ mảng kinh doanh đang nắm thế độc quyền trên thị trường.

Tuy lãi cao như thế nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng giá sách với lý do nêu ra để “đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí và tạo sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng”. Cứ như thế, giá sách năm sau lại cao hơn năm trước khiến người dân nghèo chịu thiệt thòi.

(Theo RFA)