Home Thế Giới Biểu tình 2019: Hồng Kông xét xử nhiều gương mặt tiêu biểu...

Biểu tình 2019: Hồng Kông xét xử nhiều gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ

Nghe đọc bài

Hôm nay, 16/02/2021, một tòa án tại Hồng Kông bắt đầu xét xử những người tổ chức một trong những cuộc biểu tình phản kháng, đòi dân chủ, lớn nhất năm 2019. Trong số các bị cáo, có nhiều gương mặt được kính trọng nhất của phong trào dân chủ Hồng Kông.

Cuộc biểu tình ngày 18/08/2019 là cuộc biểu tình đông người tham gia thứ hai trong suốt bảy tháng biểu tình chống dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc. Theo ban tổ chức biểu tình đã có khoảng 1,7 triệu người tham gia, tương đương với một phần tư dân số Hồng Kông. Những người tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ này bị cáo buộc tội tổ chức biểu tình « không được phép ». Phiên tòa dự kiến kéo dài hai tuần lễ. Các bị cáo có nguy cơ bị phạt tù đến 5 năm. Trong số 9 bị cáo, chỉ có hai người nhận tội. Giới bảo vệ nhân quyền lên án việc chính quyền sử dụng tội danh « biểu tình không được phép », để đàn áp giới tranh đấu.

Theo AFP, một trong những người nổi tiếng nhất trong số các bị cáo là luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee), 82 tuổi. Vị luật sư này chính là người đã được chính quyền Bắc Kinh lựa chọn, để soạn ra bộ Luật cơ bản, được coi là Hiến pháp của đặc khu Hồng Kông, trước khi Hồng Kông được Anh quốc trao trả lại cho Trung Quốc.

Ngồi trên ghế bị cáo còn có cựu dân biểu đối lập, nữ luật sư Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), 73 tuổi, hay nhà tỉ phủ truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), hiện đang bị tạm giam trong một vụ án khác, liên quan đến bộ luật khắc nghiệt về an ninh quốc gia, mà Bắc Kinh buộc Hồng Kông phải ban hành cuối tháng 6/2020.

Nhiều người trong số các bị cáo là thành viên chủ chốt của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF). Chính liên minh CHRF đã tổ chức các cuộc tuần hành lớn nhất năm 2019, trong bối cảnh phong trào phản kháng diễn ra với nhiều hoạt động, với các cuộc biểu tình diễn ra gần như hàng ngày.

Khi các bị cáo đi vào tòa, cử tọa đã chào đón, với ba ngón tay, biểu tượng của cuộc chiến chống chế độc tài nhiều nước châu Á. Cựu dân biểu Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), biệt danh « Lương tóc dài », một trong 9 bị cáo, hô vang : « Biểu tình không phải là tội ác ! Đả đảo truy tố vì động cơ chính trị ! ».

Phong trào phản kháng năm 2019, được sự hưởng ứng của dân chúng, rốt cuộc đã dẫn đến thắng lợi của đối lập trong các cuộc bầu cử địa phương tháng 11/2019. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2020, phong trào chựng hẳn lại, do nhiều nguyên nhân : chính quyền cấm các cuộc tập hợp do đại dịch, hàng nghìn vụ bắt bớ diễn ra, một bộ phận người biểu tình đã thấm mệt.

Trong lúc phong trào phản kháng giành được thắng lợi với việc chính quyền đặc khu buộc phải rút lại dự luật dẫn độ, chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát tại Hồng Kông, với luật An ninh Quốc gia, áp đặt từ cuối tháng 6/2020. Chính quyền cũng mượn cớ dịch bệnh để hoãn lại một nămi cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông. Đây là một cuộc bầu cử, mà giới quan sát dự đoán đối lập Hồng Kông có rất nhiều khả năng giành thắng lợi.

Theo RFI

Exit mobile version