Biển Đông : Úc nghiêng về phía Mỹ, nhưng độc lập về chiến lược

Trong thời gian qua, nước Úc đã tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên nhiều hồ sơ, từ dịch Covid-19 cho đến Hồng Kông, nhưng đặc biệt vấn đề Biển Đông đã khiến căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm, đến mức mà thủ tướng Scott Morrison đã không loại trừ khả năng xảy ra xung đột giữa hai nước.

Bước ngoặt lớn nhất trong quan hệ Úc-Trung chính là công hàm gởi Liên Hiệp Quốc ngày 24/07/2020, trong đó Canberra cho rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, cụ thể là không phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Như vậy là chính phủ Úc đã có lập trường tương tự như Mỹ trước đó, vì Hoa Kỳ cũng đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên phần lớn Biển Đông trong phạm vi bản đồ « đường lưỡi bò » mà Bắc Kinh tự vẽ.

Trong một thời gian dài, nước Úc đã cố tránh phải chọn đứng hẳn về phe nào, giữa một bên là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, và bên kia là Hoa Kỳ, đồng minh vững chắc nhất về mặt an ninh. Nhưng trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Úc-Trung ngày càng xấu đi, và Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng trên Biển Đông, Canberra đã thay đổi chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia, với việc nghiêng nhiều hơn về phía Washington.

Tuy vậy, chính phủ của thủ trướng Scott Morrison vẫn giữ được tính độc lập về chiến lược của nước Úc. Đó là nhận định của nhà báo Lưu Tường Quang, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 10/08/2020.

Nhà báo Lưu Tường Quang

RFI : Xin kính chào ông Lưu Tường Quang, thưa ông, vì sao Úc nay có lập trường dứt khoát như vậy đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông ?

Lưu Tường Quang : Từ trước đến nay, trong vấn đề Biển Đông, Úc có một lập trường rất rõ rệt. Khi Tòa Trọng tài Thường trực vào ngày 12/07/2016 ra phán quyết rằng xác quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dưới hình thức « đường lưỡi bò » 9 đoạn là « không có cơ sở pháp lý » và do đó, bất hợp pháp, thì Úc là một trong những quốc gia đầu tiên, cùng với Mỹ và Nhật, lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa và kêu gọi Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết này, vì trên căn bản Công ước LHQ về Luật Biển 1982, phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye có tính chất chung quyết và cưỡng hành

Thủ tướng Morrison đã có nhiều tuyên bố về Biển Đông, nhưng tuyên bố quan trọng nhất về mặt nguyên tắc đó là khi ông đến thăm Việt Nam vào tháng 08/2019. Trong cuộc họp song phương với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông tuyên bố : «  Vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi mà chúng ta tôn trọng chủ quyền và nền độc lập của nhau, bởi vì nếu chúng ta để chủ quyền và nền độc lập của bất cứ quốc gia láng giềng nào bị cưỡng bức, tất cả chúng ta đều bị suy giảm ».

Tuy thủ tướng Morrison không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ai cũng biết là ông muốn nói đến sự đe dọa của Trung Quốc và phản ứng của nước Úc là đứng về phía các quốc gia nhỏ tại Đông Nam Á.

Đầu tháng 06/2020, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gởi thư đến tổng thư ký LHQ xác quyết là Trung Quốc chớ nên cưỡng ép hay bắt nạt các quốc gia khác và cho rằng Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang có tham vọng biến chủ quyền biển thành một « đế quốc hàng hải ».

Chỉ vài tuần lễ sau đó, nước Úc là quốc gia thứ nhì gởi công hàm gởi tổng thư ký LHQ trình bày quan điểm của Úc về Biển Đông. Đây là công hàm duy nhất đặt vấn đề không chỉ Biển Đông nói chung, mà cả vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Úc kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế và cho rằng xác quyết chủ quyền biển của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và do đó, bất hợp pháp.

RFI : Thưa ông đụng đến Biển Đông là đụng đến vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc. Như vậy là nước Úc có vẻ như sẵn sàng đương đầu một cách toàn diện với Trung Quốc. Canberra không sợ những hậu quả nặng nề về kinh tế, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc ?

Lưu Tường Quang : Úc sẵn sàng chấp nhận áp lực từ phía Trung Quốc, và vẫn không nhượng bộ, tại vì giao thương giữa Canberra và Bắc Kinh bao gồm nhiều vấn đề. Các thành phần quan trọng nhất là quặng mỏ, khí đốt, than đá. Ba sản phẩm đó có tính chất chiến lược thiết yếu đối với Bắc Kinh, vì Trung Quốc cần những sản phẩm đó để phát triển. Cho nên, giao thương Úc-Trung là hai bên cùng có lợi.

Vì lý do đó là Canberra không sợ hãi trước áp lực của Bắc Kinh và cũng vì Úc giữ lập trường theo đúng luật lệ của Tổ chức Thuơng mại Thế giới và tôn trọng những thương ước giữa hai bên.

RFI : Mặc dù Hoa Kỳ, đồng minh thân cận nhất về an ninh, được biết là đã gây áp lực rất mạnh, chính phủ Úc vẫn không chấp nhận tham gia tuần tra với Mỹ trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo đang tranh chấp mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Vì sao Úc lại có thái độ kiên quyết như vậy ?

Lưu Tường Quang : Nước Úc giữ lập trường độc lập để tránh bị coi là một quốc gia lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Gần đây giữa Úc và Hoa Kỳ có một hội nghị thường niên gọi là AUSMIN, hay là 2+2, tức là đối thoại giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của hai nước. Hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Úc Maryse Payne và Linda Reynolds đã bay sang Washington để gặp hai ông Mike Pompeo và Mark Esper. Ai cũng nghĩ là Hoa Kỳ trong cuộc thảo luận này đã gây áp lực để Úc tham gia vào chương trình tuần tra Biển Đông của Mỹ bảo vệ tự do hàng hải.

Từ mấy chục năm nay, Úc vẫn tuần tra bằng chiến hạm và phi cơ, nhưng chưa bao giờ đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo, tại vì Úc chưa thấy có sự cần thiết. Từ năm 2014 cho đến 2016, khi ông Tony Abbott làm thủ tướng, cũng đã có rất nhiều tin đồn Hoa Kỳ yêu cầu Úc tham gia tuần tra Biển Đông đi vào các vùng 12 hải lý nói trên. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, ông Abbott đã lên tiếng cải chính là chưa bao giớ Hoa Kỳ yêu cầu Úc tham gia tuần tra và đi vào vùng 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo. Mặc dù nay cũng có nhiều tin đồn, nhưng tôi không biết là Hoa Kỳ đã từng chính thức có yêu cầu như vậy hay không.

Ngoại trưởng Maryse Payne sau cuộc họp ở Washington có nói một câu : “Tất nhiên, Úc là quốc gia thân hữu của Hoa Kỳ, nhưng Úc có những quyết định tùy thuộc vào quyền lợi quốc gia của mình một cách độc lập”. Đây là một cách gián tiếp để nói là nước Úc chưa sẵn sàng chấp nhận hợp tác cùng với Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông theo cái nghĩa là đi vào vùng 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo.

Theo RFI