Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông vẫn ‘khó khăn và chậm chạp’

Nhiều vấn đề căn bản để thực thi Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông vẫn chưa có lời giải đáp nên đạt được sự đồng thuận không dễ.

Tác giả Aristyo Rizka Darmawan, một chuyên viên về luật pháp quốc tế của Viện Đại Học Indonesia, mới đây viết trên tạp chí East Asia Forum, về những trở ngại làm cho các cuộc thương thuyết về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (COC) đến nay vẫn nhúc nhích một cách khó khăn chậm chạp.

Các cuộc đàm phán hồi năm ngoái đã không diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc vì phải lo đối phó với đại dịch COVID-19. Năm nay, vì tình hình dịch bệnh đột ngột trở nên nghiêm trọng ở khu vực, theo ông Darmawan, cuộc họp dự trù trong Tháng Bảy tại Jakarta đã không xảy ra. Bởi vậy khả năng có thể kết thúc đàm phán trong năm nay vẫn mù mờ.

Tuy nhiên, theo ý kiến tác giả trên, có 4 vấn đề căn bản của COC mang tính pháp lý cần phải được thỏa thuận thì người ta mới có thể có một hiệp định chặt chẽ để thi hành một cách nghiêm chỉnh, buộc các bên phải tuân theo.

Thứ nhất, các bên tranh chấp phải thỏa hiệp về mặt địa lý. Bộ COC phải xác định giới hạn chủ quyền lãnh thổ theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) gồm cả tuyên bố vùng biển đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý kể từ đường cơ sở được cho phép. COC phải không cho phép đàm phán dựa trên “chủ quyền lịch sử” mơ hồ như cái trò Bắc Kinh vẫn tuyên bố khi vẽ ra cái vạch “Lưỡi Bò” tưởng tượng.

Tòa Trọng Tài Quốc tế đã phán quyết hồi năm 2016 là tuyên bố chủ quyền “Lưỡi Bò” đó là vô giá trị thì bất cứ tuyên bố nào trái với Công Ước UNCLOS đều bất hợp pháp.

Thứ hai, Bộ COC phải có tính ràng buộc pháp lý và phải có cơ chế giải quyết các tranh chấp vì nếu không hiệp định có cũng như không. Tác giả trên không nói ra nhưng người ta hiểu Bắc Kinh muốn Bộ COC chỉ mang tính tham khảo để dễ bề thao túng dựa trên sức mạnh quân sự ăn trùm ở khu vực. Đó là không kể những điều khoản Bắc Kinh muốn đẩy các nước bên ngoài khu vực (chính yếu là Mỹ) đi chỗ khác.

Thứ ba, dù mang tính ràng buộc pháp lý hay không, cần phải có cơ chế theo dõi sự tuân thủ thỏa hiệp để bảo đảm hiệu quả của hiệp định. Sự thành công của Bộ COC được đo lường qua sự tuân hành của các bên liên quan.

Bản đồ Biển Đông với các vạch chủ quyền chồng lấn của các nước khu vực. (Hình: Asiatimes)

Thứ tư, Bộ COC phải có một cơ chế để giải quyết các tranh chấp. Các sự tranh chấp có thể xảy ra và các bên liên quan có thể có những giải thích khác nhau về bản thỏa hiệp hay sự áp dụng các cam kết. Hầu hết các bản hiệp định đều có quy định về tiến trình dàn xếp tranh chấp.

Các bên liên quan đến đàm phán COC có thể dùng nhiều diễn đàn hay định chế quốc tế để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như Tòa án Quốc tế, Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague (Hòa Lan) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg (Đức Quốc).

Một vấn đề khác nữa là cơ chế giải quyết các tranh chấp có nên bắt buộc hay không. Chẳng hạn Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) có cơ chế buộc các bên tranh chấp tham gia đàm phán để giải quyết.

Qua cái nhìn và sự phân tích nói trên, nếu có nối lại các cuộc đàm phán, thỏa hiệp được hay không vẫn là dấu hỏi rất lớn.

Theo Người Việt