Biểu tình bùng lên khắp Mỹ về vụ sát hại người da den ở Minneapolis

Một người biểu tình vung tay trước những tòa nhà đang bốc cháy trong các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của George Floyd ở Minneapolis, bang Minnesota, ngày 30 tháng 5, 2020.

Các cuộc biểu tình bùng lên tối ngày thứ Sáu vào kéo dài đến khuya ở nhiều thành phố ở Mỹ liên quan đến vụ một sĩ quan cảnh sát da trắng sát hại một người đàn ông da đen bằng cách đè đầu gối lên cổ ông ta ở thành phố Minneapolis.

Các cuộc biểu tình đôi khi bạo động nổ ra ở các thành phố từ New York đến Atlanta trong một làn sóng phẫn nộ về cách mà lực lượng chấp pháp đối xử với những nhóm người thuộc sắc dân thiểu số.

Tại Detroit, một người đàn ông 19 tuổi biểu tình trong thành phố bị bắn chết vào tối ngày thứ Sáu bởi một nghi phạm tấp xe vào gần những người biểu tình và nổ súng vào đám đông, sau đó chạy trốn, báo The Detroit Free Press và các cơ quan truyền thông địa phương khác đưa tin.

Hàng trăm người trong thành phố trước đó đã tham gia một cuộc “Tuần hành Chống lại Sự Tàn bạo của Cảnh sát” vào cuối buổi chiều bên ngoài Trụ sở Sở An toàn Công cộng Detroit.

Hàng ngàn người biểu tình hô khẩu hiệu tràn xuống đường ở quận Brooklyn của Thành phố New York, gần khu vực nhà thi đấu thể thao Barclays Center. Cảnh sát với dùi cui và bình xịt hơi cay đã bắt giữ hàng chục người biểu tình trong các vụ đụng độ đôi khi bạo lực.

Tại Washington, các cảnh sát viên và nhân viên Mật vụ dàn lực lượng hùng hậu xung quanh Nhà Trắng trước khi hàng chục người biểu tình tụ tập trên đường phố tại Quảng trường Lafayette, hô khẩu hiệu, “Tôi không thở được.”

Các cuộc biểu tình nổ ra và lan rộng khắp đất nước trong tuần này sau khi các đoạn video quay trên điện thoại di động lan truyền rộng rãi trên internet. Nó cho thấy nạn nhân người da đen George Floyd, 46 tuổi, thở hổn hển và liên tục rên rỉ, “Làm ơn, tôi không thở được,” trong khi một viên sĩ quan cảnh sát khống chế ông ta bằng cách đè đầu gối lên cổ.

Đoạn video lại châm ngòi cho sự phẫn nộ mà các nhà hoạt động dân quyền nói đã sôi sục từ lâu ở Minneapolis và các thành phố trên khắp đất nước vì thiên kiến chủng tộc dai dẳng trong hệ thống tư pháp hình sự của Mỹ.

Tại Atlanta, Bernice King, con gái út của nhà tranh đấu dân quyền Martin Luther King Jr., kêu gọi mọi người trở về nhà vào tối ngày thứ Sáu sau khi hơn 1.000 người biểu tình tuần hành đến thủ phủ của bang Georgia từ Công viên Centennial Olympic, làm tắc nghẽn giao thông và đường cao tốc liên bang trên đường họ tuần hành.

Cuộc biểu tình trở nên hỗn loạn và có lúc bạo động. Lửa bùng lên ở trung tâm Atlanta gần trụ sở của đài truyền hình tin tức CNN.

Ít nhất một xe cảnh sát bị thiêu rụi. Các cửa sổ kính bị đập vỡ tại tòa nhà CNN, cùng với mặt tiền của các cửa hàng. Cảnh sát đẩy lùi đám đông, nhưng họ ném các chai lọ vào các sĩ quan.

Người biểu tình cũng xuống đường ở các thành phố khác bao gồm Denver và Houston.

Tại Minneapolis, hàng trăm người biểu tình đã bất chấp lệnh giới nghiêm 8 giờ tối để tụ tập tại các đường phố xung quanh một đồn cảnh sát bị cháy đêm hôm trước.

Derek Chauvin, cựu sĩ quan cảnh sát Minneapolis bị ghi hình trong những video khổng chế ông Floyd bằng đầu gối, bị buộc tội sát nhân trong vụ án này vào ngày thứ Sáu.

Chauvin, người đã bị sa thải khỏi lực lượng cảnh sát cùng với ba sĩ quan khác một ngày sau vụ chạm trán chết người hôm thứ Hai, đã bị bắt vì tội sát nhân cấp độ ba và tội ngộ sát vì vai trò của ông ta trong cái chết của ông Floyd.

VOA