Bộ Công An CSVN lại ‘tung hỏa mù’ về tin đồn dẫn độ Hồ Thị Kim Thoa

Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công thương CSVN, hiện đang bị truy nã. Courtesy of Zing

Động thái của Bộ Công An CSVN trước tin đồn cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị bắt tại Pháp và sắp bị dẫn độ về Hà Nội được ghi nhận tương tự như diễn biến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ba năm trước.

Hôm 17/11/2020, một ngày sau khi có tin đồn về việc bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công thương CSVN đã bị bắt và sắp sửa bị dẫn độ về Việt Nam, báo Doanh Nhân dẫn lời ông Tô Ân Xô, chánh văn phòng Bộ Công an CSVN: “Bộ không nhận được thông tin chính thức về việc này nên chưa xác nhận nguồn tin là đúng hay sai.”

Tương tự diễn biến vụ bắt Trịnh Xuân Thanh 

Bà Thoa bị khởi tố vắng mặt và bị truy nã với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến vi phạm xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trước đó, Facebooker Thanh Hiếu Bùi, tức Người Buôn Gió, hiện đang định cư tại Đức liên tiếp đưa tin trên trang cá nhân: “Ngày 17/11/2020 có chuyến bay từ Pháp về Việt Nam, khả năng bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ về trong chuyến này. Anh em nào hứng có thể tìm thông tin chuyến bay về sân bay nào để chụp ảnh để đời.”

“Bà Thoa lúc bị bắt đã sợ hãi tụt huyết áp, lẽ ra bà về chuyến bay ngày 11/11/2020 nhưng lúc đó chưa thỏa thuận xong. Tuy được cảnh báo sớm, nhưng bà Thoa vẫn chủ quan và tin rằng phía mật vụ Việt Nam không dám bắt bà tại Pháp. Bà không nhận thức được [Tổng thống Pháp Emmanuel] Macron đã từng đi đêm với [Tổng thống Nga] Putin thì sẽ không ngại gì đi đêm với Việt Nam,” ông Bùi Thanh Hiếu cho biết. 

Khu phố ở Paris được cho là nơi bà Hồ Thị Kim Thoa có căn hộ. Courtesy of Facebook Thanh Hieu Bui

Đáng lưu ý, cách Bộ Công an CSVN đưa ra phản hồi đối với tin đồn cử mật vụ sang bắt bà Thoa tại Paris, Pháp giống hệt cách Bộ này từng làm ba năm trước trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức. 

Tờ Pháp Luật TP.HCM hôm 30/7/2017 dẫn lời ông Tô Lâm bộ trưởng Công an CSVN: “Chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước như mạng xã hội lan truyền.”

Phát ngôn của ông Tô Lâm được đưa ra sau khi nhà báo Huy Đức gây xôn xa khi hé lộ trên trang cá nhân rằng “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”.

Đáng lưu ý, chỉ một ngày sau khi báo nhà nước dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Tô Lâm, truyền thông nhà nước loan tin ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú sau gần một năm bị truy nã” trong lúc công luận nửa tin nửa ngờ.

Thời điểm đó, BBC Tiếng Việt dẫn bình luận của Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội CSVN: “Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú lạ tai, nghe giống như phép màu. Tôi bất ngờ khi nghe tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú.”

Bị cáo buộc trong vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh

Trong vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, truyền thông nhà nước liên tục đưa nhiều cáo buộc về bà này trong những tháng qua. Theo đó, trong thời gian dài, bà Thoa “nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Bà Thoa còn bị cáo buộc “có vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định”.

Bà Hồ Thị Kim Thoa bị cáo buộc “có vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định”. Courtesy of Moit.gov.vn

Những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là “nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật”.

Bà Thoa là một trong hai cựu lãnh đạo cao cấp của Bộ Công thương CSVN bị khởi tố. Người còn lại là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương CSVN, cũng bị khởi tố cùng tội danh. Tuy vậy, theo lý giải của báo nhà nước, ông Hoàng chưa bị bắt vì đang bị bệnh tim mạch, ung thư tuyến tiền liệt.

Hồi tháng 7/2020, tờ Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Mai Bộ, ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội CSVN: “Việt Nam có thể dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa bằng đường ngoại giao. Nghĩa là, bây giờ người ta chấp nhận cho mình dẫn độ, sau này nếu có trường hợp tương tự, mình cũng phải đáp ứng cho họ như thế.”

Cùng thời điểm, báo VietnamNet cho hay, Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp “là cơ sở phòng chống tội phạm bỏ trốn”.

Theo đó, mỗi bên chỉ định một cơ quan trung ương để thực hiện hiệp định này. Theo đó, đối với Việt Nam, cơ quan trung ương là Bộ Công an CSVN, đối với Cộng hòa Pháp là cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp.

Hiệp định này có điều khoản quy định, trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của bên yêu cầu “có thể yêu cầu bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ”.

Trong vụ này, điều công luận quan tâm là liệu nhà cầm quyền CSVN có tái diễn màn bắt cóc bà Thoa và tiếp tục dàn dựng việc bà “nhận tội” trong bản tin trên kênh Truyền hình Việt Nam như trường hợp Trịnh Xuân Thanh. 

Nếu sự việc diễn ra như vậy thì CSVN tiếp tục phớt lờ và coi thường luật pháp quốc tế.

Nhiều khả năng, câu trả lời sẽ có trong vài ngày tới.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn