‘Bố Già,’ phim Việt Nam đầu tiên đạt doanh thu hơn $1 triệu tại Mỹ

Sau đợt chiếu ra mắt ấn tượng tại 19 rạp vào cuối tuần nhân ngày Memorial Day vừa qua, phim “Bố Già” (Dad, I’m Sorry) lọt vào danh sách “Top 10” những phim mới phát hành đạt doanh thu phòng vé cao nhất tại Hoa Kỳ, và xếp thứ nhất xét theo doanh thu trung bình mỗi rạp, theo thông cáo báo chí của 3388 Films, công ty phát hành phim này tại Mỹ, cho biết hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Sáu.

Danh hài Trấn Thành, vai Ba Sang, trong phim “Bố Già.” (Hình: 3388 Films)
Nghe đọc bài

Chỉ sau ba đợt cuối tuần, “Bố Già” trở thành phim Việt Nam đầu tiên đạt doanh thu hơn $1 triệu tại Mỹ.

Riêng tuần thứ ba, phim thu được $116,000, nâng tổng doanh thu lên đến gần $1.08 triệu.
“Thành công đáng kinh ngạc này phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam chúng ta tại Hoa Kỳ,” ông Thiên A. Phạm, đại diện 3388 Films tại Bắc Mỹ, chia sẻ. “Chúng tôi thực sự đang ‘đánh thức’ thị trường nội địa Hoa Kỳ cho phim Việt Nam vào thời điểm này, và những số liệu này thật sự rất khích lệ đối với phim Việt Nam cũng như tất cả các phim quốc tế và độc lập.”

“Qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng có thêm nhiều khích lệ, tiếp tục tạo ra những thị trường mới ngay tại nội địa Hoa Kỳ để các bộ phim quốc tế tiếp cận được nhiều khán giả hơn.”

Bộ phim thành công nhờ sự ủng hộ của cộng đồng người Việt định cư khắp Hoa Kỳ, từ các khu vực như Orange County (Nam California), San Jose (Bắc California), Houston (Texas), Seattle (Washington), và Atlanta (Georgia), tới Orlando (Florida).

Ngay sau đợt chiếu ra mắt, “Bố Già” đạt doanh thu ngoài dự trù của giới chuyên môn, thu về hơn $400,000, xác lập kỷ lục phim Việt Nam có đợt công chiếu cuối tuần tốt nhất tại các rạp ở Hoa Kỳ.

Dù chỉ phát hành giới hạn tại 19 rạp khắp nước Mỹ, “Bố Già” thu được trung bình $22,000 tại mỗi rạp, vượt qua cả “A Quiet Place Part II” và “Cruella” để dẫn đầu danh sách các phim cùng chiếu vào dịp cuối tuần đó.

Sang tuần thứ hai, số rạp chiếu “Bố Già” tăng lên tới 38, và phim phim vẫn tiếp tục “thống trị” phòng vé – đạt mức doanh thu khổng lồ $230,000 ngay trong đợt cuối tuần đó, và thu về tổng cộng hơn $960,000 tính đến cuối tuần lễ thứ hai.

Qua tuần thứ ba, có tới 47 rạp chiếu “Bố Già,” đạt kỷ lục số lượng rạp tại Mỹ chiếu một phim Việt Nam.

Dựa theo “web-drama” thành công cùng tên, “Bố Già” dẫn dắt chúng ta đi sâu vào cuộc sống trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn thông qua nhân vật Ba Sang (Trấn Thành), một ông già bao đồng, luôn hết lòng vì mọi người.

Sống trong một gia đình không hòa thuận êm ấm, ngày qua ngày, Ba Sang hy sinh bản thân để duy trì sự cân bằng mong manh giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ của mình.

Là sự pha trộn hoàn hảo giữa yếu tố hài hước và đồng cảm, “Bố Già” mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, theo phong cách “Little Miss Sunshine,” với góc nhìn độc đáo và ý nghĩa về những kiểu gia đình phức tạp. Phim “Little Miss Sunshine,” phát hành năm 2006, nói về gia đình Hoover với nhiều thế hệ khác nhau, leo lên một chiếc xe buýt đi đến California, ủng hộ đứa con gái tham gia cuộc thi hoa hậu.

“Hy vọng lớn nhất của tôi là không những chỉ người Việt Nam đi xem mà những bạn trẻ thế hệ ‘gen Z’ của Mỹ …Tại vì, sau khi xem bộ phim này, tôi thấy rất nhiều khán giả khóc, rồi họ yêu thương bố mẹ mình hơn, bố mẹ cũng yêu thương con hơn, thông cảm cho chúng hơn. Cho nên đó là lý do vì sao tôi muốn đưa bộ phim này đến Mỹ,” danh hài Trấn Thành, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, và cũng là diễn viên chính của phim, cho hay.

Các nhân vật trong phim “Bố Già,” do 3388 Films phát hành tại Mỹ. (Hình: 3388 Films)

Bố Già (Dad, I’m Sorry) do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn; Trấn Thành Town, Galaxy Studio, HK Film đồng sản xuất; 3388 Films phát hành tại Bắc Mỹ.

3388 Films là công ty sản xuất và phát hành phim với uy tín được khẳng định tại hơn 20 thị trường và ngôn ngữ khác nhau, chuyên về nội dung phim và truyền thông Châu Á và Đông Nam Á. Công ty không ngừng hỗ trợ các nhà làm phim độc lập và quốc tế không có cơ quan đại diện và chưa được giúp đỡ. Sứ mệnh của 3388 Films là chủ đích tạo ra và kết nối các nội dung phim và phương tiện truyền thông với khán giả toàn cầu.