Binh đoàn có nhiệm vụ ‘làm ăn’ của Phạm Bá Hiền

Nguyễn Xuân Phúc từng giao nhiệm vụ làm ăn cho Binh đoàn 16
Nghe đọc bài

Báo chí tuyên truyền của chế độ Hà Nội tuy vạch lưng Phạm Bá Hiền nhưng có vẻ cái ông “chủ lò” đốt tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đang ngoảnh mặt đi nơi khác.

Bà cụ Từ Thị Loan, 83 tuổi, chỉ là người trồng rau rồi đem bán thì đào đâu ra tiền để xây biệt phủ? Bà có ba đứa con, hai trai một gái. Con gái lấy chồng ở địa phương, hai con trai ở trong quân đội. Con trai út của bà là Phạm Bá Hiền, năm nay 51 tuổi, mới được thăng hàm từ đại tá lên thiếu tướng hồi Tháng Năm vừa qua. Ông này cũng mới được cho leo lên từ phó tư lệnh làm tư lệnh Binh đoàn 16 từ Tháng Mười Một năm ngoái.

Thiên hạ sửng sốt là phải vì không thể nào bà cụ bán rau, ở cái tuổi gần đất xa trời, nhờ đó lại có khả năng xây dựng tòa lâu đài kiến trúc kiểu cổ phương Tây có tường bao quanh trên diện tích đất gần 2,500m2. Cây trồng trên đất đều là những thứ cây quý vận chuyển từ xa về, nói gì đến trang trí nội thất xa xỉ. Tổng trị giá xây dựng của biệt phủ ước lượng trên dưới 100 tỉ đồng hay khoảng $4.3 triệu đô la.

Người nông dân ở Việt Nam dành sự ngưỡng mộ cho bà cụ bán rau xây được biệt phủ ở Hà Tĩnh

Tiền để xây biệt phủ, với cái lương đại tá còm cõi, cả nhà ông Hiền phải nhịn ăn khoảng gần 700 mới hy vọng đủ. Còn nếu bà Hiền lấy tiền bán rau thì có thể phải hơn ngàn năm mới đủ. Người ta đều tin cái biệt phủ này tuy đứng tên bà cụ bán rau Từ Thị Loan, nhưng chủ nhân chính của nó là ông tân thiếu tướng Phạm Bá Hiền, tư lệnh Binh đoàn 16.

Binh đoàn 16, còn có tên khác trong các giao dịch thương mại là Tổng công ty 16, là một trong mấy tổ chức kinh tài của Bộ Quốc phòng CSVN. Với quân số khoảng 12,000 người, phạm vi hoạt động binh đoàn này bề mặt là “giúp xây dựng các khu kinh tế kết hợp với quốc phòng, khu dân cư xã hội trên địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, dân tộc dọc tuyến biên giới tây nam thuộc tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Lắk (cũ).

Thật ra, người ta còn thấy kinh doanh của Binh đoàn 16 có cả “nhập cảng than đá” và nhiều chuyện khác nữa chứ không phải chỉ nằm ở mấy tỉnh dọc biên giới Tây Nam.

Như vậy, nhiệm sở của Phạm Bá Hiền nằm ở tỉnh Bình Phước còn bữa tiệc ở biệt phủ thôn Đông Thắng chỉ là nơi ông sẽ về đó ở khi “hạ cánh an toàn”.

Ai cũng biết các cơ sở kinh tài hay quốc doanh của nhà nước CSVN đều là nơi để quan chức chế độ đục khoét, mua quan bán tước. Cho nên, người ta tuy không nói ra nhưng hiểu ngay là tiền đổ ra để xây biệt phủ không phải là tiền bán rau của bà lão, mà tiền đục khoét của ông con út Phạm Bá Hiền ở Binh đoàn 16 và trước đó là một chi nhánh công ty Thăng Long.

Người ta được biết rằng ông Phạm Bá Hiền, 21 năm trước, từng bị khởi tố bị can với tội danh “trốn thuế” khi ông ta còn là phó giám đốc chi nhánh 3 của công ty Thăng Long (công ty kinh tài của Bộ Quốc phòng CSVN), theo bản tin Người Lao Động ngày 22 Tháng Tám 2002. Tuy nhiên, không hiểu vì sao người ta chỉ thấy tin tức ông Hiền bị “khởi tố bị can” rồi sau đó, không thấy ông ta bị tù tội gì dù bị cáo buộc “trốn thuế nhập khẩu hơn 1.18 triệu mét vải và hàng trăm ngàn tấn vải sợi” gây thiệt hại 560,000 USD.

Liên quan đến vụ này, tờ Thanh Niên ngày 16 Tháng Tám 2002 kể rằng nhiều viên chức hải quan cũng có dấu hiệu giúp Phạm Bá Hiền trốn thuế, nhưng sau đó cũng thấy chìm xuồng luôn.

Xuyên qua vụ này, người ta thấy ông Hiền dù phạm tội nhưng đã chạy thuốc đủ liều đủ lượng nên không hề bị ở tù, lại còn được thuyên chuyển về chỗ khác, tiếp tục kiếm chác, xây biệt phủ. Báo chí tuyên truyền của chế độ Hà Nội tuy vạch lưng ông ta nhưng có vẻ cái ông “chủ lò” đốt tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đang ngoảnh mặt đi nơi khác.

(Theo Người Việt)