Home Việt Nam Biệt động Sài Gòn: phải chăng đó là tổ chức khủng bố?

Biệt động Sài Gòn: phải chăng đó là tổ chức khủng bố?

Nghe đọc bài

“Sự mưu trí, gan dạ của nhóm biệt động khi tổ chức hoạt động ngay trong lòng địch với sự hóa thân nhiều thân phận khác nhau cùng mang khát vọng, yêu nước, hòa mình …”

Theo định nghĩa của Luật phòng, chống khủng bố hiện hành của Việt Nam, thì, khủng bố là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng.

Thế nào là khủng bố?

Toàn văn của định nghĩa trên tại điều 3.1 của Luật phòng, chống khủng bố, như sau:

“Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:

a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Giả dụ cách hiểu ở trên cũng được ‘hồi tố’ trở ngược về hơn 45 năm về trước cũng của những người cộng sản, thì tổ chức được gọi là “Biệt động Sài Gòn”, đích thị là một tổ chức khủng bố. Do vậy, nếu hiện tại cứ tiếp tục vinh danh về “Biệt động Sài Gòn”, cho thấy đó không chỉ là điều phản cảm, mà còn dấu hiệu của một hành động mang tính dã man đáng lên án của “Biệt động Sài Gòn”.

Tôn vinh Biệt động Sài Gòn vì họ là những anh hùng?

Tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” vừa được Sở Du lịch TP.HCM và Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định giới thiệu đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), là điều muốn nói đến ở đây từ định nghĩa về khủng bố kể trên.

Tour bắt đầu bằng bữa sáng ở quán cơm tấm Đại Hàn – cà phê Đỗ Phủ (trên đường Đặng Dung, quận 1) – một trong những căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Khách tham quan bảo tàng thông minh (dùng điện thoại chụp lại bất kỳ hiện vật nào trong bảo tàng, phần mềm Hệ thống tương tác thông minh sẽ tự động hiện lên các bức ảnh, video hay bài viết liên quan), tìm hiểu những câu chuyện lịch sử về quá trình hoạt động cũng như xem những kỷ vật của Biệt động Sài Gòn; sau đó khám phá nơi cất giấu vũ khí bí mật của tổ chức này tại di tích lịch sử quốc gia ở địa chỉ 287/2 Võ Văn Tần. Chương trình kết thúc tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt dinh Thống Nhất – tức dinh Độc Lập, hay còn gọi là Phủ Đầu Rồng.

Theo giới thiệu, thì phương tiện di chuyển giữa các điểm đến là các loại xe được các chiến sĩ biệt động Sài Gòn từng sử dụng như xe Honda 67, Honda Dame, xe hơi cổ. Trong suốt hành trình, du khách được trải nghiệm như một chiến sĩ với các hoạt động: cải trang thành ‘biệt động’, ăn – nghỉ tại các điểm mà các chiến sĩ biệt động thường hay tập kết, được ‘chui’ hầm như một người lính thực thụ và những trải nghiệm bất ngờ khác…, song chưa rõ là có tập luôn việc ‘đánh bom’ giống như biệt động Sài Gòn hồi trước hay chăng?

Bản thuyết minh của tour có đoạn viết: “Sự mưu trí, gan dạ của nhóm biệt động khi tổ chức hoạt động ngay trong lòng địch với sự hóa thân nhiều thân phận khác nhau cùng mang khát vọng, yêu nước, hòa mình là những điều hấp dẫn của tour này”. Tham gia tour ở hôm ra mắt có các nhân chứng lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn như ông Phan Văn Hôn, bà Minh Nghĩa, ông Mười Thơ và ông Trần Vũ Bình – con trai của cố chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai…

Biệt động Sài Gòn hay còn gọi là Biệt động Thành, từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Sài Gòn, khi lực lượng vũ trang này gần như sẳn sàng bất ngờ tấn công vào nơi ở của thường dân, những nơi mà dân chúng hay lui tới như cơ quan hành chánh, sân bay, nhà hàng, trường học.

Biệt động Sài Gòn đã làm gì mà gọi là khủng bố?

Một nạn nhân của biệt động Sài Gòn trong vụ khủng bố ở nhà hàng Mỹ Cảnh

Có thể kể về một vài ‘chiến tích’ của tổ chức Biệt động Sài Gòn: vụ đánh bom khủng bố Tòa Đô Chánh tại Sài Gòn ngày 26-10-1962, làm 7 người thiệt mạng và 47 người khác bị thương.

Ngày 16-6-1965, nhà ga phi trường Tân Sơn Nhứt bị Biệt động Sài Gòn đặt chất nổ khiến 9 người thiệt mạng, 40 người bị thương. Vụ ‘đánh bom’ khách sạn Victoria nằm trên đường Trần Hưng Đạo (cạnh bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ngày nay), ngày 1-4-1966 mang đến nhiều thương vong. Đây là nơi ở của gia đình quân nhân.

Vụ ‘đánh bom’ giết hại nhiều thường dân và trẻ em ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh vào lúc 20g15 ngày 25-6-1965 của Biệt động Sài Gòn, cho đến nay vẫn còn được nhắc kể về một tội ác, chứ không phải là chiến công đáng tự hào của tổ chức Biệt động Sài Gòn. Ngoài ra, còn có chuyện ‘đánh bom’ vào tòa nhà Tương trợ Đại học Quốc tế vào ngày 3-5-1968, góc đường Hồng Thập Tự – Cường Để, gần trụ sở Đài Truyền hình…

Nếu căn cứ vào cách hiểu hiện tại của Luật phòng, chống khủng bố đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2013, thì tổ chức “Biệt động Sài Gòn” có các hoạt động khủng bố. Nay nếu lại hồ hỡi mở tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”, khác nào lại cổ súy cho hành vi mà cả thế giới lên án?

Có người chua chát nhận xét, không phải không có lý do mà các băng nhóm khủng bố ngày nay như Al Qaeda, vẫn nhìn sự tồn tại của chính quyền Hà Nội với lòng tôn kính và ngưỡng mộ (!?)

Theo VNTB

Exit mobile version