Biểu trưng hữu nghị Việt – Trung qua đường sắt Cát Linh – Hà Đông!

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba chiều 24 tháng 6 năm 2020.

Cuối tháng 3 năm 2020, Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải thông báo, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa biết khi nào đưa vào vận hành nhưng đã phải thanh toán cho tổng thầu 509 trên 644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng với ít nhất 11 lần lùi tiến độ.

Đây là tuyến đường sắt bị cho đạt kỷ lục thế giới cả về thời gian thi công lẫn số tiền đội vốn. Dự án này được phê duyệt đầu tư từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó gần 420 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc. Đến năm 2019, tổng mức đầu tư cho dự án này đã đội vốn lên hơn 880 triệu USD, với gần 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc. Đây cũng là dự án bị coi là ‘khúc xương gà khó nuốt’ của chính quyền Hà Nội, bởi tới cũng khó mà lui cũng không xong.

Tại buổi gặp giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba vào chiều 24 tháng 6, ông Hùng Ba khẳng định dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam- Trung Quốc.

Trao đổi với RFA qua email, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng nên hiểu câu nói của ông Hùng Ba qua hai khía cạnh:

Đem nó biểu trưng cho tình hữu nghị thì gián tiếp nói rằng tình hữu nghi ấy cũng đầy rẫy sự thối tha, cũng được tạo nên bằng sự hối lộ. – Giáo sư Nguyễn Đình Cống

“Thứ nhất, đây là một trò thử thách Vương Đình Huệ, bí thư Hà Nội. Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ung nhọt thối tha nhiều người biết rõ. Ông Huệ càng phải biết. Thế mà đại sứ ca ngợi để xem Huệ có phản ứng gì không. Nếu ông Vương Đình Huệ nghe xong mà im lặng thì tỏ ra quá hèn hoặc quá kém trí tuệ khi cần phản ứng kịp thời, có thể dùng thủ đoạn để lấn tới.

Thứ hai, ông đại sứ chơi xỏ. Ông biết rõ đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ung nhọt thối tha, là quan chức Việt vì nhận hối lộ nhiều mà để xảy ra tính trạng bi đát như thế. Đem nó biểu trưng cho tình hữu nghị thì gián tiếp nói rằng tình hữu nghị ấy cũng đầy rẫy sự thối tha, cũng được tạo nên bằng sự hối lộ.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói thêm rằng, ông thật sự phẫn uất khi nghe câu nói này. Nếu ông là Vương Đình Huệ thì đã ‘choảng’ cho ông đại sứ vài câu nhớ đời, rồi có bị Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cũng vui vẻ nhận, bởi dù cho hiểu theo khía cạnh nào thì câu nói của đại sứ Trung Quốc cũng chứa ý đồ rất ‘đểu cáng’.

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2020, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ông Vương Đình Huệ mời Đại sứ Hùng Ba và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham dự hội nghị này. Ông Huệ cho biết Hà Nội sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận các chuyên gia Trung Quốc sang làm việc cũng như cùng với Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ chào mừng 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Trở lại với dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong báo cáo gửi Quốc hội hôm 21 tháng 5 năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đưa ra lời hứa cụ thể về thời gian vận hành tuyến đường sắt này mà chỉ báo cáo đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác trong thời gian sớm nhất khi đủ điều kiện.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. AFP

Với rất nhiều người dân Việt Nam thì dự án này làm rạn nứt tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Trung, nên khi nghe câu nói của Đại sứ Hùng Ba, người dân chỉ biết phì cười. Luật sư Đặng Trọng Dũng bày tỏ cảm nghĩ của ông:

“Tôi thấy rằng nếu ai có theo dõi tình hình xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì sẽ nghĩ đây là điều mỉa mai. Rõ ràng câu nói đó chỉ làm người dân phì cười. Thứ hai nữa, không hiểu ông đại sứ này là đại sứ mới hay cũ và có hiểu biết câu chuyện đường sắt này hay không, nhưng về mặt ngoại giao thì những câu nói đó là những câu đầu môi chót lưỡi của bất cứ nhà ngoại giao nào.”

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc thì bày tỏ thất vọng về dự án đường sắt trên cao ở Việt Nam khi chính ông chứng kiến tập đoàn Sunway Malaysia làm một tuyến đường sắt trên cao ở nước này chỉ trong vòng 18 tháng là khánh thành. Ông nhận định về tình hữu nghị Việt-Trung và câu nói của ông Đại sứ Hùng Ba:

“Tôi cho rằng phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Có thể nói đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, là những người phải đóng thuế để trả cho cái tình hữu nghị này.

Cái tình hữu nghị Việt-Trung không thể hiện qua cái đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông mà nó còn xuất hiện từ rất lâu. Từ những ngày đấu tranh trên bàn hội nghị Geneva năm 1954, khi Trung Quốc bán đứng cách mạng Việt Nam. Rồi cái tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc nó thể hiện ra cái biên giới đường lưỡi bò nuốt trọn Biển Đông mà những tháng gần đây Trung Quốc hăm he đủ trò để không chế Việt Nam, đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.”

Có thể nói đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam… – Ông Đinh Kim Phúc

Theo ông Đinh Kim Phúc, ông Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã phải ngậm đắng nuốt cay để tiếp một anh láng giềng mà ông gọi là “thằng láng giềng khốn nạn”. Việc báo chí ở Việt Nam đăng tin công khai, chạy tít “biểu trưng của tình hữu nghị Việt-Trung”, tức là mỉa mai cái tình hữu nghị này mà họ không dám nói ra.

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Một tháng sau, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân.

Năm 1991, hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Tuy vậy, cho đến bây giờ, chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ ý muốn áp đảo Việt Nam ở mọi lĩnh vực từ trên bộ, trên biển lẫn kinh tế, ngoại giao.

Năm 2019 là năm Trung Quốc lấn áp Việt Nam mạnh mẽ qua sự kiện Bãi Tư Chính. Trung Quốc liên tục xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi cho tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ tống vào thực hiện khảo sát. Thế nhưng báo chí trong nước vẫn gọi mối quan hệ Việt-Trung là hữu hảo qua các hoạt động liên quan ngoại giao, quốc phòng và thương mại.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từng nhận định rằng, Trung Quốc ép Việt Nam trên cả ba mặt trận, đó là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn; không được khai thác và không được tập trận chung với các nước trong khu vực.

RFA