Biện pháp công khai giá thuốc và dịch vụ công y tế: hưởng ứng và băn khoăn

Ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết những dịch vụ công, dịch vụ ngành y tế cung ứng đều được công khai trên Cổng công khai Y tế, không để cho người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh theo chỉ đạo của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cụ thể, Cổng công khai Y tế sẽ là nơi chứa đầy đủ giá cả, các thông tin về dịch vụ y tế; 60.000 loại dược phẩm, 28.000 loại thực phẩm chức năng, toàn bộ trang thiết bị y tế lưu hành tại Việt Nam.

Ý kiến người dân

Chị Bảo Châu, hiện đang sống tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ ủng hộ với việc công khai giá thành của Bộ Y tế:

“Chị thấy nếu Sở Y tế công bố chuyện thuốc men, dịch vụ y tế cho có được giá niêm yết là tốt. Thông thường, không phải nói xấu gì nhưng bên mình thật sự cứ hễ thấy thuốc gì hoặc mặt hàng nào dân cần là bắt đầu đẩy giá lên cao gấp 3, 4, 5 lần, nhiều khi gấp một chục lần. Như đợt COVID vừa rồi, khẩu trang lên cao quá cao, các loại thuốc nữa.”

Chị Châu cũng nêu lên thực trạng giá cả bất ổn trong các dịch vụ ngành y và dược hiện nay:

“Khi chưa công khai bảng giá dịch vụ thì (giá) thuốc thang nhảy tứ tung, tưng bừng khói lửa. Ngay cả chuyện xét nghiệm máu hay đi siêu âm là những cái căn bản thì mỗi nơi một giá, giá cả nhảy tứ tung, muốn để sao để, người dân không biết giá nào đúng, nhiều người mất tiền oan.”

Chị Kim Nguyễn, đang là dược sĩ cho một tiệm thuốc tây ở Bình Dương đưa ra quan điểm của chị qua Facebook Messenger như sau:

“Cái khúc không được để người dân mù mờ về chi phí ok đó, công khai dịch vụ y tế thì tốt chứ. Cái gì cũng vậy, cứ công khai là tốt, được thì được, không được tự đi chỗ khác. Còn hơn mắc mỏ rồi bóc phốt này nọ. Vô bệnh viện mà thấy cái bảng giá siêu âm, mổ xẻ, cắt cục u bao nhiêu ít ra cũng dễ xử hơn. Riêng công khai giá thuốc men là sao thì chưa hiểu lắm, là giá nhập giá bán? Công không công gì ở nhà thuốc cũng có bảng giá bình ổn công khai trước giờ.”

Trao đổi với RFA vào tối 18/11, Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn nhận định:

“Tôi có nghe chuyện đó nhưng tôi chưa nắm được họ sẽ công khai cái gì trên đó và công khai thế nào. Ở Việt Nam có tình trạng các trang web đưa lên và không được cập nhật, khi mình xem đến thông tin cách vài năm và bây giờ cực kỳ lạc hậu. Không biết trang nào đó họ công khai như thế có được update (cập nhật) thường xuyên hay không và công khai những gì.”

Tính hiệu quả

Đây không phải lần đầu người đứng đầu Bộ Y tế nhắc đến Cổng công khai Y tế.

Trước đó, vào ngày 9/9/2020, khi còn giữ chức Quyền Bộ trưởng, ông Nguyễn Thanh Long cho báo chí Nhà nước biết Cổng thông tin sẽ đăng giá thiết bị y tế tương ứng với cấu hình, tính năng kỹ thuật, thuế phí, các dịch vụ cơ bản đi kèm như bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng, linh kiện thay thế… Giá này do các nhà cung cấp tự công bố trên cổng thông tin bằng tài khoản do Bộ Y tế cấp.

 

Một công nhân kiểm tra máy thở y tế trước khi xuất xưởng tại một xưởng sản xuất tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 8 năm 2020.
Một công nhân kiểm tra máy thở y tế trước khi xuất xưởng tại một xưởng sản xuất tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 8 năm 2020. AFP

Vẫn theo lời ông Nguyễn Thanh Long, về lâu dài cổng này công bố cả giá nhà nhập khẩu khai báo với hải quan, cộng với thuế, phí, các dịch vụ, lợi nhuận vừa phải, từ đó sẽ tính ra mức giá bán tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay:

“Cái này được quy định trong Luật Đấu thầu nên giá thuốc phải được công khai trên trang web của Bộ Y tế và cổng thông tin chính phủ thì nó mới rõ ràng, minh bạch, những tiêu cực mới không xảy ra. Đó là quan điểm của tôi. Thí dụ bây giờ muốn mua một trang thiết bị y tế thì phải đấu thầu và giá đó phải được công khai cho tất cả cơ quan, tổ chức, người dân biết. Chính vì không công khai như vậy dễ phát sinh tham nhũng, nâng kê giá gấp 4, 5 lần giá trị nên quy trình này lẽ ra phải làm lâu rồi.”

Tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế như Luật sư Nguyễn Văn Hậu vừa nhắc đến đã xảy ra rộng rãi tại Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Mới đây, vào ngày 9/11, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) với cáo buộc là chủ mưu trong vụ nâng khống giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 bằng hình thức chỉ định thầu. Theo đó, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỉ đồng, được nâng khống lên hơn 9 tỉ đồng, gây thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng cho nhà nước.

Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm và 9 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 222, Bộ Luật hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định, văn bản quy phạm pháp luật có quy định rõ những nội dung về công khai sản phẩm, trang thiết bị y tế, nên những người quản lý nhà nước, có chức trách phải có những quy chế để thực hiện việc mua bán đúng pháp luật và được công khai trên Cổng công khai Y tế, kể cả chi phí dịch vụ công, dịch vụ ngành y tế và thuốc men.

Trong khi đó, Bác sĩ Võ Xuân Sơn lại cho rằng, nếu chỉ công khai là chuyện nên làm, nhưng từ chuyện công khai để quy định chênh lệch giá là việc không phù hợp:

“Thực ra mà nói thì giá dịch vụ mình không thể nào định giá chung cho các bệnh viện, mỗi bệnh viện có một nền tảng dịch vụ khác nhau, cung cách phục vụ và chất lượng dịch vụ khác nhau, nên nếu định giá chung thì tôi nghĩ sẽ hơi khó.”

Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn, không chỉ riêng với dịch vụ mà cả giá thuốc cũng vậy. Ông cho rằng Việt Nam theo kinh tế thị trường nên việc giá thuốc dao động lên xuống theo cung – cầu và quy luật thị trường chứ không thể định giá theo lệnh hành chính, dù biết rằng chính phủ đang muốn quản lý tình trạng nâng giá thuốc ‘vô tội vạ’.

Theo RFA