Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn “cho Trung Quốc một bài học”?

Nhà phân tích Miguel Miranda cho rằng thương vụ vũ khí với Mỹ có thể đem lại khả năng "răn đe" trong thế trận đối đầu giữa Philippines với Trung Quốc.

Philippines trước sức ép hiện đại hóa không quân

Trước sức ép của Trung Quốc, người Philippines đang rất cần tăng cường sức mạnh trên không.

Không quân Philippines (PAF) đã đưa ra kế hoạch hiện đại hóa các phi đội máy bay già cỗi của mình vào năm 2014 và vào năm 2015 đã chính thức thiết lập “Kế hoạch phát triển lực lượng Không quân Philippines đến năm 2028 (gọi tắt là Kế hoạch Không quân 2028)”

Về cơ bản, Manila đã chuẩn bị mua một phi đội tiêm kích F-16 C/D của Mỹ. Tuy nhiên thương vụ này có thể khiến Philippines phải chi ra hơn phân nửa ngân sách quốc phòng – với số tiền tương đương 2,7 tỷ USD.

Điều này đặt ra câu hỏi rằng khoản đầu tư này có xứng đáng hay không?

Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn cho Trung Quốc một bài học? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16.

Nhà sáng lập Tạp chí “Chạy đua vũ trang châu Á thế kỷ 21” của Philippines Miguel Miranda đã chia sẻ quan điểm với Tạp chí The EurAsian Times của Ấn Độ về vấn đề này như sau:

“Sau 30 năm bị thu hẹp, PAF rất cần tái trang bị. Việc Philippines quyết định cho loại biên F-5 vào giữa những năm 2000 là một quyết định thiếu sáng suốt vì nó xóa bỏ tiêm kích phản lực duy nhất của PAF và thay vào đó là một loại máy bay cánh quạt.

Sau đó dưới thời Tổng thống Aquino (2010-2016), Philippines đã mua hàng chục phản lực cơ hạng nhẹ KAI F/A-50 của Hàn Quốc và chúng đã được đưa vào trang bị đúng thời điểm diễn ra Trận chiến Marawi vào năm 2017″.

PAF đặt mục tiêu “đánh chặn và vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với không phận của quốc đảo thông qua Kế hoạch Không quân 2028, được thực hiện theo hai bước riêng biệt, được gọi là “Quy trình hỗ trợ” và “Quy trình cốt lõi”.

Hợp đồng mua hàng chục phản lực cơ hạng nhẹ F/A-50 của Hàn Quốc đã được ký vào năm 2014 và số máy bay này đã được giao hết cho PAF vào năm 2017 với giá khoảng nửa tỷ USD.

FA-50 nhanh chóng tham chiến với vai trò hỗ trợ hỏa lực tầm gần chống lại những kẻ khủng bố trong Trận chiến Marawi ở Mindanao.

Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn cho Trung Quốc một bài học? - Ảnh 2.

Phản lực cơ hạng nhẹ F/A-50 ném bom IS.

Tuy nhiên cuộc chiến cũng đã bộc lộ những thiếu sót khá rõ ràng của PAF – bao gồm cả việc thiếu trực thăng tấn công tiên tiến.

PAF đã tỏ ra nỗ lực trong việc sửa sai khi vào năm 2020, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) hé lộ việc Mỹ có thể bán trực thăng vũ trang AH-1Z hoặc AH-64E Apache cho Quân đội Philippines. Tuy nhiên, vẫn chưa có xác thực thông tin nào kể từ đó.

Ngoài phản lực cơ, Kế hoạch Không quân 2028 đã mua sắm một số loại máy bay không quan trọng trong năm 2017, như trực thăng Agusta Westland (AW) -109 và Bell 412, cùng 3 máy bay vận tải C295.

Tất cả những đơn đặt hàng này là một phần của “quy trình cốt lõi” của Kế hoạch Không quân 2028. PAF cũng đã đặt hàng 6 chiếc tiêm kích cánh quạt hạng nhẹ A-29 Super Tucanos, như một phần của “quy trình cốt lõi”.

Vụ rơi máy bay vận tải C-130H Hercules của PAF ở Jolo hồi đầu tháng 7/2021 khiến 52 người thương vong có thể giúp tái khẳng định nhu cầu hiện đại hóa không quân của Philippines thông qua Kế hoạch 14 năm.

Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn cho Trung Quốc một bài học? - Ảnh 3.

Hiện trường vụ rơi máy bay C-130H Hercules của PAF.

Tại sao Philippines cần tiêm kích 1 động cơ?

Việc PAF tập trung mua sắm tiêm kích một động cơ thế hệ 4 – những thứ đã “khẳng định được thương hiệu” – đã được khởi động từ lâu. Nhưng nỗ lực tìm kiếm chỉ mới bắt đầu gần đây khi DSCA thông báo rằng, họ sẽ bán 12 tiêm kích đa năng F-16C/D cho PAF.

Giải thích lý do đằng sau PAF mua tiêm kích một động cơ, nhà phân tích Miranda lưu ý:

“Sở thích sử dụng các mẫu máy bay một động cơ bắt nguồn từ lịch sử của PAF, PAF cũng là lực lượng sử dụng F-86 và thậm chí sở hữu phi đội F-86 Crusaders đầu tiên trong khu vực.

Và trên thị trường hàng không, tiêm kích một động cơ có giá cả phải chăng. Tôi tự hỏi liệu PAF có cần tiêm kích hai động cơ hạng nặng trong tương lai hay không”.

Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn cho Trung Quốc một bài học? - Ảnh 4.

F-86H Crusader của Không quân Philippines.

Khi được hỏi về lý do tại sao PAF chọn F-16 chứ không phải Saab JAS Gripen, nhà phân tích Miranda cho biết:

“Quyết định cuối cùng về việc mua F-16 là thuộc về Bộ Quốc phòng (DND). Do nền kinh tế (Philippines) bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, chúng ta có thể phải đợi nhiều tháng trước khi bất kỳ xác nhận (hoặc bác bỏ) được công bố.

Trong lịch sử, Mỹ là nhà cung cấp chính của PAF nên không có gì ngạc nhiên khi F-16C/D được PAF lựa chọn”.

Kế hoạch mua sắm F-16 hiện chiếm một phần lớn ngân sách quốc phòng hàng năm của Philippines – vốn chỉ 4,26 tỷ USD.

Với giá trị hợp đồng ước tính lên tới 2,7 tỷ USD, những chiếc F-16 dự kiến sẽ được trang bị một loạt các loại vũ khí thông minh bao gồm tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder Block II trị giá 42,2 triệu USD và tên lửa chống hạm AGM-84L-1 Harpoon trị giá 120 triệu USD.

F-16 là máy bay chiến đấu đa năng đầu tiên của Không quân Mỹ, đây được coi là chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 4 thành công nhất trong lịch sử hàng không quân sự. Không quân Mỹ có hơn 2.000 chiếc F-16 đang hoạt động, trong khi 2.500 chiếc F-16 đang hoạt động tại 25 quốc gia.

Theo nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin, “F-16 Block 70/72 kết hợp các nâng cấp sâu, đáng chú ý nhất là radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) tiên tiến và hệ thống điện tử hàng không mới; đồng thời thân máy bay cũng được nâng cấp cấu trúc để kéo dài tuổi thọ của máy bay hơn cao hơn 50% so với các máy bay F-16 sản xuất trước đó”.

“Phần mềm của F-16 Block 70 được xây dựng hoàn toàn mới, khả năng hoạt động được nâng cao thông qua một liên kết dữ liệu tiên tiến, tìm và khóa mục tiêu; định vị GPS và Hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động (Auto GCAS)”.

Theo hợp đồng, PAF sẽ nhận được 10 F-16C Block 70/72 cùng 2 F-16D Block 70/72 (biến thể 2 chỗ ngồi); 15 pháo M61A1 Vulcan 20mm, 24 tên lửa tầm xa AIM-120C-7/8, 24 tên lửa tầm ngắn AIM-9X Sidewinder Block II và 12 tên lửa chống hạm AGM-84L-1 Harpoon Block II, 6 quả bom Mk-82 226kg và 6 quả bom huấn luyện Mk-82 226kg.

Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn cho Trung Quốc một bài học? - Ảnh 6.

Tiêm kích F-16 với tên lửa diệt hạm Harpoon có thể gây sức ép với Trung Quốc?

Mục tiêu “răn đe” Trung Quốc?

“Chắc chắn F-16 và chuỗi cung ứng toàn cầu hỗ trợ nó đã được sử dụng rộng rãi ở Châu Á – Thái Bình Dương (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Indonesia), có nghĩa là các phi đội sẽ được duy trì trong nhiều thập kỷ.

Trọng tải và vai trò của F-16 là không thể chê trách, F-16 có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào. Một lợi thế cụ thể của việc sử dụng F-16 là PAF có thể huấn luyện với các lực lượng không quân nước ngoài sử dụng loại máy bay này trong nhiều năm”, Miranda nói.

Tuy nhiên, PAF đã yêu cầu một phi đội Không quân đa dạng, với ít nhất 100 máy bay cánh cố định, trong đó một nửa là máy bay chiến đấu để hoạt động như một biện pháp răn đe đáng tin cậy, chống lại lực lượng không quân đông đảo của Trung Quốc.

“Đến năm 2028, PAF sẽ ở trong tình trạng tốt nhất, khi đó ngoài tiêm kích, PAF còn được trang bị UAV (máy bay không người lái) Super Heron và Hermes 900 từ Israel – có thời gian hoạt động dài trên không.

Những phương tiện này sẽ nâng cao đáng kể khả năng trinh sát trong phạm vi rộng lớn, nhất là các vùng biển lân cận; đây là điều tối quan trọng đối với toàn bộ lực lượng vũ trang.

Nếu số máy bay F-16C/D đi vào hoạt động, thì PAF nên mở rộng các căn cứ của mình, để có thể bố trí thêm hàng chục máy bay chiến đấu khác.

Nói chung, vào năm 2028, PAF sẽ có được khả năng răn đe tối thiểu. Nhưng người thay đổi cuộc chơi thực sự, đó là Philippines phải mời được Mỹ triển khai lực lượng ở đây”, Miguel Miranda kết luận.

Bỏ ra gần 3 tỷ USD cho thứ vũ khí Mỹ này, Philippines muốn cho Trung Quốc một bài học? - Ảnh 8.

Hình minh họa.