Home Việt Nam Bộ Ngoại giao CSVN ngó lơ 166 người Việt mắc kẹt ở...

Bộ Ngoại giao CSVN ngó lơ 166 người Việt mắc kẹt ở Myanmar

Nhóm người Việt Nam đang được bố trí sống tạm trong một trường học bỏ hoang ở miền Bắc Myanmar
Nghe đọc bài

Các thân nhân viết đơn đề nghị giải cứu công dân đến Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh Kiên Giang vào ngày 16/10, và bốn ngày sau họ lặn lội ra Hà Nội để gửi đơn cho Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao, nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

“Chúng tôi là người Việt Nam, ở đây 40 ngày rồi, không có cơm ăn, không điện, không nước. Giờ chúng tôi lạnh quá, hết tiền ăn, lương thực giờ đã cạn kiệt.

Xin Đại sứ quán Việt Nam cứu chúng tôi về Việt Nam càng sớm càng tốt. Cứu, cứu, cứu!”

Đó là tiếng kêu đồng thanh của nhóm người Việt đang bị kẹt lại ở vùng chiến sự ở biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc, trong video.

Họ nằm trong số 166 người bị lừa sang làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến ở phía bắc Myanmar, được quân đội của chính quyền quân sự giải cứu vào ngày 20/10 vừa qua, và sau đó được bố trí sống tạm trong một trường học bị bỏ hoang.

Một giọng nam khác tiếp lời khi đám đông ngừng hô:

“Đại sứ quán bảo xác nhận được thông tin của công dân nhưng mà vẫn chưa thấy đến thăm gặp chúng tôi và xử lý cho chúng tôi để chúng tôi về.

Mong Sứ quán và Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng cứu lấy chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi về quê hương sớm nhất có thể. Cứu lấy chúng tôi!”

Một phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang có con gái đang bị kẹt lại cùng nhóm người trên hôm 01/12 cho hay, con bà cùng nhiều người khác được quân đội Myanmar giải cứu trong một cuộc kiểm tra hành chính ở một công ty có tên Việt là Tập đoàn Liên Thắng.

Người phụ nữ không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh cho biết, 166 người sống trong những phòng học, chỉ được cấp điện từ một đến hai tiếng trong buổi sáng, không có nước sinh hoạt, quân đội phát đồ ăn ngày hai bữa, tiêu chuẩn một bữa chỉ được một bát cơm và canh rau cho mỗi người.

“Thời tiết bên đó bây giờ lạnh rồi mà nhiều người không có áo ấm để mặc,” bà thuật lại lời người con.

Đang làm việc ổn định ở một nhà hàng địa phương, con bà bỏ nhà sang Myanmar vào giữa tháng 8 theo lời dụ dỗ có công việc nhẹ nhàng với mức lương 21 triệu đồng/tháng. Bà chia sẻ:

“Hai tuần đầu thì tương đối dễ chịu, được đi nhà hàng và mua sắm. Sau đó công ty ký hợp đồng lao động và bắt đầu siết chặt con tôi lại liền. Họ không cho dùng điện thoại luôn.

Ký hợp đồng xong là công ty bắt con tôi sử dụng Facebook để kêu gọi đầu tư, lừa đảo người Việt. Nếu không đạt chỉ tiêu doanh thu một ngày 200-300 triệu thì công ty sai người đánh đập con em của mình hoặc là bỏ đói trong phòng, có khi là chích điện.

Công ty ép buộc một số cháu khác tìm người Việt Nam qua bên đó làm việc cho công ty. Nếu mà không được chỉ tiêu là công ty cũng cho người đánh đập và chích điện.”

Bà cho biết con của bà cùng đi với nhóm bạn hàng chục người và đều làm trong cùng một công ty. Điều hành công ty là những người nói tiếng Trung Quốc và Myanmar, và công ty có thông dịch viên người Việt để truyền đạt mệnh lệnh cho nhân viên.

Những người Việt bị kẹt đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước qua Myanmar làm việc theo lời dụ dỗ, riêng Kiên Giang có khoảng 100 người, bà cho hay.

Một số người bị nhóm buôn người lừa và ép đưa sang Myanmar để làm công việc lừa đảo trực tuyến. Họ bị hành hung và tra tấn khi không làm đúng theo ý của chúng hay không đạt chỉ tiêu.

Sau khi những nạn nhân gọi điện về nhà cầu cứu, bà cùng các thân nhân khác viết đơn đề nghị giải cứu công dân đến Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh Kiên Giang vào ngày 16/10, và bốn ngày sau họ lặn lội ra Hà Nội để gửi đơn cho Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao, nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

“Hồi bữa chúng tôi có điện lên chỗ mà chúng tôi nộp đơn thì người ta nói hiện nay Việt Nam và Myanmar đang đàm phán với Trung Quốc để phía Trung Quốc mở tạm cửa khẩu để người Việt rời vùng chiến sự của Myanmar để sang đó tạm lánh.

Tôi nghe thông tin công dân Thái Lan, Campuchia, và Philipines đã được về nước qua đường Trung Quốc, nhưng không hiểu sao con tôi và các bạn vẫn bị kẹt tại Myanmar.”

(Theo RFA)

Exit mobile version