Blinken hoãn chuyến thăm TQ sau vụ khí cầu do thám

Ông Blinken và Tổng thống Joe Biden đã xác định tốt nhất là không nên tiếp tục chuyến thăm Trung Quốc vào lúc này.

Ngoại trưởng Antony Blinken công bố hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến vào cuối tuần này khi chính quyền Biden cân nhắc phản ứng mạnh hơn trước vụ việc phát giác khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua các khu vực nhạy cảm ở miền Tây Hoa Kỳ, một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm 3/2.

Quyết định đột ngột được đưa ra bất chấp tuyên bố của Trung Quốc rằng khí cầu “là một vệ tinh nghiên cứu thời tiết”. Hoa Kỳ mô tả nó như một vệ tinh giám sát.

Quyết định được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Blinken chuẩn bị rời Washington đến Bắc Kinh, trong lúc quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng. Quan chức này cho biết Blinken và Tổng thống Joe Biden đã xác định tốt nhất là không nên tiếp tục chuyến đi vào lúc này.

A high altitude balloon floats over Billings, Mont., on Wednesday, Feb. 1, 2023. The U.S. is tracking a suspected Chinese surveillance balloon that has been spotted over U.S. airspace for a couple days, but the Pentagon decided not to shoot it down due to risks of harm for people on the ground, officials said Thursday, Feb. 2, 2023. The Pentagon would not confirm that the balloon in the photo was the surveillance balloon. (Larry Mayer/The Billings Gazette via AP)
Khí cầu do thám của Trung Quốc

Cuộc gặp được mong đợi từ lâu của Blinken với giới chức cấp cao của Trung Quốc đã được cả hai nước coi là cách hữu hiệu để tìm điểm chung giữa những bất đồng lớn về Đài Loan, nhân quyền, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Hàn, cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chính sách thương mại và biến đổi khí hậu.

Chuyến đi của ông Blinken được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí vào tháng 11/22 tại hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia.

Các cuộc họp của ông Blinken thoạt đầu dự kiến diễn ra trong hôm 5 và 6/2.

Việc phát giác khí cầu do thám đã được các quan chức Lầu Năm Góc công bố hôm 2/2, một trong những nơi nó được phát hiện là ở bang Montana, nơi có một trong ba bãi chứa tên lửa hạt nhân của Mỹ tại Căn cứ Không quân Malmstrom.

Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết Mỹ đã chuẩn bị các máy bay chiến đấu, bao gồm cả F-22, để bắn hạ khí cầu nếu được lệnh. Lầu Năm Góc cuối cùng đã ngăn biện pháp này, lưu ý rằng ngay cả khi khí cầu bay qua khu vực dân cư thưa thớt của Montana, kích thước của nó tạo ra một mảnh vụn đủ lớn để có thể gây nguy hiểm cho mọi người.

Khí cầu do thám được cho là bay qua các bãi tên lửa Montana, nhưng Mỹ đã đánh giá rằng nó có giá trị “hạn chế” về mặt cung cấp thông tin tình báo.

Tuy nhiên, vụ này khiến Washington lo ngại và thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ đối với chính quyền, đặc biệt là từ các thành viên Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa, những người ủng hộ việc có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Trong một tuyên bố mang tính trấn an, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào cuối ngày 3/2 rằng đây là khí cầu dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng. Bộ cho biết khinh khí cầu có khả năng “tự điều khiển” hạn chế và “bị gió thổi đi lệch xa so với lộ trình dự kiến ban đầu”.