Home Biển Đông Biển Đông: Trung Quốc sẽ diễn lại kịch bản “Vành Khăn” tại...

Biển Đông: Trung Quốc sẽ diễn lại kịch bản “Vành Khăn” tại Đá Ba Đầu?

Nghe đọc bài

Ảnh chụp vệ tinh Đá Ba Đầu -Whitsun Reef – và đội tàu cá Trung Quốc, ngày 23/03/2021. via REUTERS – Maxar Technologies

Tình hình Biển Đông trong tháng Ba 2021 lại bị Bắc Kinh khuấy động với sự kiện tàu Trung Quốc đến neo đậu dày đặc tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), ở vùng quần đảo Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đang là đối tượng tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Nhiều chuyên gia phân tích đang lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh tái diễn kịch bản chiếm đóng Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) cũng ở Biển Đông vào năm 1995.

Sự kiện tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực Đá Ba Đầu được cho là đã bắt đầu từ cuối năm 2020, nhưng phải chờ đến trung tuần tháng Ba 2021 thì Philippines mới lên tiếng tố cáo khi một cơ quan chính phủ phụ trách giám sát Biển Đông ngày 20/03 báo động việc phát hiện đến 220 tàu Trung Quốc neo đậu san sát bên nhau tại vùng Đá Ba Đầu vào ngày 07/03.

Đá Ba Đầu là một rạn san hô nửa chìm nửa nổi có hình dạng chữ V nằm ngang, rộng khoảng 10 km2, nằm ở cực đông bắc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đối với Manila, thực thể địa lý này thuộc chủ quyền của Philippines vì chỉ cách đảo Palawan của nước này 175 hải lý, tức là sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Sau lời báo động của cơ quan giám sát biển, từ bộ Quốc Phòng, bộ Ngoại Giao, cho đến chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đều lần lượt chính thức phản đối hành vi bị coi là xâm lấn của Trung Quốc, trong lúc Quân Đội Philippines vừa cho phi cơ đến giám sát đội tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, vừa cho Hải Quân tăng cường tuần tra.

Sau Philippines, đến lượt Việt Nam ngày 25/03 lên tiếng khẳng định rằng hoạt động của đội tàu Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Không chỉ bị Manila và Hà Nội lên án, việc Trung Quốc cho tàu tràn ngập vùng Đá Ba Đầu cũng đã bị một loạt cường quốc phản đối, từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, cho đến Anh, Úc và Canada.

Trung Quốc bị tố cáo ngụy biện

Trước những lời phản đối đồng loạt từ khắp nơi, Trung Quốc đã lập lại những quan điểm cố hữu để biện minh cho hành động của mình, tái khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng Trường Sa, bao trùm cả khu vực Đá Ba Đầu, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Philippines theo đó số lượng hàng trăm tàu Trung Quốc bị phát hiện là tàu dân quân biển. Đối với Bắc Kinh, đó chỉ là các tàu đánh cá, và chuyện các con tàu này tập hợp lại chính là để tránh bão.

Lập luận của Trung Quốc về “tàu đánh cá ghé Đá Ba Đầu để tránh bão” đã bị phía Philippines cũng như giới chuyên gia phân tích phản bác dựa trên các hình ảnh mà vệ tinh Mỹ của hãng Maxar Technologies đã chụp được và công bố.

Trước hết, nếu tránh bão thì chỉ trong một thời gian nhất định. Thế nhưng, trả lời đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR ngày 26/03 vừa qua chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải và Luật Biển thuộc Đại Học Philippines nhận định là về cơ bản, con số hai trăm tàu Trung Quốc đã hiện diện liên tục ở khu vực từ nhiều tuần lễ nay.

Hơn nữa, theo hãng Maxar Technologies, hình ảnh vệ tinh trong thời gian gần đây, cho thấy là các con tàu này, với số lượng trồi sụt đôi chút, đã có mặt ở vùng Đá Ba Đầu từ Tháng 12 năm ngoái, 2020.

Lập luận của Trung Quốc theo đó đội tàu của họ là tàu đánh cá cũng không đứng vững. Theo chuyên gia Philippines Batongbacal, “các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy boong của những con tàu này rất rất sạch”, có nghĩa là những chiếc tàu này không hề có hoạt động đánh bắt cá. Ngoài ra, trong khoảng thời gian mà tàu Trung Quốc hiện diện tại Đá Ba Đầu, hoàn toàn không có vấn đề “thời tiết xấu” như Bắc Kinh đưa ra.

Chuyên gia Mỹ Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington cũng tỏ vẻ rất hoài nghi về những lập luận của Trung Quốc.

Theo ông, những chiếc tàu như đã được ràng chặt vào nhau “với độ chính xác quân sự”, do đó không thể có hoạt động đánh cá được. Trả lời đài NPR, chuyên gia Mỹ đã ví von: “Khi ngồi yên thì không thể kéo lưới. Vì vậy, nếu quả thực đó là các ngư dân hoạt động ‘thương mạithì tất cả bọn họ sẽ bị phá sản”.

Mưu toan chiếm đóng của Trung Quốc

Tóm lại, hàng trăm chiếc tàu Trung Quốc tại vùng Đá Ba Đầu không hề có hoạt động đánh cá. Chính yếu tố này đã khiến giới chuyên gia  nghĩ đến khả năng Trung Quốc đang triển khai kế hoạch chiếm đóng Đá Ba Đầu như họ đã từng làm trước đây với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995.

Đây chính là ý kiến của chuyên gia Philippines Batongbacal. Trên đài NPR, nhà nghiên cứu này cho rằng Bắc Kinh có thể là đang chuẩn bị chiếm bãi đá ngầm này để xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác. Đối với ông, kịch bản có nhiều dấu ấn của chiến dịch chiếm Đá Vành Khăn của Philippines vào thập niên 1990.

Khi ấy, Trung Quốc cũng nói rằng họ chỉ sử dụng rạn san hô Vành Khăn để làm nơi trú ẩn cho ngư dân, và vào năm 1995, đã cho xây dựng “lán trại” trên bãi đá gọi là để cho ngư dân trú ẩn.

Thế rồi kể từ năm 2014, chiến dịch xây dựng tăng tốc, và ngày nay, theo ông Batonbacal, Đá Vành Khăn đã trở thành một trong những đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, “hiện là nơi đặt một căn cứ quân sự toàn diện”, được “các ụ tên lửa bảo vệ”, và là tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo chuyên gia Mỹ Poling, Đá Ba Đầu có một vị trí chiến lược quan trọng đối với hệ thống bố phòng của Trung Quốc tại Trường Sa. Rạn san hô này nằm trong bán kính 1,6 km từ hai căn cứ hiện có của Trung Quốc và bốn tiền đồn nhỏ của Việt Nam. Do đó, Trung Quốc có vẻ như họ đang sử dụng Đá Ba Đầu làm một địa bàn an toàn để khống chế toàn khu vực Cụm Sinh Tồn.

Tuy vậy, ông Greg Poling không cho rằng Trung Quốc sẽ bồi đắp Đá Ba Đầu thành một đảo nhân tạo thứ 8 của Trung Quốc tại vùng Trường Sa. Do việc “mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát vùng biển, vùng đáy biển, vùng không phận bên trên Trường Sa, vì vậy họ không thực sự cần tiền đồn thứ tám để làm điều đó”.

RFI

Exit mobile version